Phiên giao dịch chiều 2/8: Cổ phiếu chứng khoán nổi sóng, VN-Index hồi phục gần 30 điểm từ đáy

Phiên giao dịch chiều 2/8: Cổ phiếu chứng khoán nổi sóng, VN-Index hồi phục gần 30 điểm từ đáy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường bất ngờ "quay xe" đầy ấn tượng với sự dẫn đầu của nhóm cổ phiếu chứng khoán, đã giúp VN-Index hồi phục tới 26,5 điểm và đóng cửa ở mức giá cao nhất trong ngày.

Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, thị trường tiếp tục có phiên giao dịch sáng ngày 2/8 “đỏ lửa” khi áp lực bán mạnh vẫn diễn ra trên diện rộng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn giao dịch ảm đảm và lực bán vẫn dâng cao đã khiến VN-Index nhanh chóng lùi về mốc 1.210 điểm ngay khi mở cửa.

Tuy nhiên, điều này lại trở thành cú kích hoạt cho thị trường. Ngay khi chạm vùng giá trên, lực cầu hấp thụ đã gia tăng và giúp thị trường bật hồi ấn tượng. Sau hơn 1 giờ mở cửa, VN-Index dần tìm lại sắc xanh và tiếp tục tăng tốc trong thời gian còn lại của phiên giao dịch.

Thị trường đã khép lại phiên giao dịch cuối tuần với mức tăng gần 10 điểm, lên vùng giá cao nhất trong ngày, gần ngưỡng 1.240 điểm. Như vậy, chỉ tính trong hơn 1 giờ giao dịch của phiên chiều, chỉ số VN-Index đã biến động lên tới gần 30 điểm.

Đà tăng khá tích cực với sắc xanh chiếm ưu thế, thậm chí nhiều mã kéo trần thành công, tuy nhiên niềm vui không trọn vẹn bởi thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp và rất có thể đây chỉ là phiên hồi phục kỹ thuật sau phiên lao dốc mạnh ngày 1/8.

Đóng cửa, sàn HOSE có 267 mã tăng và có tới 160 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 9,64 điểm (+0,79%) lên 1.236,6 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 696,66 triệu đơn vị, giá trị 16.387,2 tỷ đồng, giảm 22,35% về khối lượng và 23,41% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp xấp xỉ 39 triệu đơn vị, giá trị hơn 720 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cũng đảo chiều khởi sắc khi đóng cửa tăng hơn 9 điểm, với 22 mã tăng và chỉ 6 mã giảm, trong đó VCB kém khả quan nhất khi giảm tới 2,2%, kết phiên đứng tại mức giá thấp nhất trong ngày 88.700 đồng/CP, đã lấy đi tới 2,65 điểm của chỉ số chung.

Ở chiều ngược lại, hầu hết các cổ phiếu khởi sắc trong rổ bluechip đều có mức tăng hơn 1%, trong đó PLX và POW tăng tốt nhất đạt 4,9%, tiếp theo là SSI tăng 3,1%, GVR tăng 3%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, điểm sáng là pha “quay xe” ngoạn mục của HVN và DBC khi đều đóng cửa tăng hết biên độ với khối lượng dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị, trong đó DBC khớp lệnh tới hơn 10,6 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, cùng diễn biến với thị trường chung chính là nhóm cổ phiếu chứng khoán khi hàng loạt mã đều tìm đến mức giá cao nhất trong ngày, thậm chí BSI, CTS, FTS đều kéo trần thành công, tiếp theo là AGR tăng 4,9%, VDS tăng 4,6%..., cổ phiếu VIX vẫn giao dịch sôi động nhất thị trường với 24,82 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên cũng đảo chiều tăng 3,1% lên mức 11.500 đồng/CP; SSI tăng 3,1% và khớp lệnh 15,35 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đua nhau khởi sắc với MBB tăng 1,7%, VPB tăng 1,1%, TCB tăng 2,2%, STB tăng 1,2%, TPB và CTG cùng tăng nhẹ, thanh khoản các mã này đều đạt hơn chục triệu đơn vị. Trong khi đó, ngoài anh cả VCB kém khả quan, cổ phiếu SHB cũng chưa tìm lại được xanh, kết phiên giảm nhẹ 0,5% với khối lượng giao dịch lớn nhất ngành, đạt 24,44 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thép nới rộng biên độ, với bộ 3 cổ phiếu đầu ngành là HPG, HSG và NKG cùng đóng cửa tăng hơn 2%, trong đó HPG thanh khoản cao nhất với 17,55 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin vẫn ngược dòng thị trường chung, bởi tác nhân chính đến từ FPT kết phiên giảm 1,3% xuống mức 123.200 đồng/CP và khớp lệnh 9,94 triệu đơn vị; FOC và VGI cùng giảm hơn 2%, CMT giảm 1,4%.

Trên sàn HNX, thị trường cũng có pha “quay xe” đầy ấn tượng trong nửa cuối phiên, kéo HNX-Index tăng vọt.

Đóng cửa, sàn HNX có 94 mã tăng và 71 mã giảm, HNX-Index tăng 2,33 điểm (+1,02%) lên 231,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 56,5 triệu đơn vị, giá trị 1.025 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4,6 triệu đơn vị, giá trị 114,96 tỷ đồng.

Các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng đua nhau nổi sóng lớn. Trong đó, SHS kết phiên tăng 2% lên mức giá 15.400 đồng/CP với thanh khoản vượt trội, đạt 11,17 triệu đơn vị; MBS đảo chiều ấn tượng khi đóng cửa tăng 6,1% lên mức 29.600 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đứng thứ 2 thị trường với 3,98 triệu đơn vị.

Ngoài ra, BVS tăng 7,8% lên mức 34.500 đồng/CP, EVS tăng 1,5%, IVS tăng 3,8%, PSI tăng 1,4%, HBS tăng 3,4%...

Bên cạnh cặp đôi chứng khoán SHS và MBS, nhiều mã khác trong nhóm HNX30 đã đảo chiều thành công hoặc nới rộng biên độ tăng như LAS tăng 5,1%, NTP tăng 4,1%, VCS tăng 3,1%, IDC tăng 2,1%, TNG tăng 1,6%...

Trên UPCoM, nhận tín hiệu từ thị trường chung, UPCoM-Index cũng đảo chiều hồi phục thành công.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,25 điểm (+0,27%) lên 93,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 52,9 triệu đơn vị, giá trị 660 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 27 triệu đơn vị, giá trị 400,68 tỷ đồng, trong đó riêng HAC thỏa thuận hơn 23,24 triệu đơn vị, giá trị hơn 325,4 tỷ đồng.

Cổ phiếu thép TVN tiếp tục nới rộng biên độ, đóng cửa tăng 11,2% lên mức 9.900 đồng/CP với khối lượng giao dịch gần 1,5 triệu đơn vị.

Trong khi đó, BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản với xấp xỉ 9,2 triệu đơn vị và giá cổ phiếu thu hẹp biên độ giảm khi đóng cửa giảm nhẹ 0,9% xuống mức 22.400 đồng/CP. Còn mã cùng ngành là OIL lại đảo chiều thành công, đóng cửa tăng 4,2% lên mức 14.900 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt hơn 3 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều biến động nhẹ, với 2 mã tăng, 1 mã giảm và 1 mã đứng giá tham chiếu, trong đó VN30F2408 tăng 0,9 điểm, tương đương +0,1% lên 1.275,9 điểm, với giao dịch sôi động nhất, đạt hơn 2,7 triệu đơn vị khớp lệnh, khối lượng mở 55.375 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, giao dịch phân hóa, nhưng 2 mã giao dịch sôi động nhất là CHPG2404 và CMSN2313 với khối lượng giao dịch tương ứng là 4,89 triệu đơn vị và 4,72 triệu đơn vị, đều đóng cửa khởi sắc với mức tăng 7,1% lên 300 đồng/cq và tăng 2,8% lên 370 đồng/cq.

Tin bài liên quan