Trong phiên giao dịch sáng, VN-Index cầm cự khá tốt trước sức ép thông tin về vụ cựu Chủ tịch OGC bị bắt được đưa ra cuối tuần trước. Dù OGC bị giảm sàn, nhưng không làm lân lan lực bán tháo ra thị trường giống như phiên 23/10.
Tuy nhiên, ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, bên nắm giữ đã không còn giữ được sự kiên nhẫn như phiên sáng, thay vào đó là tâm lý nôn nóng muốn thoát hàng. Chính sự chuyển biến tâm lý một cách nhanh chóng này đã khiến VN-Index giảm dần, rời xa mốc 590 điểm và kích hoạt hoạt động bán tháo diễn ra trên diện rộng, đặc biệt là nhóm cổ phiếu dầu khí vừa và nhỏ. Nếu GAS không cầm cự tốt ở mức tham chiếu, nhiều khả năng đà rơi của VN-Index còn mạnh hơn và về vùng đáy cũ 578 điểm giống như nhận định của một số công ty chứng khoán.
Hoạt động bán tháo cũng diễn ra đồng loạt trên sàn HNX, khiến chỉ số này đóng cửa ở mức thấp nhất ngày khi mất tới hơn 3%.
Kết thúc phiên chiều, VN-Index giảm 10,71 điểm (-1,81%), xuống 580,8 điểm. VN30-Index giảm mạnh hơn với 14,37 điểm (-2,28%), xuống 615,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch trên HOSE đạt 104,19 triệu đơn vị, giá trị 1.754,49 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,48 triệu đơn vị, giá trị 146,85 tỷ đồng.
HNX-Index giảm tới 2,67 điểm (-3,07%), xuống 84,38 điểm. HNX30-Index cũng mất tới 6,91 điểm (-3,98%), xuống 166,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 58,63 triệu đơn vị, giá trị 781 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,83 triệu đơn vị, giá trị 26,4 tỷ đồng.
OGC chính là cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư chú ý nhất trong phiên hôm nay. Tuy nhiên, sau khi yên vị ở mức giá sàn 10.200 đồng khi kết thúc phiên sáng với thanh khoản hơn 6,37 triệu đơn vị, gần như không nhà đầu tư nào dám mạo hiểm bắt đáy mã này trong pheien chiều, khiến lượng dư bán giá sàn mỗi lúc một gia tăng trong khi lượng khớp thêm trong 105 phút của phiên chiều chỉ là hơn 180.000 đơn vị.
Không chỉ OGC, lực bán tháo cũng xuất hiện ở nhiều nhóm bất động sản, xây lắp, dầu khí, thủy sản, khiến số mã giảm giá gấp 6 lần số mã tăng giá, trong đó có tới 40 mã đóng cửa ở mức giá sàn, trong đó có nhiều mã bất động sản, dầu khí, trong khi có hàng loạt mã khác dù không về đến sàn, nhưng cũng đóng cửa ở mức thấp nhất phiên. Nhóm bluechip gần như không còn sắc xanh nào tồn tại, chỉ lác đác vài chấm vàng.
Trong khi áp lực bán giá thấp xuất hiện trên diện rộng, thì bên nắm giữ tiền mặt lại tỏ ra hết sức thận trọng. Nhiều nhà đầu tư vẫn chưa dám mạo hiểm bắt đáy, vì sợ bắt phải dao rơi, khiến thanh khoản ở nhiều mã không được cải thiện.
Dù chỉ được khớp nhỏ giọt trong phiên chiều, nhưng với lượng khớp 6,55 triệu đơn vị trong cả ngày giao dịch, OGC đứng thứ 2 về về thanh khoản, sau ITA với 6,69 triệu đơn vị, tiếp đó là FLC với 6,42 triệu đơn vị, tiếp đến là các mã KBC, HQC, HAG, VHG, SSI…
Trên HNX, sắc xanh cũng chỉ còn 42 mã, trong đó có không ít mã có sắc xanh nhạt, hoặc mức tăng ảo, không phải ánh đúng thực sự cán cân cung cầu. Trong khi cũng có tới 28 mã đóng cửa ở mức giá sàn.
Nhóm cổ phiếu lớn và nhóm dẫn dắt thị trường đều chìm trong sắc đỏ đậm như PVS, PVC, PVX, FIT, KLF, VCG, SHB, nhóm chứng khoán… Trong đó, PVX được khớp 8,13 triệu đơn vị, còn KLF được khớp 7,35 triệu đơn vị. Ngoài 2 mã trên, chỉ còn 10 mã nữa có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị, nhưng cũng không có mã nào vượt quá 4 triệu đơn vị trong phiên hôm nay.
Nhà đầu tư nước ngoài phiên hôm nay giao dịch rất thận trọng. Trên HOSE, khối này bán ròng nhẹ 45.350 đơn vị, giá trị bán ròng hơn 7,3 tỷ đồng, trong khi trên HNX, nhà đầu tư ngoại bán ròng tới 1,14 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tới 31 tỷ đồng với các mã bị bán ròng mạnh là PVS, SHB, VND.