Phiên giao dịch chiều 26/9: Lực cầu bắt đáy gia tăng mạnh, VN-Index hãm đà rơi

Phiên giao dịch chiều 26/9: Lực cầu bắt đáy gia tăng mạnh, VN-Index hãm đà rơi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực cầu gia tăng mạnh cuối phiên đã giúp VN-Index lấy lại được hơn 15 điểm từ mức đáy của ngày (dưới 1.160 điểm), thanh khoản cao nhất gần 3 tuần.

Diễn biến tiêu cực đã xuất hiện trong phiên sáng nay khi thị trường chìm trong biển đỏ. Áp lực bán ngày càng lớn mạnh và lan rộng hơn trên thị trường khiến số mã giảm điểm chiếm áp đảo và chỉ còn vài chục mã giữ được nhịp tăng điểm. Các chỉ số chung đồng loạt lao dốc mạnh, trong đó VN-Index về gần mốc 1.170 điểm, được đánh giá là vùng kháng cự mạnh của thị trường trong bối cảnh hiện tại.

Điểm tích cực là thị trường chưa xuất hiện áp lực bán tháo và lực cầu cũng tham gia có phần tích cực giúp thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể, đồng thời số mã nằm sàn trên thị trường cũng khá ít.

Tuy nhiên, bước sang phiên giao dịch chiều, điều không mong đợi đã xảy ra. Áp lực xả hàng diễn ra ồ ạt khiến thị trường tiếp tục lùi sâu và danh mục các mã giảm kịch sàn không ngừng kéo dài. Chỉ số VN-Index dễ dàng để mất mốc 1.170 điểm chỉ sau chưa đầy 20 phút mở cửa và tiếp tục xuyên qua ngưỡng 1.160 điểm sau gần 1 giờ giao dịch của phiên chiều khi bốc hơi hơn 40 điểm.

Ngay khi thủng mốc 1.160 điểm, vùng đáy của chỉ số VN-Index trong hơn 2,5 tháng, lực cầu bắt đáy đã gia tăng mạnh giúp thị trường bật ngược đi lên và hồi phục khoảng 15 điểm, đóng cửa tại mức giá cao nhất của phiên chiều.

Như vậy, cũng như những đợt tăng lãi suất trước đây, lần tăng lãi suất điều hành cũng đã khiến thị trường chứng khoán có những phản ứng khá tiêu cực. Bên cạnh đà giảm mạnh của thị trường toàn cầu nói chung, chứng khoán Việt cũng trải qua phiên giao dịch đầu tuần ngày 26/9 khá ảm đạm với sự giảm mạnh của các chỉ số. Tuy nhiên, điểm tích cực chính là sự xuất hiện của dòng tiền bắt đáy vào cuối phiên đã giúp chỉ số VN-Index lấy lại được mốc 1.170 điểm cùng thanh khoản tăng vọt, đạt hơn 17.000 tỷ đồng.

Chốt phiên, sàn HOSE có 42 mã tăng và 462 mã giảm (47 mã giảm sàn), VN-Index giảm 28,93 điểm (-2,4%) xuống 1.174,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 747 triệu đơn vị, giá trị 17.217 tỷ đồng, tăng 55,26% về khối lượng và 54,16% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 23/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 54,75 triệu đơn vị, giá trị 1.554,33 tỷ đồng.

Nhóm VN30 có 2 mã giữ được sắc xanh là VIB và GAS đều tăng 1%; cùng NVL đứng giá tham chiếu, còn lại 27 mã giảm điểm với mức giảm chủ yếu hơn 1%.

Đáng chú ý, một số mã như SSI, CTG, KDH thoát giá sàn và trong nhóm VN30 không còn mã nào nằm sàn. Các mã giảm sâu có VRE giảm 6,5%; tiếp theo là CTG giảm 6%, SSI giảm 5,6%, KDH giảm 5,4%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều mã cũng hồi phục, điển hình một số mã có màn đảo chiều ngoạn mục như VCG hồi phục và đóng cửa tăng 3,2% lên mức giá cao nhất ngày 26.000 đồng/CP; tương tự HHV cũng tăng 1,9% và đóng cửa ở vùng đỉnh 16.500 đồng/CP; hay CCI và SFG từ giá sàn lên sát trần khi tăng 6,5%...

Cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất thị trường là HAG cũng bật mạnh khi thu hẹp biên độ chỉ còn giảm 1,4%, đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày 13.700 đồng/CP và khớp lệnh hơn 40,96 triệu đơn vị.

Tương tự, một mã đáng chú ý khác là DIG cũng có cú bật mạnh trong đợt khớp lệnh ATC khi từ mức giá sàn lên sát mốc tham chiếu. Đóng cửa, DIG chỉ còn giảm 0,8%, đứng ở mức 31.900 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt, đạt 18,1 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, với độ rộng khá lớn trên thị trường, nhóm bất động sản và xây dựng là nhóm có nhiều mã giảm sàn nhất, điển hình như một số mã HDC, TDC, NHA, DXG, NLG, DPG, HDG, SZC, PHC, IJC, DXS… Trong đó, cổ phiếu vốn hóa lớn nhất là VHM cũng nới rộng đà giảm so với phiên sáng khi để mất 2,3%.

Tuy nhiên, nhóm chứng khoán vẫn giảm mạnh nhất. Bên cạnh CTS, FTS, VDS, VIG nằm sàn, các mã khác giảm sâu như APG giảm 6,8%, AGR giảm 6,4%, ORS giảm 6,1%, VND và VIX cùng giảm 5,9%, VCI giảm 5,8%, SSI giảm 5,6%... Trong đó, VND và SSI vẫn thuộc top 5 thanh khoản tốt nhất thị trường với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 28,9 triệu đơn vị và 22,9 triệu đơn vị.

Ở nhóm ngân hàng, ngoại trừ VIB và EIB có được sắc xanh với mức tăng hơn 1%, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Cụ thể, CTG giảm 6%, SHB giảm 5,34%, các mã BID, VPB, MBB, LPB, STB, HDB, OCB giảm trên dưới 4%...

Trên sàn HNX, lực cầu gia tăng mạnh cũng giúp thị trường hãm đà rơi.

Đóng cửa, sàn HNX có 41 mã tăng và 164 mã giảm (13 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 8,76 điểm (-3,31%) xuống 255,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 82,32 triệu đơn vị, giá trị gần 1.689 tỷ đồng, tăng 47% về lượng và 55% về giá trị so với phiên trước đó. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,4 triệu đơn vị, giá trị 156,54 tỷ đồng.

Một số mã đáng chú ý giảm khá mạnh như CEO giảm 9,5% xuống sát sàn 23.900 đồng/Cp và khớp 5,19 triệu đơn vị; HUT giảm 7,3% xuống 24.200 đồng/CP và khớp 3,18 triệu đơn vị; THD giảm 3% xuống vùng giá thấp nhất trong ngày 45.700 đồng/CP; PVS giảm 6,1% xuống 24.700 đồng/CP và khớp hơn 10 triệu đơn vị.

Trong khi đó IDC thu hẹp đà giảm khi chỉ mất 2,6%, đóng cửa tại mức giá 51.500 đồng/CP với khối lượng giao dịch tăng vọt đạt 9,62 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, trong rổ HNX30 có 3 mã giữ được đà tăng là DXP tăng 6,3%, TAR tăng 2,2%, DDG tăng 0,3%, cùng NRC lấy lại được mốc tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán trên sàn HNX cũng khá tiêu cực, trong đó SHS đóng cửa giảm 7,1% xuống 10.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt hơn 11,11 triệu đơn vị; MBS giảm 4,7% xuống 16.400 đồng/CP, TVC giảm 6,5% xuống 7.200 đồng/CP, BVS giảm 6,5% xuống 18.800 đồng/CP…

Trên UPCoM, thị trường cũng không thoát khỏi phiên giảm sâu dù đà giảm có chút thu hẹp về cuối phiên.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 1,91 điểm (-2,15%) xuống 86,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 39,64 triệu đơn vị, giá trị 633,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,1 triệu đơn vị, giá trị 58,4 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR tiếp tục giảm sâu hơn trong phiên chiều khi đóng cửa giảm 4,8% xuống 21.900 đồng/CP và thanh khoản vượt trội trên thị trường, đạt hơn 8 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là C4G khớp 2,92 triệu đơn vị và đóng cửa đã thu hẹp đà giảm đáng kể khi chỉ còn mất 1,4%, đứng tại mức giá 14.300 đồng/CP.

Các mã khác là VHG, ABB, PAS, SBS, CEN, FTM, OIL đều có thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị và cùng đóng cửa giảm khá mạnh.

Trái lại, một trong những mã có màn quay xe khá ngoạn mục là LMH khi có thời điểm kéo trần. Đóng cửa, LMH tăng 6,7% lên mức 9.500 đồng/CP và khớp 0,88 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai VN30 đều mất điểm, với VN30F2210 giảm 18 điểm, tương đương giảm 1,5% xuống 1.192 điểm, khớp lệnh hơn 303.430 đơn vị, khối lượng mở 44.225 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền cũng chìm trong sắc đỏ, tuy nhiên, dẫn đầu thanh khoản là CKDH2207 khớp 5,22 triệu đơn vị, kết phiên đứng giá tham chiếu 20 đồng/CQ.

Tin bài liên quan