Diễn biến giao dịch cổ phiếu FLC trong 3 tháng qua (Nguồn: HOSE)

Diễn biến giao dịch cổ phiếu FLC trong 3 tháng qua (Nguồn: HOSE)

Phiên giao dịch chiều 26/2: FLC, HAG trên trần, VN-Index đảo chiều ngoạn mục

(ĐTCK) Tưởng chừng áp lực bán mạnh trong phiên sáng sẽ khiến thị trường tiêu cực hơn trong phiên giao dịch chiều. Tuy nhiên, lực bán giá thấp bất ngờ bị hãm lại, trong khi lực mua lại tăng mạnh trở lại ở nhiều mã, giúp VN-Index tiến lên sát mốc 590 điểm.
Những diễn biến của cuối phiên giao dịch sáng khiến nhiều nhà đầu tư đã nghĩ đến một kịch bản xấu cho phiên giao dịch chiều. Đúng như lo nghĩ của nhà đầu tư, lực bán giá thấp tiếp tục gia tăng khi thị trường vừa bước vào phiên giao dịch chiều. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi quá nhanh và bất ngờ. Sau hơn 10 phút giao dịch trong phiên chiều, đẩy VN-Index lùi dần về 582 điểm, lực bán giá thấp dần biến mất trên bảng điện tử, một phần được bên mua nhanh tay gom vào, một mặt bị hủy lệnh khi bên bán nhận thấy “có biến”.

Ngay sau khi thấy bên bán rút quân, bên mua đã đồng loạt phản công, giúp VN-Index tiến dần về mốc tham chiếu, với sắc xanh lấn dần trên bảng điện tử. Khoảng từ 2h, bên mua đã hoàn toàn áp đảo và chiếm thế chủ động, kéo VN-Index tăng dần và thiếu chút nữa đã cán mốc 590 điểm khi đóng cửa phiên.

Kết thúc phiên giao dịch chiều, VN-Index tăng 3,61 điểm (+0,62%), lên 589,81 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 157,7 triệu đơn vị, giá trị 2.759,4 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận hơn 3,4 triệu đơn vị, giá trị 105,5 tỷ đồng. VN30-Index tăng 6,38 điểm (+0,96%), lên 667,91 điểm.

Diễn biến VN-Index trong phiên 26/2  (Nguồn: TVSI)

 

Trên HNX, chỉ số HNX-Index tăng 0,54 điểm (+0,66%), lên 82,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 93,3 triệu đơn vị, giá trị 906,3 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,86 triệu đơn vị, giá trị 32 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 2 điểm (+1,22%), lên 166,29 điểm.

Lý do chính giúp thị trường đảo ngược tình thế trong phiên chiều có lẽ lại là thông tin về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng khi ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng khi trả lời phóng vấn báo chí chiều 25/2 cho biết, 1 tháng nữa có có thông tin chính thức về gói 100.000 tỷ đồng.

Với thông tin này, các mã bất động sản có kết quả kinh doanh tốt đã được gom mạnh trở lại. Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng tiếp tục duy trì đà tăng sau thông tin lãi suất huy động giảm, cho thấy thanh khoản của các ngân hàng đang ở mức rất tốt. Với mức lãi suất huy động thấp, nhiều khả năng dòng tiền sẽ chuyển hướng từ tiết kiệm sang các kênh khác có khả năng sinh lời cao hơn như chứng khoán hay bất động sản. Trong đó, chứng khoán đang là kênh chiếm nhiều ưu thế với mức tăng ấn tượng từ đầu năm và thanh khoản luôn ở mức cao.

Ngoài ra, với mức lãi suất huy động thấp, cùng thanh khoản dồi dào, nhiều khả năng các ngân hàng sẽ hạ lãi suất cho vay, khi đó, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế sẽ được hỗ trợ và tác động tích cực trở lại thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen vừa công bố báo cáo mới nhất cho thấy, niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tăng lên mức cao nhất 2 năm qua cũng tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư chứng khoán.

Quay trở lại với phiên giao dịch chiều nay, dòng tiền bất ngờ dồn mạnh vào FLC, giúp mã này tăng vọt lên mức trần với hơn 11,5 triệu đơn vị được khớp, với dư mua trần và ATC hàng triệu đơn vị.

 Diễn biến giao dịch cổ phiếu HAG trong 3 tháng qua (Nguồn: HOSE)

HAG cũng gây chú ý với lượng cầu mạnh vào nửa cuối phiên, dù có thời điểm đánh mất mức giá trần, nhưng lệnh mua ATC và giá trần lớn trong đợt khớp lệnh ATC giúp HAG đóng cửa với sắc tím ngọt. Tổng khối lượng khớp lên tới gần 10 triệu đơn vị, chỉ đứng sau FLC.

Ngoài nhóm ngân hàng, cổ phiếu bảo hiểm cũng bất ngờ được chú ý với sắc tím đồng loạt ở các mã như BMI, BIC, PGI.

DXG được nước ngoài mua vào khá mạnh, tạo sức lan tỏa ra các nhà đầu tư trong nước và là lý do giúp mã này duy trì đà tăng mạnh. Kết thúc phiên, DXG tăng 900 đồng (+5,63%), lên 16.900 đồng/cổ phiếu với 3,66 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua vào gần 0,86 triệu đơn vị.

Trên HNX, VCG đã lật ngược tình thế khi quay đầu tăng 500 đồng, lên 16.300 đồng/cổ phiếu, dù lúc sáng có lúc mã này giảm xuống mức 15.400 đồng/cổ phiếu.

SCR vẫn duy trì mức tăng khá với thanh khoản tốt nhất HNX khi được khớp 13,3 triệu đơn vị. Trong khi đó, dù có thanh khoản khá tốt, gần 12 triệu đơn vị được khớp, nhưng PVX cũng chỉ được kéo lên mức tham chiếu 4.300 đồng/cổ phiếu khi đóng cửa phiên.

Tin bài liên quan