Áp lực từ các mã bluechip khiến thị trường giảm mạnh trong phiên chiều, VN-Index không còn giữ được mốc 595 điểm, thậm chí suýt mất luôn mốc 590 điểm. Không chỉ bluechip, nhiều cổ phiếu đầu cơ cũng đã bị chốt lời, nhưng không phải tất cả.
Phiên giao dịch sáng chứng kiến giao dịch sôi động tại JVC khi hoạt động chốt lời diễn ra mạnh, trong khi bên nắm giữ tiền mặt chưa có ý định muốn cho đà tăng của mã này dừng lại. Ngoài JVC, diễn biến chung của thị trường khá yên bình khi các mã chủ yếu lình xình trong biên độ hẹp, thị trường cũng có những cú hụt chân mạnh do tác động của một vài mã lớn như VNM trên HOSE và ACB trên HNX, nhưng VN-Index có được điểm hỗ trợ tạm thời khá vững tại mốc 595 điểm.
Bản tin tài chính trưa
(Nguồn: VTV)
|
Tuy nhiên, ngay khi bước vào phiên giao dịch, lực bán gia tăng, khiến VN-Index nhanh chóng nới rộng đà giảm điểm, thậm chí chỉ số này đã lùi về sát mốc 590 điểm. Tuy nhiên, cũng giống mốc 595 điểm của phiên sáng, thị trường đã bật trở lại khi gặp ngưỡng hỗ trợ được xem là mạnh này, nhưng chốt phiên, VN-Index cũng không tránh khỏi phiên giảm mạnh và đánh mất mốc 595 điểm.
Hoạt động bắt đáy gia tăng mạnh tại VNM, giúp thanh khoản của mã này đạt mức kỷ lục trong lịch sử với 2,567 triệu đơn vị được khớp. Đây là tín hiệu cho thấy, nhiều khả năng thị trường đã điều chỉnh xong để bước vào chu kỳ tăng mới với đích đến là đỉnh cao của năm.
Kết thúc phiên 24/11, VN-Index giảm 6,16 điểm (-1,03%), xuống 593,83 điểm với 154 mã giảm, hơn gấp đôi so với 76 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 169,7 triệu đơn vị, giá trị 2.824,36 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 18,75 triệu đơn vị, giá trị 378,5 tỷ đồng.
HNX-Index cũng giảm 0,29 điểm (-0,36%), xuống 81,64 điểm với 119 mã giảm và chỉ có 75 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 51,58 triệu đơn vị, giá trị 514 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,63 triệu đơn vị, giá trị 20,5 tỷ đồng.
Gây áp lực mạnh nhất với thị trường trong phiên chiều nay chính là VNM khi “gã khổng lồ” này bị đẩy về mức 121.000 đồng, giảm 4,72%, mức giá thấp nhất kể từ ngày 3/11, trước khi đóng cửa ở mức 123.000 đồng, giảm 3,15%, mức giá đóng cửa thấp nhất kể từ 4/11.
Tuy nhiên, điểm tích cực là hoạt động bắt đáy gia tăng mạnh tại VNM, giúp thanh khoản của mã này đạt mức kỷ lục trong lịch sử với 2,567 triệu đơn vị được khớp.
Ngoài VNM, các mã cổ phiếu lớn khác cũng bị bán mạnh trong nửa đầu phiên chiều nay, trước khi hãm đà giảm về cuối phiên như nhóm ngân hàng, bảo hiểm, VIC, MSN, thậm chí các mã dầu khí lớn cũng quay đầu giảm giá.
Không chỉ các bluechip, áp lực bán cũng gia tăng ở một số mã cổ phiếu đầu cơ vốn đã tăng mạnh thời gian qua như FLC, HAI, FIT, HHS…, trong đó FLC được khớp hơn 22,38 triệu đơn vị và đóng cửa bằng phiên sáng 9.000 đồng, giảm 1,1%; HAI giảm 3,13%, xuống 6.200 đồng với 2,92 triệu đơn vị được khớp, FIT giảm 4,76%, xuống 10.400 đồng với 6,15 triệu đơn vị được khớp…
Một số mã khác cũng bị bán mạnh trong phiên chiều là DAG và DHM khi cả 2 đều đóng cửa với mức sàn 13.300 đồng và 3.700 đồng với tổng khớp lần lượt là 2,31 triệu đơn vị và 1,85 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, không phải tất cả các mã thị trường đều bị chốt lời. Mã đáng chú ý trong phiên chiều là VHG khi bất ngờ được kéo từ dưới tham chiếu trong phiên sáng, lên thẳng mức giá trần 8.600 đồng trong phiên chiều, trước khi đóng cửa ở mức 8.400 đồng, tăng 3,7% với 8,97 triệu đơn vị được khớp.
JVC tiếp tục là cuộc chiến giữa bên chốt lời và những người muốn đẩy giá mã này lên cao hơn. Cuối cùng phần thắng đã nghiên về phía nắm tiền khi JVC vẫn tăng 4,69%, lên 6.700 đồng với 7,39 triệu đơn vị được khớp, dù vậy JVC không có được phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp.
Trong khi đó, kỳ vọng sẽ có những thay đổi tích cực và khả năng có lợi nhuận đột biến, OGC vẫn là tâm điểm tranh mua của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Ngay sau khi được giao dịch trong phiên chiều, OGC đã hút mạnh lượng dư mua giá trần, trong khi cũng có một số nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận sớm, giúp giao dịch tại mã này cũng sôi động, dù không bằng phiên trước với 8,8 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua vào 2,16 triệu đơn vị. Chốt phiên, OGC còn dư mua giá trần hơn 2,4 triệu đơn vị và còn hàng triệu đơn vị ATC không khớp được do chỉ có 1.510 đơn vị được bán ra trong đợt ATC.
Với áp lực chốt lời diễn ra mạnh ở nhiều mã trong nửa đầu phiên chiều nay và lực cầu bắt đáy gia tăng mạnh, nhất là tại VNM, nhiều nhà đầu tư cho rằng, thị trường đã “thay máu” để bước vào chu kỳ tăng mới với đích đến là những mốc điểm cao hơn, thậm chí với những nhà đầu tư lạc quan, VN-Index có thể hướng tới mức đỉnh của năm nay là 638,68 điểm.