Trạng thái cân bằng được thiết lập trong phiên sáng nhờ áp lực bán suy giảm mạnh tiếp tục được củng cố thêm khi bước vào phiên giao dịch chiều. Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip là lực đỡ chính kéo thị trường hồi phục mạnh.
Nhiều nhà đầu tư cảm thấy tiếc nuối khi bán tháo cổ phiếu trong phiên giao dịch trước, trái lại có nhiều người hả hê bởi đã vợt được khá nhiều cổ phiếu giá rẻ trong phiên trước. Tuy nhiên, sau thời gian dài thị trường điều chỉnh giảm mạnh khiến tâm lý nhà đầu tư vẫn còn thận trọng thăm dò. Chính vì vậy, thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp.
Càng về cuối phiên giao dịch, sắc xanh càng lan rộng bảng điện tử, các cổ phiếu hòa nhịp trong khúc ca khải hoàn. Đóng cửa, toàn sàn HOSE có tới 159 mã tăng, gấp hơn 2,4 lần so với số mã giảm (66 mã), và trên HNX, số mã tăng cũng lên tới 135 mã, gấp 2,6 lần số mã giảm (51 mã).
Chỉ số VN-Index tăng 7,94 điểm (+1,47%) lên 546,85 điểm với tổng khối lượng 89,76 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.394,92 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 4 triệu đơn vị, trị giá 145,44 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận 1 triệu trái phiên BID1_106 với tổng giá trị 80 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 1,13 điểm (+1,4%) lên 81,6 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 33,11 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 411,75 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đạt hơn 1,5 triệu đơn vị, trị giá 17,12 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu VN30 và HNX30 đồng loạt đều tăng điểm, ngoài trừ MSN, STB, NTP, TCT và VGS còn đứng giá tham chiếu. Đóng cửa, VN30-Index tăng 6,65 điểm (+1,17%) lên 576,13 điểm, còn HNX30-Index tăng 3,24 điểm (+2,15%) lên 153,64 điểm.
Các cổ phiếu tác động lớn tới thị trường như BVH, VNM, PVD, GAS, HSG… đều tăng giá. Trong đó, đáng chú ý là BVH, lực cầu gia tăng mạnh giúp BVH từ mốc tham chiếu vươn lên giá trần và đóng cửa tăng 2.300 đồng lên 35.300 đồng/CP. Tuy nhiên, thanh khoản chưa có với khối lượng khớp lệnh đạt 296.050 đơn vị và còn dư mua trần 100 đơn vị.
Sau phiên giảm điểm mạnh hôm qua, GAS đã hồi phục mạnh và đóng cửa với mức tăng 1.000 đồng, trong khi PVD tiếp tục củng cố sắc xanh với mức tăng 1.100 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công hơn 1,6 triệu đơn vị. Ngoài ra, các cổ phiếu vừa và nhỏ trong nhóm cũng cải thiện rõ rệt, duy chỉ còn PXL vẫn giao dịch ở mức giá sàn.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng cũng đồng thời khởi sắc. Cụ thể, CTG, BID, VCB cùng tăng từ 500-700 đồng, HCM tăng 600 đồng, SSI tăng 400 đồng. Trong đó, CTG, BID, SSI cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.
FLC và HAI vẫn là hai cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản trên sàn. Trong khi FLC đã lấy lại sắc xanh với mức tăng nhẹ 100 đồng lên 10.600 đồng/CP và khớp 13,53 triệu đơn vị, còn HAI sau 6 phiên liên tiếp giảm điểm mạnh cũng đã lấy lại mốc tham chiếu 11.300 đồng/CP và khớp 9,21 triệu đơn vị.
Điểm sáng trong phiên giao dịch chiều nay chính là OGC. Lực cầu hấp thụ mạnh giúp OGC tăng trần với lượng dư mua trần chất đống. Đóng cửa, OGC tăng 300 đồng lên 4.700 đồng/Cp với khối lượng khớp đạt hơn 4 triệu đơn vị và còn dư mua trần 3,58 triệu đơn vị.
Ngoài ra, lần lượt các cổ phiếu đầu cơ bất động sản khác như ITA, HQC, KBC cũng đồng loạt tăng với khối lượng khớp lệnh cũng ở mức 1-2 triệu đơn vị.
Tương tự, các cổ phiếu dầu khí trên sàn HNX cũng hỗ trợ tích cực cho thị trường như PVS và PVB tăng 800 đồng, PVC tăng 500 đồng… Trong nhóm này chỉ còn PVI, PVR, PVV giao dịch ở mức giá tham chiếu. Đáng chú ý, dù sau báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 đã kiểm toán, lợi nhuận sau thuế PVX điều chỉnh giảm gần 70 tỷ đồng so với báo cáo tự lập nhưng cổ phiếu này cũng đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng nhẹ 100 đồng lên 4.600 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt 1,49 triệu đơn vị.
FIT và KLF tiếp tục là hai cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn lần lượt đạt 4,69 triệu đơn vị và 3,47 triệu đơn vị. Đóng cửa, FIT tăng 1.000 đồng lên 17.000 đồng/Cp trong khi KLF chỉ nhích nhẹ 100 đồng lên 9.100 đồng/CP.
Rõ ràng, việc tăng giảm là chuyện bình thường của thị trường, nhưng kiểu hôm qua còn thi nhau tháo chạy, nhưng ngay hôm sau lại đua nhau mua vào như mấy phiên gần đây của thị trường chứng khoán Việt Nam là điều khá khó hiểu. Việc tâm lý nhà đầu tư thay đổi rất nhanh có thể được giải thích do kiểu đầu tư theo tâm lý đám đông. Đây chính là kiểu đầu tư khá rủi ro, nhưng lại là "đặc sản", đem đến những bất ngờ thú vị và khó đoán cho thị trường chứng khoán Việt Nam.