Phiên giao dịch chiều 23/3: Lệnh bán HQC tăng mạnh cuối phiên, VN-Index bị cản bước tiến

Phiên giao dịch chiều 23/3: Lệnh bán HQC tăng mạnh cuối phiên, VN-Index bị cản bước tiến

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực chốt lời khiến VN-Index không thể chiến thắng được ngưỡng cản 1.510 điểm trong phiên hôm nay. Trong khi đó, lực bán HQC cũng tăng mạnh cuối phiên, dù không đủ để hấp thụ hết lượng dư mua trần.

Sau nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh là vùng đáy cũ 1.420 - 1.440 điểm, VN-Index đã hồi phục, bước vào sóng tăng từ 15/3 với 6 phiên tăng điểm liên tiếp. Trong sóng tăng này, ngưỡng kháng cự mạnh của VN-Index là vùng 1.510 điểm và áp lực chốt lời được dự báo sẽ gia tăng ở vùng điểm này.

Trong phiên sáng, sau ít phút đứng yên quan sát “trận chiến” tại HQC, khi mọi việc tại đây đã được an bài với lượng dư mua trần lớn, dòng tiền đã luân chuyển sang các mã khác, giúp sắc xanh chiếm ưu thế, trong đó đáng chú ý là một số mã lớn như MSN đảo chiều ngoạn mục, kéo VN-Index tăng mạnh và vượt qua ngưỡng cản 1.510 điểm.

Tưởng như vùng cản mạnh 1.510 điểm dễ dàng bị chinh phục để VN-Index bứt lên hướng tới vùng cao mới 1.520 - 1.540 điểm, nhưng diễn biến của phiên chiều cho thấy, 1.510 điểm vẫn đang là vùng cản mạnh.

Ngay khi bước vào phiên chiều, áp lực chốt lời đã gia tăng ở nhiều nhóm ngành, kể cả các nhóm ngành không tăng mạnh như ngân hàng, chứng khoán, hay dầu khí, vận tải biển, thép, bất động sran…, nhất là nhiều mã lớn trong nhóm VN30 khiến VN-Index giảm theo chiều gần như thẳng đứng, xuống dưới tham chiếu, xác lập mức đáy của ngày sau 1 tiếng giao dịch.

Sau đó, lực bán được hãm lại, khiến VN-Index giằng co nhẹ quanh tham chiếu suốt thời gian còn lại của phiên. Trong đợt ATC, nhóm VN30 tiếp tục bị bán ra, đẩy chỉ số này đóng cửa ở mức thấp nhất ngày khiến VN-Index không thể trở lại tham chiếu, đánh dấu phiên điều chỉnh đầu tiên sau 6 phiên tăng liên tiếp. Tuy nhiên, điểm tích cực là dòng tiền vẫn hoạt động khá tích cực khi thanh khoản chỉ giảm nhẹ so với phiên trước đó và trên mức trung bình 7 phiên.

Trong khi đó, VN30-Index gặp khó ở ngưỡng cản của đường trung bình MA50 và MA100 (1.512 - 1.518 điểm).

Về mã gây chú ý thị trường nhất hiện nay là HQC. Trong phiên chiều, lực bán cũng gia tăng mạnh, hấp thụ dần lượng dư mua trần 9.700 đồng, đặc biệt trong đợt ATC lượng khớp lên tới gần 5 triệu đơn vị, khiến lượng dư mua trần chỉ còn hơn nửa triệu đơn vị so với mức 7,8 triệu đơn vị của phiên sáng, qua đó cũng giúp cổ phiếu này trở thành cổ phiếu thanh khoản nhất thị trường hôm nay với 32,35 triệu đơn vị.

Chốt phiên, VN-Index giảm nhẹ 1,44 điểm (-0,10%), xuống 1.502,34 điểm với 192 mã tăng, ít hơn 73 mã so với phiên sáng (trong đó số mã trần vẫn là 17 mã), trong khi số mã giảm nhiều hơn 107 mã lên 260 mã, nhưng cũng chỉ duy nhất DQC giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 861,1 triệu đơn vị, giá trị 28.037,9 tỷ đồng, giảm 9% về khối lượng và chỉ giảm 1,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 72,4 triệu đơn vị, giá trị 3.659,4 tỷ đồng.

Trong nhóm bất động sản, xây dựng, ngoài HQC, có thêm QCG và VPH giữ được sắc tím, UDC không giữ được mức trần, trong khi NVT bất ngờ đảo ngược từ mức trần 25.150 đồng của phiên sáng, xuống đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 23.200 đồng, giảm 1,5%, do bị “đánh úp” trong đợt ATC.

Nhóm này cũng chỉ có thêm một số mã giữ được sắc xanh với mức tăng khá tốt như UDC (+6,2%), ITA (+4,8%), CCI (4,5%), CTD (4%), DIG (+3,6%)… Trong đó, ITA có thanh khoản chỉ sau HQC với 30,7 triệu đơn vị.

Trong khi đó, sắc đỏ đã nhiều hơn và chiếm ưu thế so với sắc xanh, nhưng mức giảm không lớn, lớn nhất là AGG cũng chỉ mất 3,7% xuống 49.500 đồng, NBB và CII cũng đảo chiều từ mức trần hôm qua, nay đều đóng cửa trong sắc đỏ, trong khi SII lại giữ được sắc tím 18.050 đồng.

Trong khi đó, các nhóm lớn như nhóm ngân hàng chỉ còn duy nhất EIB giữ được sắc xanh với mức tăng 1,9% lên 36.950 đồng, VCB may mắn giữ tham chiếu, còn lại đều giảm, nhưng mức giảm nhẹ, chủ yếu trên dưới 0,5%, mã giảm lớn nhất là TPB cũng chỉ mất 1,1% xuống 40.050 đồng.

Nhóm chứng khoán cũng chỉ 4 sắc xanh, các mã giảm cũng giảm không lớn. Đây cũng là diễn biến của nhóm thép, trong đó mã đầu ngành HPG quay đầu giảm nhẹ 0,2% xuống 46.800 đồng.

Dầu khí cũng chìm trong sắc đỏ, trong đó GAS giảm 2,4% xuống 112.300 đồng, PLX giảm 1,4% xuống 56.000 đồng, PVD giảm 1,8% xuống 35.900 đồng.

Trong khi đó, nhóm phân bón lại giữ được sự tích cực khi DPM tăng 4,6% lên 69.000 đồng, DCM tăng 1% lên 44.900 đồng, thậm chí BFC tăng trần lên 41.700 đồng.

Trong các mã đáng chú ý khác, trong khi GEX và POW giữ được đà tăng trên 2% thì FLC và HAG mất sắc xanh, lùi về tham chiếu. Các mã này đều có thanh khoản trên 20 triệu đơn vị, trong Top 6 mã thanh khoản nhất sàn.

Trên HNX, chỉ số chính của thị trường này cũng có diễn biến tương tự VN-Index khi quay đầu giảm tham chiếu đầu phiên và giằng co nhẹ quanh ngưỡng này trong thời gian còn lại. Tuy nhiên, điểm khác là HNX-Index lại thoát được phiên giảm điểm dù cũng có rung lắc trong đợt ATC.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,75 điểm (+0,16%) lên 462,1 điểm với 114 mã tăng (15 mã trần), 129 mã giảm (3 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 132,9 triệu đơn vị, giá trị 4.175,9 tỷ đồng, giảm 5,5% về khối lượng, nhưng nhỉnh nhẹ về giá trị giao dịch so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,9 triệu đơn vị, giá trị 411 tỷ đồng.

HUT và NVB vẫn là 2 mã có biến động mạnh nhất trong nhóm cổ phiếu lớn và duy trì trạng thái đối nghịch nhau. HUT nới đà giảm, đóng cửa ở mức sàn 44.900 đồng, khớp 13,7 triệu đơn vị, lớn nhất HNX và còn dư mua sàn hơn 1,3 triệu đơn, trong khi NVB nới đà tăng thành 8,2% lên 36.900 đồng, nhưng thanh khoản thấp chỉ hơn 251.000 đơn vị.

PVS nới đà giảm thành giảm 1,9% xuống 35.200 đồng, khớp 7,41 triệu đơn vị, đứng sau HUT. Trong khi SHS tăng 1,9% lên 43.100 đồng, khớp 6,2 triệu đơn vị. IDI cũng giữ đà tăng 1,1% lên 73.300 đồng, khớp 4,13 triệu đơn vị, trong khi CEO giảm 0,4% xuống 72.900 đồng, khớp 6,34 triệu đơn vị.

Các mã khác có biến động không đáng kể, trong đó đáng chú ý TVC bất ngờ có giao dịch sôi động hôm nay với 7,25 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 0,9% lên 23.200 đồng.

UPCoM cũng nới đà giảm đầu phiên chiều, xác lập mức đáy trong ngày, sau đó đã bật lên, nhưng không thể về được tham chiếu.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,22 điểm (-0,19%), xuống 116,58 điểm với 190 mã tăng, 162 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 69,4 triệu đơn vị, giá trị 1.620 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,7 triệu đơn vị, giá trị 168 tỷ đồng.

Các mã trong Top thanh khoản nhất sàn này đều giảm, ngoại trừ ABB đóng cửa tăng 1,8% lên 16.600 đồng, khớp 2,52 triệu đơn vị.

Còn lại BSR giảm 1,1% xuống 26.800 đồng, khớp 6,8 triệu đơn vị; VHG giảm 0,9% xuống 10.900 đồng, khớp 6,31 triệu đơn vị; C4G giảm 3,2% xuống 24.400 đồng, khớp 5,22 triệu đơn vị; VGT giảm 0,8% xuống 25.200 đồng, khớp 2 triệu đơn vị; OIL giảm 2,1% xuống 18.600 đồng, khớp 1,95 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, VN30-Index giảm 7,81 điểm (-0,52%), xuống 1.505,59 điểm với 7 mã tăng, trong khi có tới 22 mã giảm, 1 mã đứng giá tham chiếu. Trong số mã tăng, có 3 mã tăng trên 2% là SAB, POW, GVR, còn lại dưới 1%, chủ yếu chỉ tăng 1 bước giá. Trong khi đó, GAS chính là mã giảm mạnh nhất nhóm. MSN từ mức tăng hơn 3% của phiên sáng cũng đảo chiều giảm 1% khi đóng cửa ngày giao dịch. Các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 chỉ có hợp đồng đáo hạn tháng 6 tăng nhẹ, còn lại giảm theo thị trường cơ sở, nhưng mức giảm khiêm tốn hơn nhiều VN30, trong đó hợp đồng đáo hạn tháng 4 giảm 2,8 điểm (-0,19%), xuống 1.497,2 điểm với 134.488 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 31.149 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm thế áp đảo so với sắc xanh, trong đó mã giảm mạnh nhất là CHPG2116 do BSC phát hành giảm 29,2% xuống 850 đồng, thanh khoản chỉ 34.700 đồng. Ở chiều ngược lại, CFPT2111 do VCSC phát hành tăng mạnh nhất với mức tăng 15% lên 690 đồng, thanh khoản cũng chỉ 38.700 đơn vị. Hôm nay có 5 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 3 mã do KIS phát hành và đều là chứng quyền của HPG. Hai mã còn lại do HSC và MBS phát hành, trong đó mã có thanh khoản tốt nhất gần 2 triệu đơn vị do HSC phát hành và cũng là chứng quyền của HPG (CHPG2203), đóng cửa giảm nhẹ 0,6% xuống 1.670 đồng.

Tin bài liên quan