Bất chấp những nỗi lo từ bên ngoại đã được giải tỏa sau khi Fed quyết định chưa tăng lãi suất trong cuộc họp giữa tuần qua, các quỹ ETFs cũng đã chốt xong danh mục, trong khi kinh tế vĩ mô trong nước tích cực, nhưng chừng đó chưa đủ để kích thích dòng tiền chảy mạnh trở lại với chứng khoán.
Sau 4 phiên tăng trong 5 phiên giao dịch gần đây, cũng như VN-Index được kéo lên gần ngưỡng 575 điểm trong phiên sáng nay, áp lực chốt lời ngắn hạn đã xuất hiện, đẩy nhiều mã quay đầu và suýt chút nữa, VN-Index đã đảo chiều giảm điểm khi đóng cửa phiên giao dịch sáng nay.
Trong phiên giao dịch chiều, áp lực bán tiếp tục mạnh, trong khi đó, dòng tiền chưa trở lại khiến áp lực bán dù không lớn cũng đủ khiến nhiều mã quay đầu giảm giá. Nhóm dầu khí sau ít phút hứng khởi đầu phiên sáng sau khi giá dầu tăng mạnh phiên tối hôm trước, đã nhanh chóng đảo chiều giảm trở lại trong nửa cuối phiên sáng và nới rộng dần đà giảm trong phiên chiều khi giá dầu thô thế giới điều chỉnh trở lại.
Không chỉ nhóm dầu khí, một nhóm cổ phiếu dẫn dắt khác là ngân hàng cũng chịu áp lực chốt lời sau những phiên tăng giá trước đó khiến đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ, dù không quá mạnh.
Chính do sức ép từ 2 nhóm lớn này khiến VN-Index chủ yếu dao động dưới tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch của phiên chiều. Khi mọi người nghĩ thị trường sẽ điều chỉnh sau 2 phiên tăng liên tiếp, thì bất ngờ vào cuối phiên, VNM khởi sắc, cùng với một số bluechip khác trở thành đối trọng mạnh, chiến thắng sức ép từ nhóm dầu khí và ngân hàng, giúp VN-Index đảo chiều và đóng cửa trong sắc xanh, đánh dấu phiên tăng thứ 3 liên tiếp.
Tương tự, HNX-Index cũng chịu rung lắc mạnh trong phiên giao dịch chiều và có thời điểm đã lùi xuống dưới tham chiếu, nhưng về cuối phiên, với sự chắc chắn hơn của nhóm dầu khí trên sàn này, giúp HNX-Index bật ngược trở lại và có phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp.
Kết thúc phiên 22/9, VN-Index tăng 1,08 điểm (+0,19%), lên 573,2 điểm với 97 mã tăng và 112 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 121,25 triệu đơn vị, giá trị 1.836,76 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 27,75 triệu đơn vị, giá trị 413,3 tỷ đồng. Trong phiên sáng, gây chú ý trong phiên giao dịch thỏa thuận là MBB và HSG, thì trong phiên chiều, HAG và ASM tạo nên sự đột biến. Cụ thể, HAG được chuyển nhượng 9,59 triệu đơn vị, giá trị 145,68 tỷ đồng, ASM được chuyển nhượng 5,34 triệu đơn vị, giá trị 53,58 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 0,28 điểm (+0,36%), lên 78,35 điểm với 103 mã tăng và 72 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46,78 triệu đơn vị, giá trị 544,67 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,1 triệu đơn vị, giá trị 90,95 tỷ đồng.
Như đã đề cập ở trên, nhóm dầu khí và ngân hàng đều quay đầu giảm giá. Trong đó, GAS giảm 0,62%, xuống 47.500 đồng, dù phiên sáng có lúc tăng 1,26%, lên 48.400 đồng, PVD giảm 0,84%, xuống 35.600 đồng. Nhóm ngân hàng chỉ còn EIB và STB tăng nhẹ 1 bước giá, còn 4 mã lớn còn lại đều giảm, dù mức giảm chỉ là 1 - 2 bước giá.
Tuy nhiên, VNM lại bất ngờ tăng mạnh trong phiên chiều, nhất là về cuối phiên khi đóng cửa ở mức cao nhất ngày 102.000 đồng, tăng 3,03% với 0,67 triệu đơn vị được khớp. Ngoài VNM, một số mã bluechip khác cũng hỗ trợ cho VN-Index đảo chiều tăng điểm phiên chiều nay là BVH tăng 1,48%, DPM cũng đảo chiều tăng 1,6%, lên 31.700 đồng, GMD tăng 2,1%, lên 34.100 đồng, REE tăng 2,63%…
HAG không chỉ giao dịch sôi động trong phiên thỏa thuận, mà cũng sôi động trong phiên khớp lệnh với gần 3,8 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 1,32%, lên 15.400 đồng.
Trong nhóm thị trường, VHG tiếp tục được giao dịch sôi động với 8,46 triệu đơn vị được khớp, nhưng đóng cửa đảo chiều giảm 2,41%, xuống mức thấp nhất ngày 8.100 đồng. IJC cũng tăng khá mạnh 3,45%, lên 9.000 đồng với gần 1,1 triệu đơn vị được khớp. Còn lại FLC, HAI, FIT tăng 1 bước giá với thanh khoản gần 4 triệu đơn vị.
Trong khi đó, JVC vẫn ở mức sàn 5.400 đồng với 1,1 triệu đơn vị được khớp và lượng dư bán sàn còn 0,76 triệu đơn vị so với 1,1 triệu đơn vị trong phiên sáng.
Trên HNX, PVS vẫn giữ mức tăng 0,96%, lên 21.100 đồng với 2,98 triệu đơn vị, PGS tăng 1,58%, lên 19.300 đồng, trong khi PVC giảm 1 bước giá, xuống 20.200 đồng. Sôi động nhất là PVX với 4,31 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu về thanh khoản trên sàn, đóng cửa như mức giá phiên s áng 3.100 đồng, tăng 3,3%.
VIX cũng giữ được mức tăng tốt 5,12%, lên 8.200 đồng với 3,17 triệu đơn vị được khớp, đứng sau PVX.