Thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là sàn HOSE trong 2 phiên đầu tuần mới có mức tăng khá tốt, nhưng nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi về xu hướng của thị trường, bởi thực chất đây chỉ là những phiên “xanh vỏ đỏ lòng”.
Trong phiên giao dịch đầu tuần hôm qua và phiên sáng nay, hiện tương này được thể hiện khá rõ nét khi mầm xanh chủ yếu VN-Index dựa vào “ngũ đại gia”, GAS, VNM, MSN, VIC, VCB, đặc biệt là GAS.
Trong phiên sáng, VN-Index có đôi chút loạng choạng đầu phiên do sự thận trọng của nhà đầu tư, nhưng sau đó, với việc GAS, VIC, MSN có được sắc xanh, sau đó thêm VCB và VNM giúp VN-Index dần đảo chiều và lên mốc 594 điểm. Sau thời gian dài đi ngang dưới mốc điểm này, VN-index bất ngờ tăng vọt, vượt qua ngưỡng cản đầu tiên 595 điểm khi GAS leo lên mức giá cao nhất phiên.
Trong phiên giao dịch chiều, diễn biến cũng khá giống phiên sáng khi VN-Index có chút loạng choạng khoảng 30 phút đầu trước khi khẳng định xu thế tăng chắc chắn nhờ vào sự hỗ trợ của GAS.
“Đại gia” này bất ngờ nhận được lực cầu khá tốt trong phiên chiều, giúp đà tăng nhích dần, kéo VN-Index vượt qua mốc 600 điểm dễ dàng. Trong đợt ATC, dù áp lực bán của thị trường có tăng lên như thường lệ, nhưng với việc GAS yên vị ở mức giá trần, nên VN-Index vẫn giữ được mốc kháng cự tâm lý quan trọng 600 điểm.
Trong khi đó, HNX-Index lại không có được may mắn như VN-Index khi 2 trong số 5 mã có vốn hóa lớn nhất sàn đóng cửa trong sắc đỏ là PVS, VCG, trong khi chỉ mỗi SHB có được mức tăng nhẹ 100 đồng, ACB thì may mắn ở lại tham chiếu, mã còn lại gần như không được tính đến vì không có giao dịch.
Kết thúc phiên 21/10, VN-Index tăng 11,31 điểm (+1,92%), lên 600,55 điểm. VN30-Index tăng 5,72 điểm (+0,91%), lên 633,81 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 87,1 triệu đơn vị, giá trị 1.774,61 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,6 triệu đơn vị, giá trị 182,2 tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX-Index tiếp tục có phiên giảm thứ 2 liên tiếp trong tuần với mức giảm 0,28 điểm (-0,32%), xuống 87 điểm. HNX30-Index cũng giảm 0,55 điểm (-0,32%), xuống 173,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 45,68 triệu đơn vị, giá trị 626,67 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,2 triệu đơn vị, giá trị 32,67 tỷ đồng.
Trong phiên chiều, lực mua lớn giúp khối lượng khớp của GAS gấp gần 3 lần phiên sáng và giúp mã này lên mức giá trần 109.000 đồng với 0,83 triệu đơn vị được khớp. Ngoài GAS, các mã lớn của ngành dầu khí khác là PVD và DPM cũng hỗ trợ tích cực cho VN-Index. Trong đó, PVD tăng 4.000 đồng (+4,52%), lên 92.500 đồng với gần 0,97 triệu đơn vị được khớp. DPM tăng nhẹ 100 đồng, lên 29.700 đồng với hơn 0,16 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, các mã dầu khí thị giá nhỏ khác đều đóng cửa với sắc đỏ như PXI, PTL, PXL, PXT.
Ngoài GAS, 4 mã có vốn hóa lớn tiếp theo còn lại như VNM, VCB, VIC, MSN cũng đều tăng giá, trong đó, VNM, VCB, MSN đều tăng 1 bước giá như phiên sáng, còn VIC tăng 1.900 đồng (+4,04%), lên mức cao nhất ngày 48.900 đồng với 2,85 triệu đơn vị được khớp.
Ngoài VIC, trong nhóm bất động sản có tính dẫn dắt dòng tiền khác không có mã nào quá nổi bật. FLC được khớp lớn nhất của chỉ hơn 6 triệu đơn vị, thấp hơn nhiều mức trung bình của mã này trong những phiên gần đây. Đóng cửa, FLC về giá tham chiều 11.300 đồng. Trong khi đó, KBC duy trì được mức tăng 500 đồng của phiên sáng với hơn 4 triệu đơn vị được khớp. ITA cũng duy trì được mức tăng tối thiếu với gần 3 triệu đơn vị được khớp. Số mã khác như HAQ, HAR đều giảm nhẹ 100 đồng khi đóng cửa phiên với thanh khoản đứng ở mức thấp so với thường lệ.
Trong khi đó, SSI dù không giữ được mức cao nhất ngày 29.100 đồng, nhưng cũng có mức tăng 300 đồng, lên 28.900 đồng khi đóng cửa phiên với 3,38 triệu đơn vị được khớp.
HAG dù nhận được lực cầu tốt từ khối ngoại, nhưng chỉ chỉ đứng ở tham chiếu 24.800 đồng với 2,16 triệu đơn vị được khớp.
Dù số mã dầu khí lớn trên HOSE tăng mạnh, giúp sức cho VN-Index, thì trên HNX, những mã dòng dầu khí lại không thể đảo chiều khi PVS, PVC, PVB, PVE, PVG… đều chìm trong sắc đỏ, ngoại trừ hiện tượng cá biệt PXA được giữ mức giá trần từ phiên sáng.
KLF, mã thay thế PVX ở vị trí thanh khoản tốt nhất sàn hôm nay lùi thêm 2 bước so với phiên snags, đóng cửa ở mức 11.500 đồng với 5,78 triệu đơn vị được khớp. Trong khi PVX giữ được mức tham chiếu với tổng khớp hơn 4,7 triệu đơn vị.
Trong khi đó, FIT cũng giảm về mức giá thấp nhất ngày 26.600 đồng, giảm 600 đồng (-2,21%) với 2,1 triệu đơn vị được khớp.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn xu thế bán ròng với 1,4 triệu đơn vị, giá trị 61,31 tỷ đồng trên HOSE được bán ròng trong phiên hôm nay. Như vậy từ đầu tháng 10, khối ngoại đã rút ra gần 1.500 tỷ đồng trên HOSE.
Trên HNX, khối ngoại cũng bán ròng 67.800 đơn vị, giá trị bán ròng 1,1 tỷ đồng. Tính từ đầu tháng 10, khối này cũng rút ròng hơn 101 tỷ đồng trên HNX.