Ngay từ khi bước vào đầu phiên chiều, áp lực bán mạnh từ cuối phiên sáng tiếp tục được duy trì và dần gia tăng mạnh. VN-Index theo đó tiếp tục bị kéo xuống sát mốc tham chiếu, rồi diễn biến giằng co mạnh.
Đối với HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã rất nhanh bị kéo xuống dưới mốc tham chiếu khi bước vào phiên giao dịch chiều. Dưới áp lực cung mạnh, chỉ số này gần như giao dịch dưới mốc tham chiếu khá sâu trong suốt cả phiên chiều.
Hôm nay là phiên cuối trong đợt tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs, và cũng như các đợt cơ cấu danh mục khác, giao dịch chỉ thực sự bùng nổ ở cuối phiên, nhất là ở đợt khớp lệnh ATC. Nhiều lệnh khớp hàng triệu, thậm chí cả chục triệu đơn vị được thực hiện, không những khiến thanh khoản vọt tăng mạnh, mà điểm số của thị trường cũng được cải thiện đáng kể so với sức ép lớn từ đầu phiên. VN-Index lại bứt lên tiến sát mốc 585 điểm, trong khi HNX-Index kịp thời nhích tăng đúng 1 bước qua mốc tham chiếu.
Đóng cửa, với số mã tăng chiếm thế áp đảo là 124 mã so với số mã giảm là 78 mã, VN-Index tăng 4,35 điểm (+0,75%) lên 584,7 điểm. Chỉ số VN30-Index tăng 2,81 điểm (+0,47%) lên 603,26 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 201,25 triệu đơn vị, giá trị 3.500,6 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với hơn 14 triệu đơn vị, giá trị 422 tỷ đồng, đáng chú ý có 4,1 triệu cổ phiếu VIC trị giá 207,1 tỷ đồng.
Đối với sàn HNX, HNX-Index tăng đúng 0,01 điểm (+0,01%) lên 87,1 điểm với 84 mã tăng và 101 mã giảm. Chỉ số HNX30-Index giảm 0,44 điểm (-0,26%) xuống 166,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 55,7 triệu đơn vị, giá trị 687,19 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp rất khiêm tốn chỉ 1,9 triệu đơn vị, giá trị 23,77 tỷ đồng.
Như đã nêu ở trên, các quỹ ETFS vẫn giữ “thói quen” giao dịch bùng nổ trong thời điểm trước khi thị trường đóng của và cụ thể là ở đợt khớp lệnh giá đóng của ATC.
Đáng chú ý nhất phải kể đến STB, chỉ riêng ở đợt ATC đã có tới gần 19,77 triệu cổ phiếu được sang tên, nâng tổng khớp cả phiên lên tới 24,39 triệu đơn vị, vượt qua cả “vua thanh khoản” FLC để dẫn đầu thanh khoản sàn HOSE và chốt phiên tăng 500 đồng lên 19.000 đồng/CP. STB mới được ETFS bổ sung trở lại vào danh mục đầu tư.
FLC và ITA cùng được tăng tỷ trọng dù thanh khoản chưa thể đột biến như STB nhưng cũng ở mức khá cao, lần lượt đạt 21,89 triệu và 10,5 triệu đơn vị khớp lệnh, trong đó riêng đợt ATC khớp lần lượt là 16,2 triệu và 7,15 triệu đơn vị, đóng cửa đều tăng 200 đồng.
CII và OGC cũng là 2 mã có mức thanh khoản tăng đáng chú ý. OGC vẫn tăng kịch trần lên 2.900 đồng/CP dù bị loại khỏi danh mục, khớp được 11,9 triệu đơn vị, trong đó khớp ở đợt ATC là 9,9 triệu đơn vị. CII tăng 700 đồng lên 24.000 đồng/CP và khớp 15,67 triệu đơn vị, riêng đợt ATC khớp 4,43 triệu đơn vị.
Ngoài các mã trên, dòng tiền vẫn tập trung chủ yếu tại nhóm bất động sản, giúp nhóm này có được mức tốt, thanh khoản cao.
Tuy nhiên, lực đỡ chính của chỉ số vẫn là các mã lớn, thể hiện rõ nhất ở nhóm ngân hàng. Ngoài STB, các mã khác như VCB tăng 1.600 đồng, BID tăng 500 đồng, CTG tăng 100 đồng, thanh khoản từ 1,8 triệu đến 2,6 triệu. EIB đứng tham chiếu, MBB giảm 1 bước giá và khớp 4,36 triệu đơn vị.
JVC tiếp tục giảm sàn ở phiên này với lượng dư bán sàn hơn 9,9 triệu đơn vị, thanh khoản đạt 2,3 triệu đơn vị khớp lệnh, trong đó khối ngoại bất ngờ gom tới hơn 2 triệu đơn vị.
Trên HNX, giao dịch của các ETFs kém hơn hẳn so với HOSE, nên HNX-Index chỉ may mắn có được sắc xanh khi lượng cung giá thấp được tiết giảm mạnh. Cùng với đó, một số mã dẫn dắt như ACB, VCG, PVB, DBC... có được sắc xanh, góp phần đỡ chỉ số.
Một số mã trong rổ HNX30 có thanh khoản trên 1 triệu như SCR, VCG, KLF, FIT, SHB, PVS, VND và DCS nhưng đa phần là giảm điểm nhẹ và đứng tham chiếu. SCR dẫn đầu thanh khoản với 5,1 triệu đơn vị khớp lệnh và giảm 100 đồng xuống 8.300 đồng. PVX giảm 100 đồng và khớp 1,97 triệu đơn vị.
Các mã FID, KVC, VIX, SHN bị chốt lời khá mạnh nên cũng đều giảm điểm, trong đó FID, KVC, VIX có thanh khoản đạt trên 1 triệu đơn vị.