Thị trường chứng khoán Việt Nam trong những tháng đầu năm 2014 luôn giữ được nhiệt với sự tham gia lớn của dòng tiền. Dù thị trường được dự đoán chịu nhiều áp lực chốt lời, hay những thông tin không tích cực, nhưng dòng tiền vẫn không rút ra khỏi thị trường, mà chỉ chuyển từ mã này sang mã khác.
Theo đánh giá của giới phân tích, trong bối cảnh hiện nay, khi lãi suất giảm đáng kể, bất động sản chưa phục hồi hẳn, trong khi vàng luôn đối mặt với rủi ro, thì chứng khoán được coi là kênh đầu tư hấp dẫn nhất hiện nay.
Những con sóng to, nhỏ từ đầu năm đã giúp nhiều nhà đầu tư cả tổ chức và nhỏ lẻ thu được lợi nhuân, dù ít, dù nhiều tùy vào “khẩu vị” chịu đựng rủi ro của mỗi người. Thanh khoản của thị trường luôn giữ ở mức cao, khi những nhà đầu tư vào trước muốn đẩy đi để chốt lãi, hoặc cắt lỗ, thì luôn có dòng tiền chờ sẵn để mua vào.
Trong phiên giao dịch hôm nay cũng không phải ngoại lệ. Sau chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp và VN-Index chinh phục được mốc tâm lý 600 điểm, cùng với đó là các thông tin tích cực được công bố, lực chốt lời đã diễn ra trên diện rộng và ở nhiều mã khác nhau. Tuy nhiên, “đồ thừa” của người này lại là niềm khát khao của người khác, vì vậy, những lực bán chốt lời nhanh chóng được hấp thụ. Thị trường lại chứng kiến phiên giao dịch sôi động chỉ sau phiên kỷ lục 20/2.
Trên HNX, lực đua mua giá cao đã vét sạch lực chốt lời, sắc xanh trên sàn cũng chiếm thế áp đảo khi số mã tăng gấp 2 lần số mã giảm. HNX-Index nhẹ nhàng vượt qua mốc 87 điểm và tiến sát mốc 88 điểm. Trong khi đó, trên sàn HOSE, dù khiêm tốn hơn, nhưng số mã tăng giá vẫn lớn hơn số mã giảm với 136 mã tăng so với 105 mã giảm, thanh khoản cũng rất tốt khi dòng tiền vẫn chảy mạnh. Tuy nhiên, VN-Index lại ngậm ngùi “cúi đầu”, chấm dứt chuỗi 9 phiên tăng điểm liên tiếp khi kết thúc phiên hôm nay do một số kẻ “phá bĩnh” như GAS, VCB, VIC, VNM. Chính những “ông lớn” này giảm giá đã khiến nỗ lực của phần lớn còn lại trở thành công cốc.
Kết thúc phiên chiều, VN-Index giảm 0,51 điểm (-0,08%), xuống 599,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 204,44 triệu đơn vị, giá trị 3.830,45 tỷ đồng. VN30-Index tăng 31,53 điểm (+0,23%), lên 673,68 điểm. HNX-Index tăng 1,29 điểm (+1,50%), lên 87,6 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 133,11 triệu đơn vị, giá trị 1.449,38 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 2,27 điểm (+1,3%), lên 177,35 điểm.
Trong phiên chiều, FPT gây chú ý khi bất ngờ được mua mạnh, kéo lên mức giá trần 72.000 đồng/cổ phiếu, trước khi hạ nhiệt nhẹ trở lại, đóng cửa ở mức 71.000 đồng/cổ phiếu, tăng 3.500 đồng (+5,19%) với hơn 2,2 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, OGC có phiên đột biến với hơn 10,4 triệu đơn vị được khớp, kết thúc phiên ở mức 13.100 đồng, tăng 500 đồng (+4,00%).
PVT vẫn duy trì được sắc tím đến hết phiên với gần 7 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần 27.190 đơn vị.
Các cổ phiếu nằm trong danh mục thoái vốn của PVX trên HOSE vẫn duy trì đà tăng trần như PTL, PXL, PXM.
Trên HNX, dù PVX vẫn chiếm giữ vị trí đứng đầu về thanh khoản với 18,75 triệu đơn vị được khớp, đứng ở mức giá 6.800 đồng, tăng 400 đồng (+6,25%), nhưng gây chú ý và xôn xao nhất là KLS.
Sau khi KLS được kéo lên sát mức trần, lệnh bán dồn dập được tung ra, đẩy mã này lao nhanh về mức tham chiếu, tuy nhiên, khi cổ phiếu này sắp lùi tới nơi, thì một lệnh mua khủng 2 triệu đơn vị được tung ra ở mức 13.900 đồng khiến bên bán rụt tay. Trong phiên hôm nay, lệnh mua 2 triệu cổ phiếu này đã liên tục đặt - hủy để ép giá KLS tăng cao, và cuối phiên mới đóng vai trò chốt chặn. Ngoài lệnh kể trên, những “tay to”, còn chặn thêm ở mức giá 13.800 đồng/cổ phiếu hàng triệu đơn vị, với ý đồ cản không cho KLS lao thêm xuống đến tham chiếu.
Nhờ pha chèn, chặn nặng ký này, KLS được giữ ở mức trên tham chiếu. Kết thúc phiên, KLS tăng 200 đồng (+1,46%), lên 13.900 đồng/cổ phiếu với 15,79 triệu đơn vị được khớp.
Ngoài KLS, các mã chứng khoán khác không có nhiều diễn biến đáng chú ý, những mã nhỏ vẫn duy trì sắc tím, trong khi các mã lớn khác như VND, SHS, BVS hạ nhiệt, thậm chí SHS giảm giá, còn BVS nằm ở mức tham chiếu.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ra rất mạnh, với tổng khối lượng bán ròng trên HOSE tới hơn 4,5 triệu đơn vị, nhưng do việc mua vào rất lớn MSN, HAG nên họ lại mua ròng gần 4 tỷ đồng. Trên HNX, họ cũng bán ròng rất lớn với khối lượng bán ròng 3,5 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 47,8 tỷ đồng, trong đó bán ròng mạnh SHB với hơn 2,54 triệu đơn vị.