Nhìn bảng điện tử trong phiên giao dịch hôm nay có thể thấy, sắc đỏ là màu chiếm ưu thế. Tính chung toàn sàn, số mã giảm điểm (117 mã) so với số mã tăng (89 mã) không có nhiều cách biệt như phiên sáng. Tuy nhiên, đà tăng chủ yếu xuất hiện ở những mã nhỏ, còn trong nhóm cổ phiếu lớn, đặc biệt là nhóm bluechip (VN30 chỉ có 3 mã tăng) đều giảm điểm. Đây chính là áp lực khiến thị trường tiếp tục một phiên điều chỉnh.
GAS là mã có ảnh hưởng lớn đến sự biến động của VN-Index. Bước vào phiên giao dịch chiều, việc bất ngờ giảm tới gần 2% (tương đương giảm 1.500 đồng/cổ phiếu) của GAS khiến VN-Index để mất mốc 580 điểm, giảm gần 3 điểm chỉ trong 30 phút giao dịch. Cú hồi của GAS, đặc biệt là có thêm sự hỗ trợ của VCB (tăng 100 đồng), EIB (tăng 100 đồng) sau đó những tưởng sẽ giúp chỉ số sàn này sẽ có một kết thúc có hậu. Tuy nhiên, phiên khớp lệnh ATC, áp lực xả hàng ồ ạt, đã nhấn chìm mọi nỗ lực cứu chỉ số trước đó.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 3,08 điểm (-0,53%) xuống 578,68 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 108 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1.783,77 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 21,24 triệu đơn vị, trị giá 356,29 tỷ đồng. Trong đó, VNE tiếp tục thỏa thuận thêm hơn 7,9 triệu cổ tại mức giá tham chiếu, nâng tổng số khối lượng thỏa thuận trong phiên lên 18,9 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 255 tỷ đồng.
Được biết trước đó, SCIC đã có thông báo sẽ thoái toàn bộ 18,9 triệu cổ phiếu VNE đang nắm giữ, tương đương tỷ lệ 29,66% vốn của công ty này. Phương thức giao dịch là thỏa thuận được thực hiện từ ngày 16/3 đến 14/4. Như vậy, rất có thể, khối lượng VNE thỏa thuận được hôm nay là số lượng cổ phiếu SCIC đã đăng ký bán.
Lực bán lớn trong đợt ATC phải kể đến FLC. Nếu như trong phiên sáng, mã này đã khớp hơn 15 triệu cổ phiếu, thì trong phiên chiều, FLC giao dịch khá chầm chừng. Thanh khoản tăng chậm chạp. Tuy nhiên, chỉ trong 15 phút cuối phiên, FLC bất ngờ khớp thêm gần 6 triệu cổ phiếu, nâng tổng khối lượng giao dịch lên gần 24 triệu đơn vị. Tuy nhiên, với dòng tiền hấp thụ tốt, giá của FLC không thay đổi, giữ nguyên như phiên sáng, giảm 200 đồng.
Bên cạnh đó, tác động đến đà giảm của VN-Index còn phải kể đến nhóm cổ phiếu dầu khí, đặc biệt là PVD. Trong nhóm dầu khí, PVD là mã giảm mạnh nhất, trong phiên hôm nay cổ phiếu này giảm 3,8%, lùi về mức giá 50.500 đồng, đánh dấu phiên giảm điểm thứ 10 liên tiếp.
KBC và KDC vẫn đang được khối ngoại mua vào mạnh. Tuy nhiên, điều này không hỗ trợ giá cho 2 cổ phiếu này. KBC giảm 200 đồng; trong khi KDC giảm 100 đồng.
Trên HNX, độ rộng của sàn khá cân bằng, nhưng đà giảm mạnh của nhóm dầu khí cũng là nguyên nhân khiến chỉ số sàn này không thể hồi phục.
Theo đó, những mã dầu khí dẫn dắt của sàn này đều giảm như PVS, PVC giảm 400 đồng; PLC giảm 700 đồng; PGS giảm 500 đồng; PVE giảm 200 đồng.
Kết thúc phiên, HNX-Index giảm 0,31 điểm (-0,36%) xuống 85,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 45,75 triệu đơn vị, trị giá 668 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 4,6 triệu đơn vị, trị giá 90 tỷ đồng.
Với 8 mã tăng, 15 mã giảm và 7 mã đứng giá, HNX30-Index giảm 0,73 điểm (-0,44%) xuống 162,87 điểm.
Về thanh khoản, ngoài KLF (5,4 triệu) và FIT (4 triệu), HUT cũng gây chú ý với thanh khoản khá tốt, đạt hơn 3 triệu cổ phiếu.
Ngoài ra, PFL cũng đáng chú ý với thanh khoản tăng vọt, khớp được 1,1 triệu cổ phiếu. Hiện thị giá của PFL chỉ còn 2.000 đồng. cổ phiếu cũng đang đối mặt với án hủy niên yết bắt buộc khi đã thua lỗ 3 năm liên tiếp. Khoảm lỗ lũy kế đến hết năm 2014 lên tới 138 tỷ đồng, ăn mòn vào vốn chủ.
Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, nếu mốc 580 điểm bị xuyên thủng, sẽ tạo ra tâm lý bi quan cho nhà đầu tư và đẩy thị trường giảm xuống sâu hơn. Hiện VN-Index được đánh giá là sẽ được hỗ trợ khá cứng là 575, còn HNX-Index là 84,5 điểm. Tuy nhiên, với áp lực bán khá lớn, nhất là trước các thông tin không mấy tích cực về tăng giá xăng, điện, tỷ giá, trong khi các quỹ cũng bắt đầu đẩy mạnh bán ra, nhất là trong phiên cuối tuần để tất toán danh mục, nhiều khả năng các mốc điểm trên cũng khó trở thành điểm tựa vững chắc cho thị trường.