Trong phiên sáng, dòng tiền thận trọng khiến giao dịch diễn ra không mấy sôi động. VN-Index thử thách ngưỡng cản 1.280 nhưng thất bại do thiếu động lực. Chỉ số này chỉ có may mắn mới giữ được sắc xanh nhờ sự hỗ trợ của bộ 3 cổ phiếu nhà Vingroup cùng với một số mã ngân hàng.
Tuy nhiên, bước vào phiên chiều, dòng tiền hoạt động khá tích cực ngay đầu phiên, giúp VN-Index lấy lại đà tăng và một lần nữa lên test lại ngưỡng 1.280 điểm. Tuy nhiên, đây vẫn đang là ngưỡng cản mạnh, nên thêm một lần thất bại khi lực bán ra tăng ở vùng điểm này, đẩy VN-Index lần này xuống hẳn dưới tham chiếu.
Nhóm VN30 hoạt động tích cực đã kéo VN-Index nhanh chóng trở lại trên tham chiếu, nhưng lực bán mạnh trong đợt ATC đã khiến chỉ số này quay đầu và chỉ có may mắn với sự gồng gánh đắc lực của VIC, cùng sự trợ giúp của MSN, chỉ số này mới thoát khỏi phiên giảm điểm hôm nay, dù sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử.
Chốt phiên, VN-Index tăng nhẹ 0,59 điểm (+0,05%), lên 1.275,28 điểm với 189 mã tăng, trong khi có 247 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 711,9 triệu đơn vị, giá trị 17.665,5 tỷ đồng, tăng 15,8% về khối lượng và 19% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 67,7 triệu đơn vị, giá trị 2.192 tỷ đồng.
Trong nhóm VN30, PDR vẫn là mã khởi sắc nhất khi đóng cửa tăng 6,8% lên 58.200 đồng, sát mức trần với thanh khoản 5,21 triệu đơn vị.
Tương tự, VIC và MSN cũng nới rộng đà tăng khi đóng cửa cùng tăng 2,1% lên 67.300 đồng, khớp 2,2 triệu đơn vị và 111.300 đồng, khớp 1,17 triệu đơn vị, trở thành lực đỡ chính cho thị trường phiên hôm nay.
Trong khi đó, số mã giảm hơn 1% cũng nhiều hơn phiên sáng với 8 mã, trong đó giảm mạnh nhất là MWG giảm 1,5% xuống 65.000 đồng, trong khi mã giảm mạnh nhất phiên sáng là SAB lại đảo chiều tăng 0,3% lên 188.500 đồng.
Hai mã lớn đầu ngành dầu khí là GAS và PLX cũng giảm lần lượt là 1% xuống 112.400 đồng và 1,4% xuống 42.650 đồng.
Nhóm ngân hàng vẫn duy trì sự phân hóa như phiên sáng với MBB và HDB là 2 mã tăng mạnh nhất nhóm lần lượt 1,8% lên 27.750 đồng, khớp 15,4 triệu đơn vị và 1,5% lên 26.750 đồng, khớp 4,7 triệu đơn vị.
Dù không tăng quá mạnh và thanh khoản cũng không phải trong Top 10, nhưng HDB hôm nay gây chú ý khi là mã được nhà đầu tư nước ngoài săn đón.
Ngay từ khi mở phiên, HDB giao dịch tích cực và luôn cao hơn giá tham chiếu trong suốt cả phiên với lực cầu mạnh mẽ từ khối ngoại. Chốt phiên khối ngoại mua ròng 3 triệu cổ phiếu HDB, tương ứng giá trị mua ròng xấp xỉ 80 tỷ đồng, cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Không chỉ phiên hôm nay, HDB đã được nhà đầu tư nước ngoài thêm mạnh vào danh mục từ tuần trước.
Kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm vượt kỳ vọng, tốc độ tăng trưởng cao, tỷ lệ nợ xấu thấp, an toàn vốn đạt 14,9% - mức cao dẫn đầu toàn ngành, cùng thông tin về khả năng vượt kế hoạch kinh doanh đề ra cho năm 2022 là những yếu tố khiến nhà đầu tư nước ngoài "tranh mua".
Ngoài ra, nhóm ngân hàng có các mã tăng khác nhưng mức nhẹ dưới 1% là TCB, ACB, MSB, SSB, trong khi OCB, CTG, TPB, STB, VIB, LPB và SHB giảm giá, trong đó có 3 mã giảm hơn 1,2% là BID, LPB và SHB.
Nhóm chứng khoán, sắc xanh đã ít dần đi chỉ còn 5 mã tăng nhẹ là FTS, CTS, BSI, VCI, HCM, trong khi có 6 mã giảm (phiên sáng chỉ 2 mã giảm), nhưng mức giảm cũng không lớn. SSI và VND vẫn là các mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với hơn 21 và hơn 20 triệu đơn vị, cả 2 đều đóng cửa với mức giảm nhẹ.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép nhuộm sắc đỏ, trong đó mã đầu ngành HPG giảm 1% xuống 24.300 đồng, khớp 27,44 triệu đơn vị, đứng thứ 2 thị trường sau HAG. NKG và HSG cũng có thanh khoản tốt trên 14 triệu đơn vị và cũng đều đóng cửa giảm 2% xuống 21.750 đồng và 2,8% xuống 21.150 đồng. Giảm mạnh nhất nhóm là POM khi mất 6,6% giá trị, đóng cửa ở mức 7.610 đồng.
Trong các mã thị trường, HAG dù có lúc tăng điểm trong phiên sáng, nhưng lực bán mạnh trong phiên chiều đẩy mã này có phiên giảm khá mạnh 3,3% xuống 11.900 đồng, khớp 27,7 triệu đơn vị, cao nhất thị trường.
CII cũng đảo chiều từ mức tăng khá mạnh phiên sáng có lúc tăng 5,7%, đã chịu áp lực chốt lời mạnh nên quay đầu giảm 1,38% khi đóng cửa, xuống 25.000 đồng. CII đã có 2 tuần tăng khá tốt đầu tháng 8 từ vùng giá 21.000 đồng lên mức cao nhất sáng nay là 26.800 đồng.
Tuy nhiên, tâm điểm chú ý chiều này là nhóm cổ phiếu FLC. Sau thông tin về việc Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) có công văn gửi Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (FLC) và Công ty cổ phần Nông dược HAI (HAI) về việc sẽ thực hiện xử lý đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu của hai công ty này, nhóm FLC trên HOSE gồm cả FLC, HAI và cả AMD (ROS đã bị đình chỉ giao dịch từ 12/8), vẫn mở cửa khá tích cực, FLC chỉ giảm nhẹ, HAI đứng tham chiếu và AMD thậm chí tăng. Tuy nhiên, chỉ chờ lực cầu đủ lớn, nhiều nhà đầu tư đã nhanh tay tháo chạy, hấp thụ hết lượng đặt mua, nhiều nhà đầu tư đặt mua không kịp trở tay, kéo cả 3 mã này về mức kịch sàn lần lượt là 5.320 đồng, 2.440 đồng và 2.950 đồng với dư bán sàn rất lớn, trong đó FLC còn dư bán sàn tới gần 20 triệu đơn vị, HAI hơn 4,4 triệu đơn vị, AMD khiêm tốn hơn khi chỉ còn dư mua sàn 33.900 đơn vị.
Trong khi đó, HNX không may mắn được như VN-Index khi không có đại gia nào đủ sức gồng gánh nên đóng cửa trong sắc đỏ, dù mức giảm không đáng kể.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,43 điểm (-0,14%), xuống 302,59 điểm với 81 mã tăng và 121 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 100,3 triệu đơn vị, giá trị 1.820,8 tỷ đồng, tăng 24,3% về khối lượng và 20,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,2 triệu đơn vị, giá trị 66,8 tỷ đồng.
Khác với phiên sáng khi đồng loạt các mã trong Top giao dịch lớn nhất đều đóng cửa trong sắc đỏ (phiên sáng chỉ PVS giảm), chỉ còn một vài mã giữ được đà tăng như TVC tăng 3,1% lên 10.000 đồng, khớp 3,43 triệu đơn vị, IDC vẫn tăng 0,5% lên 65.000 đồng, khớp 2,35 triệu đơn vị.
Còn lại, SHS giảm 1,4% xuống 14.600 đồng, khớp 12,28 triệu đơn vị, dù có lúc đã được kéo lên mức trần 16.200 đồng. PVS giảm 1,2% xuống 25.500 đồng, khớp 8,1 triệu đơn vị, CEO giảm 0,3% xuống 35.000 đồng, khớp 7,7 triệu đơn vị, HUT giảm 2,1% xuống 28.600 đồng, khớp 4 triệu đơn vị.
Cặp đôi cổ phiếu họ FLC dù không bị bán tháo và giảm sàn như 3 anh em trên HOSE, nhưng cũng có mức giảm khá mạnh, trong đó KLF giảm 3% xuống 3.200 đồng, khớp 10,2 triệu đơn vị và ART giảm 5,7% xuống 5.000 đồng, khớp 5,66 triệu đơn vị.
UPCoM lại có phiên giao dịch chiều tích cực hơn 2 sàn niêm yết dù nửa đầu phiên cũng gặp khó khăn, nhưng khi bị đẩy lại gần tham chiếu, đã được kéo lên khá mạnh trong nửa phút cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,23 điểm (+0,24%), lên 93,07 điểm với 138 mã tăng và 138 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 58,4 triệu đơn vị, giá trị 1.210,8 tỷ đồng, tăng 11% về khối lượng và 13% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,4 triệu đơn vị, giá trị 353,6 tỷ đồng.
Các mã có thanh khoản mạnh trên sàn này cũng đều đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó có 2 mã nhóm dầu khí là BSR và OIL. Trong đó, BSR giảm 2,8% xuống 24.200 đồng, khớp 13,21 triệu đơn vị, OIL giảm 0,8% xuống 13.100 đồng, khớp 1,71 triệu đơn vị. Ngoài ra, còn có SBS giảm 1% xuống 10.100 đồng, khớp 2,64 triệu đơn vị, PAS giảm 1% xuống 10.100 đồng, khớp 1,77 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng tốt hơn thị trường cơ sở. Cụ thể, VN30-Index tăng 5,3 điểm (+0,41%) lên 1.300,4 điểm, còn hợp đồng đáo hạn ngày mai (18/8) tăng 12,1 điểm (+0,93%) lên 1.309 điểm với 186.608 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 47.600 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, trong đó CMSN2203 do KIS phát hành giảm kịch biên độ mất 50% xuống 10 đồng, nhưng thanh khoản thấp, chỉ 1.600 đơn vị. Trong khi đó, CVIC2204 cũng do KIS phát hành lại tăng gấp đôi lên 20 đồng, thanh khoản 46.900 đơn vị. Hôm nay có 7 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 2 mã có thanh khoản trên 2 đơn vị và đều do KIS phát hành và cùng là chứng quyền của HPG.