Thị trường trong tuần này, nhất là 3 phiên gần đây giao dịch khá ảm đạm. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thị trường ảm đạm do nhà đầu tư chưa quen với quy chế giao dịch mới, nhất là việc chia nhỏ bước giá. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán và một số chuyên gia nhận định, việc thị trường sụt giảm thanh khoản do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư để chờ đợi các thông tin liên quan đến quyết định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp diễn ra vào tuần tới. Cùng với đó là việc dòng tiền ngoại rút ra liên tục với cường độ lớn cũng ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư. Ngoài ra, việc chờ đợi các quỹ ETFs đảo danh mục cũng khiến nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.
Trong phiên hôm nay, diễn biến của thị trường cũng không có nhiều thay đổi, các lệnh mua bán chỉ diễn ra nhỏ giọt với các bước giá rất nhỏ khiến thanh khoản sụt giảm và VN-Index lình xình trong phiên độ hẹp.
Tuy nhiên, hôm nay là phiên giao dịch chốt danh mục của 2 quỹ ETF và theo lịch sử giao dịch, 2 quỹ này sẽ tập chung giao dịch trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) và diễn biến phiên hôm nay cũng không phải ngoại lệ.
Đang ảm đạm, thị trường bốc chốc trở nên sôi động khi bước vào đợt khớp lệnh ATC với sự nhập cuộc của ETFs.
Ngay sau khi đợt khớp lệnh liên tục vừa chấp dứt, lệnh mua, bán ATC ồ ạt với khối lượng rất lớn tại các mã nằm trong danh mục tái cơ cấu lần này của ETFs như VNM, VCB, HSG, HPG, PVT, VIC, ITA, KBC, STB, SSI, HAG, HNG… Trong đó, chủ yếu là lệnh bán ra, ngoại trừ VNM có lệnh mua ATC hơn 4,3 triệu đơn vị, nhưng lệnh bán ATC cũng khá lớn, hơn 2,9 triệu đơn vị.
Các mã có lệnh bán ATC lớn như ITA hơn 18 triệu đơn vị, STB hơn 9,2 triệu đơn vị, VCB hơn 5,7 triệu đơn vị, HPG hơn 5,2 triệu đơn vị, HAG hơn 5,4 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, điều khá lạ là dù nhiều mã có giá khá thấp trong cả phiên nhưng không ai mua, trong khi đến đợt ATC, với lượng bán khủng của khối ngoại, thì nguồn cung lại hấp thụ gần như hết, thậm chí vẫn giữ một số mã ở trên giá tham chiếu như PVT, HPG, VIC, trong đó, VIC tăng 4,37%, lên 43.000 đồng, HPG tăng 0,68%, PVT tăng 0,38%.
Trong khi đó, 2 mã được khối ngoại mua vào mạnh là VNM và HSG lại đóng cửa giảm, trong đó VNM giảm khá mạnh 3,5%, xuống 138.000 đồng, HSG giảm gần 2%, xuống 42.000 đồng. Còn lại, các mã bị bán mạnh như ITA, HAG, HNG, STB đóng cửa ở mức sàn.
Về thanh khoản, ITA là mã được khớp lớn nhất với 19,36 triệu đơn vị, tiếp đến là FLC 11,12 triệu đơn vị, PVT 10,45 triệu đơn vị, STB 9,56 triệu đơn vị, HPG hơn 9 triệu đơn vị, HAG 7,94 triệu đơn vị, VCB 7,27 triệu đơn vị, KBC 6,76 triệu đơn vị và VNM 6,62 triệu đơn vị.
Với sự sụt giảm mạnh của VNM, VN-Index đã đóng cửa ở mức thấp nhất ngày và có chọn 1 tuần giảm điểm.
Cụ thể, chốt phiên cuối tuần, VN-Index giảm 4,87 điểm (-0,74%), xuống 651,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 205,3 triệu đơn vị, giá trị 4.862,94 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,7 triệu đơn vị, giá trị 172 tỷ đồng.
HNX-Index cũng giảm 0,56 điểm (-0,67%), xuống 82,36 điểm với 77 mã tăng và 102 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 74 triệu đơn vị, giá trị 713,7 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,9 triệu đơn vị, giá trị 40,8 tỷ đồng.
Ngoài các mã đáng chú ý, nằm trong danh sách mua, bán của ETFs, phiên hôm nay còn có một số mã đáng chú ý khác như GAS bất ngờ đảo chiều đóng cửa với sắc xanh nhạt, GMD, MWG, HCM, DHG cũng có được mức tăng khá. Ba mã tăng trần đáng chú ý của phiên sáng là ROS, VHG và OGC vẫn duy trì sắc tím khi chốt phiên với thanh khoản không có nhiều biến động do cung không còn nhiều.
Trong khi đó, FLC có chút may mắn mới không bị giảm sản phiên thứ 2 liên tiếp. Chốt phiên, FLC đóng cửa ở mức 4.180 đồng, giảm 6,7%. Tương tự, HAI cũng giảm 6,58%, xuống 3.410 đồng, trong khi FIT và TSC chỉ còn giảm nhẹ.
Trên HNX, áp lực bán ATC mạnh chỉ diễn ra một số mã như SHB, PVS, trong đó riêng SHB được khớp tới 17,14 triệu đơn vị trong đợt ATC, chủ yếu là lệnh bán ATC của ETF. Chốt phiên, SHB giảm 6,1%, xuống 4.600 đồng với 24,25 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại bán ròng hơn 19 triệu đơn vị.
PVS cũng giảm mạnh hơn 4% với tổng khớp 5,26 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại bán ròng gần 4,1 triệu đơn vị.
Trong khi đó, dù được ETF mua vào rất mạnh, gần 6,33 triệu đơn vị và chủ yếu là lệnh mua ATC, nhưng VCG vẫn đóng cửa giảm nhẹ 1 bước giá với tổng khớp gần 7,3 triệu đơn vị.