Cuối tuần này, các quỹ ETFs sẽ chốt danh mục trong kỳ review lần này, vì vậy, nhiều nhà đầu tư nắm giữ các mã mà khối này sẽ bán ròng ra trong đợt này đã nhanh chóng thoát ra, khiến tâm lý lo lắng tỏa rộng ra thị trường, kéo nhiều mã khác giảm theo, qua đó tác động tiêu cực tới xu hướng của thị trường. Mốc hỗ trợ 585 được xem là khá vững của VN-Index cuối cùng cũng đã bị xuyên thủng. Tuy nhiên, may mắn là chỉ số này vẫn giữ lại được ngưỡng 580 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index giảm 5,3 điểm (-0,90%), xuống 580,8 điểm với 83 mã tăng, trong khi có tới 141 mã giảm. VN30-Index giảm mạnh hơn với 6,31 điểm (-1,02%), xuống 610,63 điểm.
Tương tự, HNX-Index cũng nới rộng đà giảm trong phiên chiều, đóng cửa giảm 0,64 điểm (-0,75%), xuống 85,08 điểm với 70 mã tăng và 121 mã giảm. HNX30-Index giảm 1,91 điểm (-1,16%), xuống 162,72 điểm với 3 mã tăng, trong khi có tới 24 mã giảm.
Mặc dù áp lực bán gia tăng trong phiên đầu tuần, nhưng dòng tiền bắt đáy cũng chảy rất mạnh, qua đó giúp thanh khoản thị trường được cải thiện đáng kể so với phiên trước, nhất là trên HNX. Cụ thể, hôm nay, tổng khối lượng giao dịch trên HOSE đạt 100,54 triệu đơn vị, giá trị 1.816,5 tỷ đồng, tăng 13% so với phiên cuối tuần trước. Trong phiên hôm nay, giao dịch chủ yếu đến từ phiên khớp lệnh, phiên thỏa thuận đóng góp khiêm tốn với 1,75 triệu đơn vị, giá trị 45,15 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng khối lượng giao dịch trên HNX đạt 55,47 triệu đơn vị, giá trị 682,29 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với phiên cuối tuần trước.
KDC và KBC sau thông tin được VNM ETF thêm vào danh mục đã duy trì sắc xanh khá tốt, thanh khoản cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, lực bán ở 2 mã này trong nửa cuối phiên sáng và phiên chiều khiến đà tăng bị hãm lại, KDC có lúc lùi về 48.200 đồng từ mức 49.000 đồng lúc mở cửa, KBC cũng lùi về ngưỡng 17.100 đồng từ mức 17.500 đồng lúc mở cửa. Dù vậy, đà tăng của KDC đã được khởi động trở lại với thông tin chính thức chia cổ tức 200%, giúp mã này đóng cửa ở mức 48.900 đồng, tăng 5,84% với 3,05 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, KBC chỉ còn tăng 1,78%, lên 17.200 đồng với hơn 10,37 triệu đơn vị được khớp.
FLC cũng là mã được VNM ETF mua vào trong tuần này, nên cũng có mức tăng 2,52% và chính thức vượt qua ngưỡng 12.000 đồng khi đóng cửa ở mức 12.200 đồng, với 18,13 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, HAG không duy trì được đà tăng như phiên sáng khi đóng cửa ở mức tham chiếu. GAS cũng quay đầu đóng cửa ở tham chiếu.
Ngược lại, các mã mã VNM ETF sẽ bán ra trong tuần này như VIC, VCB, MSN, STB, DPM, PVT đều giảm khá mạnh. Trong đó, VCB giảm 3,82%, xuống 35.300 đồng với hơn 2 triệu đơn vị được khớp; STB giảm 3%, xuống 19.400 đồng với 1,59 triệu đơn vị được khớp; MSN giảm 2,3%, xuống 85.000 đồng; VIC giảm 0,81%, xuống 49.200 đồng với gần 1,16 triệu đơn vị được khớp; DPM giảm 0,97%...
Bên cạnh đó, đà bán mạnh cũng diễn ra ở các mã ngân hàng khác như BID, CTG, MBB, cũng như các mã lớn như HPG, BVH, SSI, PVD… Đây chính là lý do khiến VN-Index giảm mạnh về cuối phiên.
Trên HNX, trong khi KLF, FIT giữ được mức tăng như phiên sáng, thậm chí FIT đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày 18.500 đồng, thì các mã dầu khí như PVS, PVC, PVB lại nới rộng đà giảm. Cổ phiếu mới chào sàn NHP tiếp tục duy trì mức giá trần 20.600 đồng. HMX, PHH cũng có được sắc tím khi chốt phiên.
Trong đó, KLF là mã được khớp lớn nhất với hơn 5 triệu đơn vị, tiếp đến là FIT với hơn 4,15 triệu đơn vị và PVS với hơn 2,17 triệu đơn vị.
Hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu thế bán ròng với khối lượng bán ròng gần 300.000 đơn vị, giá trị 6,09 tỷ đồng trên HNX.
Dù thị trường giảm điểm khá mạnh, với áp lực bán đang gia tăng, nhưng với việc thanh khoản tăng mạnh cho thấy, dòng tiền bắt đáy vẫn đang hoạt động khá tích cực. Đó chính là tín hiệu để những người theo trường phái lạc quan tin rằng, thị trường sẽ hồi phục đi lên.