Trong phiên giao dịch sáng, sau nửa thời gian đầu cầm cự đầu phiên, lực bán tháo đã có dấu hiệu xuất hiện ở nửa cuối phiên, đẩy VN-Index lùi sâu qua mốc 595 điểm trước khi hồi nhẹ trở lại trên mốc này nhờ lực cầu bắt đáy giá thấp.
Dấu hiệu bán của phiên sáng khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng về kịch bản thị trường lao dốc trong phiên chiều và vùng đáy cũ, cũng là vùng hỗ trợ giúp VN-Index đứng vững trong mấy phiên gần đây sẽ dễ dàng bị xuyên thủng. Lo ngại này không phải là không có cơ sở, khi thị trường chứng khoán toàn cầu cũng đang trải qua "những ngày đen tối" khi lệnh bán tháo lây lan khắp các thị trường trước lo ngại về suy thoái kinh tế và đại dịch Ebola.
Nếu VN-Index xuyên thủng vùng đáy 595-600, thị trường sẽ đối mặt với áp lực bán giải chấp lớn khi lượng tiền margin được dự báo lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Bước vào phiên giao dịch chiều, lực mua bắt đáy còn sót lại trong phiên sáng giúp VN-Index tiếp tục hồi nhẹ và cậm cự khá tốt ở mốc 595 điểm. Nhà đầu tư tưởng chừng có thể thở phào khi nghĩ rằng mốc 595 điểm có thể giữ được giống như mốc 600 điểm như phiên chiều qua. Tuy nhiên, chỉ hơn 10 phút cầm cự, lực bán tháo đã đổ dồn dập vào thị trường và diễn ra trên diện rộng, khiến VN-Index rơi 9 điểm chỉ trong hơn 20 phút.
Áp lực bán quá lớn khiến nhiều nhà đầu tư lo sợ mốc 585 điểm cũng khó có thể giữ được trong phiên hôm nay. Mặc dù vậy, đây được xem như là điểm hỗ trợ tạm thời tiếp theo của VN-Index khi chỉ số này bật trở lại sau 2 lần về sát mốc hỗ trợ này.
Tương tự, đồ thị của HNX-Index cũng hình thành mẫu hình 2 đáy trong phiên chiều với đáy sau thấp hơn đáy trước.
Kết thúc phiên chiều 16/10, VN-Index giảm 17,12 điểm (-2,83%), xuống 587,17 điểm. VN30-Index cũng mất 17,87 điểm (-2,79%), xuống 623,76 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 170 triệu đơn vị, giá trị 3.169,28 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,9 triệu đơn vị, giá trị 109,77 tỷ đồng.
HNX-Index cũng giảm tới 2,36 điểm (-2,64%), xuống 87,2 điểm, tương tự HNX30-Index giảm 6,73 điểm (-3,73%), xuống 173,93 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch trên HNX đạt 85,7 triệu đơn vị, giá trị 1.164,15 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,3 triệu đơn vị, giá trị 70 tỷ đồng.
Sắc đỏ bao chùm trên cả 2 bảng điện tử với số mã giảm giá gấp 9 lần số mã tăng giá trên HOSE, trong khi trên HNX là gấp gần 4 lần.
Diễn biến HNX-Index trong phiên 16/10 (Nguồn: TVSI)
Toàn bộ số mã bluechip đóng cửa trong sắc đỏ, mức giảm cũng mạnh hơn rất nhiều so với phiên sáng. Cụ thể, GAS giảm 5.000 đồng (-4,63%), xuống 103.000 đồng, với hơn 1 triệu đơn vị được khớp. Mã này thậm chí có lúc giảm về giá sàn 101.000 đồng.
Ngoài ra, MSN giảm 2.000 đồng (-2,47%), VCB giảm 200 đồng (-0,74%), VIC giảm 1.200 đồng (-2,51%), VNM cũng quay đầu giảm 1.000 đồng (-0,94%), xuống mức thấp nhất ngày 105.000 đồng...
Sắc xanh le lói của HAG trong phiên sáng cũng được thay thế bằng sắc đỏ đậm trong phiên chiều khi mã này đóng cửa giảm 600 đồng (-2,36%), xuống mức thấp nhất ngày 24.800 đồng.
Nhóm chứng khoán cũng đua nhau lao dốc và đều đóng cửa ở mức giá thấp nhất trong ngày, thậm chí AGR còn giảm xuống mức giá sàn. Cụ thể, SSI giảm 1.600 đồng (-5,30%), xuống 28.600 đồng với 7,38 triệu đơn vị được khớp. HCM giảm 2.000 đồng (-5,26%), xuống 36.000 đồng với gần 1,3 triệu đơn vị được khớp.
Tương tự là nhóm bất động sản với FLC giảm sàn xuống 10.500 đồng với 16,14 triệu đơn vị được khớp, KBC giảm 1.000 đồng (-6,25%), xuống 15.000 đồng với 6,8 triệu đơn vị được khớp, ITA giảm 400 đồng (-4,54%), xuống 8.400 đồng với 8,47 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, VHG vẫn duy trì được đà tăng 200 đồng (+1,30%), lên 15.600 đồng với 7,52 triệu đơn vị được khớp. DRH cũng đi ngược xu hướng thị trường khi vẫn yên vị ở mức giá trần. Đây là 1 trong 2 sắc tím còn sót lại trên sàn HOSE, cùng với TDW, nhưng đà tăng trần của TDW không thực sự thuyết phục như DRH.
Trên HNX, toàn bố số mã có thanh khoản tốt nhất trên sàn đều giảm giá. Trong đó, PVX giảm 500 đồng (-7,81%), xuống 5.900 đồng với 12,52 triệu đơn vị được khớp; SHB giảm 300 đồng (-3,37%), xuống 8.600 đồng với 8,9 triệu đơn vị được khớp. Tiếp đến là các mã KLS, PVS, SCR, SHS, KLF, FIT… Trong đó, KLF dù nỗ lực có sắc xanh ở phiên sáng, như với lực bán mạnh trong phiên chiều đã cuối mã này hòa cùng cơn “thủy triều đỏ”, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 11.500 đồng, giảm 300 đồng (-2,54%).
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng với lượng bán ròng hơn 7 triệu đơn vị, giá trị tới 251,63 tỷ đồng trên HOSE và bán ròng 560.000 đơn vị, giá trị hơn 7,8 tỷ đồng trên HNX.