So sánh giữa 2 phiên giao dịch chiều ngày 14 và 15/6 có khá nhiều điểm tương đồng. Thị trường giao dịch lình xình trong phần lớn thời gian, trước khi được kéo tăng trở lại nhờ vào một số mã dầu khí, cho dù thông tin giá dầu tiếp tục đi xuống.
Điểm khác chỉ đến từ số lượng các cổ phiếu tham gia đỡ chỉ số. Khác với phiên trước khi đồng loạt nhiều mã dầu khí tăng điểm để nâng đỡ các chỉ số, thì phiên chiều nay, chỉ có GAS đóng vai trò chính trong việc nâng đỡ chỉ số. GAS chốt phiên tăng 1.500 đồng lên 61.500 đồng/CP, trong khi phần lớn thời gian giao dịch là dưới mốc tham chiếu. Ngoài ra, PVT cũng đã tăng tối thiểu lên 13.000 đồng, còn PVD được kéo về mốc tham chiếu, có thời điểm PVD đã giảm mạnh 900 đồng.
Khối ngoại tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự hồi phục của các mã này. GAS khớp hơn 0,56 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua vào gần 0,34 triệu đơn vị. PVT và PVD cùng khớp trên 1 triệu đơn vị, riêng PVT khối ngoại mua gần 0,65 triệu đơn vị.
Ngoài nỗ lực đỡ giá của GAS, cũng phải nói thêm rằng, VN-Index tăng điểm được còn nhờ sức ép tại các mã lớn đã được giảm bớt khá nhiều so với phiên sáng.
Các mã VNM, VIC, BID, REE, MBB, KDC, HCM, EIB, CTG, BVH… đều đã về được mốc tham chiếu, trong khi mức độ giảm điểm tại các bluechips khác cũng đã được thu hẹp. SSI giảm 300 đồng xuống 21.200 đồng/CP và khớp 1,38 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu sắt thép bất ngờ bị chốt lời khá mạnh trong phiên chiều nay. HSG quay đầu giảm 300 đồng về 42.600 đồng/CP và khớp được 2,68 triệu đơn vị. Còn TLH mất sắc tím, cùng với HPG chỉ còn giữ được mức tăng tối thiểu. HPG khớp 2,1 triệu đơn vị, TLH khớp 1,87 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dược, mía đường, khoáng sản… vẫn duy trì tương đối tốt đà tăng. BHS tăng 200 đồng và khớp 1,5 triệu đơn vị. LSS tăng 800 đồng và khớp gần 1 triệu đơn vị. Riêng SBT lại giảm 200 đồng và khớp được 1,9 triệu đơn vị.
Tương tự, nhóm cổ phiếu đầu cơ như ITA, KBC, HAG, HHS, HAR, HQC, CDO, IJC… cũng xanh điểm, thanh khoản tốt.
ITA giữ vững sắc tím 4.700 đồng/CP, song do bên nắm giữ cổ phiếu đã “găm hàng” nên thanh khoản chỉ nhích nhẹ, kết phiên khớp 9,8 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị. QBS cũng nguyên mức trần 8.600 đồng/CP và khớp hơn 2 triệu đơn vị.
Nếu trên HOSE có GAS, thì HNX có PVC khi mã này đã tăng nhẹ 100 đồng, cùng với đó là PVG tăng 200 đồng hay PVB và PLC về được mốc tham chiếu. Chỉ còn PVS và PGS giảm điểm nhẹ, trong đó PVS khớp được 1,1 triệu đơn vị.
Nhiều mã lớn khác như NTP, LAS, DBC, HUT, BCC, BII… cũng đều tăng điểm trở lại.
Với sự hồi phục của các mã lớn, đà giảm của HNX-Index đã được thu hẹp đáng kể, song đáng tiếc chỉ số này vẫn chưa thể về được mốc tham chiếu.
Chỉ một vài mã có thanh khản cao là TIG, SHB, SCR, DCS và PVS, trong đó SCR dẫn đầu với 3,2 triệu đơn vị được khớp, kết phiên đứng giá tham chiếu 9.700 đồng/CP.
Về thanh khoản, cả 2 sàn đều không có nhiều cải thiện bởi tâm lý giao dịch thận trọng. Song điều này là hợp lý và không quá đáng ngại nếu xét bối cảnh thị trường hiện tại đang phải đối diện như giá dầu sụt giảm mạnh hay cuộc họp về điều chỉnh lãi suất của Fed…
Đóng cửa phiên giao dịch 15/6, với 109 mã tăng và 103 mã giảm, VN-Index tăng 1,59 điểm (+0,25%) lên 627,02 điểm. Tuy nhiên, chỉ số VN30-Index vẫn giảm 1,4 điểm (-0,22%) về 623,96 điểm với 8 mã tăng và 13 mã giảm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 114,11 triệu đơn vị, giá trị 1.850,44 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 26,62 triệu đơn vị, giá trị 244,25 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 16,2 triệu cổ phiếu HNG ở mức giá trần, giá trị 149 tỷ đồng và 4,338 triệu cổ phiếu BCG, giá trị 27,33 tỷ đồng.
Ngược lại, với 108 mã tăng và 74 mã giảm, HNX-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%) về 84,34 điểm. Nhưng chỉ số HNX30-Index đã tăng 0,25 điểm (+0,16%) lên 152,38 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 49,11 triệu đơn vị, giá trị 596,95 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,92 triệu đơn vị, giá trị 55,36 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 4,2 triệu cổ phiếu CEO, giá trị 46,2 tỷ đồng.