Việc bắt giữ và xử phạt nghiêm những cá nhân tung tin đồn thất thiệt trên thị trường khiến giới đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ sớm hồi phục. Đặc biệt, nhịp hồi nhẹ về cuối phiên sáng ngày 15/4 càng khiến nhà đầu tư có niềm hy vọng lớn hơn.
Thị trường mở cửa phiên giao dịch chiều vẫn giữ sắc xanh nhạt với tâm lý thận trọng thăm dò. Lực cầu tỏ ra khá yếu trong khi bên bán cũng chưa có tín hiệu mới khiến thị trường giao dịch ảm đạm.
Tuy nhiên, đà tăng dần thu hẹp và chỉ sau hơn 30 phút giao dịch, thị trường đã chuyển đỏ khi áp lực bán có dấu hiệu gia tăng. Lực bán mạnh và dứt khoát lan rộng thị trường khiến số mã giảm điểm chiếm áp đảo, chỉ số VN-Index ngày càng giảm sâu hơn. Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip tạo sức ép khá lớn trên thị trường khi có tới 3/4 số mã giảm điểm và chủ yếu đều giảm trên 1%.
Trong các mã lớn, nhóm ngân hàng đang có những diễn biến khá tiêu cực khi rất nhiều mã trong nhóm này như VCB, BID, TCB, STB... đều phá vỡ các đáy ngắn hạn để về vùng hỗ trợ thấp hơn. TCB sau phiên hôm nay thậm chí còn về vùng giá thấp nhất trong vòng gần 1 năm qua. Tương tự là nhóm chứng khoán cũng xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn với đà rơi khá mạnh, SSI về vùng giá thấp nhất 6 tháng còn HCM tiêu cực hơn khi kết phiên ở mức giá thấp nhất trong vòng 10 tháng.
Sự suy yếu của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khiến thị trường đã khép lại phiên giao dịch cuối tuần khá tiêu cực khi chỉ số VN-Index kết phiên thủng mốc 1.460 điểm.
Trên đồ thị tuần, VN-Index có cây nến đỏ thứ 2 liên tiếp với thanh khoản sụt giảm mạnh so với tuần trước đó cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang rất thận trọng. Tuy giảm mạnh, nhưng trên đồ thị, VN-Index vẫn được hỗ trợ tốt bởi đường xu hướng trong khu vực 1.455 (hình dưới) cho thấy xu hướng tăng điểm vẫn được bảo toàn.
Đường hỗ trợ của VN-Index vẫn chưa bị xuyên thủng |
Ngoài ra, có một điều tích cực khác sau phiên hôm nay đó là lượng tiền bắt đáy vẫn ở mức tương đối tốt, mỗi khi thị trường lao dốc thì lực cầu xuất hiện mạnh vừa làm giảm đà rơi, vừa giúp thanh khoản được cải thiện.
Chốt phiên, sàn HOSE có 145 mã tăng và 321 mã giảm, VN-Index giảm 13,56 điểm (-0,92%), xuống 1.458,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 659,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 21.656 tỷ đồng, tăng 26% về khối lượng và 17% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,75 triệu đơn vị, giá trị 825,45 tỷ đồng.
Nhóm bảo hiểm vẫn duy trì sức nóng với cặp đôi BVH và MIG kết phiên trong sắc tím, các mã khác cũng tăng mạnh như BIC có thời điểm chạm trần và kết phiên tăng 6,4%, BMI tăng 5,1%, PVI tăng 6,2%, VNR tăng 5,9%, PRE tăng 4,5%, ABI tăng 5,7%.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt nới rộng đà giảm, không còn mã nào giữ được sắc xanh. Đáng kể có TCB giảm 3,59%, BID giảm gần 3%, HDB giảm 3,66%,TPB giảm 4,35%, VPB, VIB, MBB, STB, MSB đều giảm hơn 2%...
Nhóm chứng khoán cũng đồng cảnh ngộ với sắc đỏ phủ kín toàn ngành, thậm chí VIX còn kết phiên giảm sàn.
Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục ghi nhận thêm 1 phiên tiêu cực. Trong đó, cặp đôi lớn đầu ngành là VHM và VIC đều giảm hơn 1%; các mã khác giảm mạnh như DIG, LGC, LDG, FLC, CTD… giảm sản, VCG giảm hơn 6,1%...
Ngoài nhóm bảo hiểm, một số nhóm ngành khác vẫn lội ngược dòng khá ngoạn mục. Điển hình như nhóm cổ phiếu thủy sản với ANV giữ vững sắc tím với dư mua trần gần nửa triệu đơn vị, CMX tăng 5,3%, IDI tăng 4,1%, ACL và ASM tăng trên dưới 2,5%...; hay nhóm dệt may với STK tăng kịch trần, GIL tăng 6,5%, TCM tăng 4%, GMC tăng 3,8%, MSH tăng 3,2%...
Nhóm VN30 tác động khá mạnh tới thị trường khi giảm tới hơn 24 điểm, về dưới vùng giá 1.495 điểm, với 22 mã giảm và chỉ 7 mã tăng. Trong đó, ngoài BVH tăng trần, cặp đôi GVR và GAS lần lượt tăng 4,2% và 3,14%, cũng góp phần hãm đà lao dốc của thị trường.
Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, với thông tin một doanh nghiệp sẽ rót 1.000 tỷ đồng để mua lượng cổ phiếu phát hành riêng lẻ, cổ phiếu HAG đã có phiên giao dịch bùng nổ, sau đợt xả bán mạnh trước đó. Kết phiên, HAG tăng 6,6% lên mức giá trần 12.050 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 25,17 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản sau VPB đạt 29,77 triệu đơn vị, cùng khối lượng dư mua trần hơn 0,37 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu khác như POW, GEX, FLC, TCB, HPG, ROS, MBB, VND, STB đều kết phiên giảm mạnh và có khối lượng khớp lệnh hơn 10 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, lực bán mạnh lên diện rộng, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bluechip, đã khiến HNX-Index cắm đầu đi xuống.
Chốt phiên, sàn HNX có 60 mã tăng và 176 mã giảm, HNX-Index giảm 6,97 điểm (-1,65%), xuống 416,71 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 69,31 triệu đơn vị, giá trị 2.130 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,85 triệu đơn vị, giá trị 22,6 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 có tới 21 mã giảm điểm, gấp 3 lần số mã tăng (7 mã), trong đó các mã bất động sản dẫn đầu đà giảm với L14 giảm tới 9,9% xuống mức giá thấp nhất trong ngày 247.000 đồng/CP, IDC giảm 8,1% xuống mức 61.500 đồng/CP, LHC giảm 5,7% xuống 158.900 đồng/CP, CEO giảm 5,5% xuống mức 52.000 đồng/CP.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu trong nhóm chứng khoán cũng đều giảm sâu như SHS giảm 4,7%, MBS giảm 3,7%, BVS giảm 2,7%...
Trái lại, cổ phiếu ngân hàng NVB đi ngược với xu hướng chung của toàn ngành khi giữ đà tăng khá tốt. Kết phiên, NVB tăng 5,8% lên mức 38.600 đồng/CP.
Cổ phiếu đại diện cho nhóm dệt may là TNG cũng ghi nhận phiên khởi sắc khi kết phiên tăng 5,1% lên mức 41.500 đồng/CP, cùng giao dịch tăng vọt, đạt 6,37 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản toàn sàn HNX, chỉ thua IDC khớp hơn 9 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu ART cùng diễn biến với cả họ khi kết phiên nằm sàn. Trong khi đó, KLF giảm 5,8% và kết phiên đứng tại mức giá 4.900 đồng/CP.
Đáng chú ý, điểm nóng POT cũng hạ nhiệt khi gặp áp lực chốt lời sau 7 phiên tăng trần liên tiếp. Từ mức giá mở cửa trần, cổ phiếu POT đã có thời điểm lùi về sát sàn và kết phiên giảm 5,47% xuống mức 38.000 đồng/CP.
Trên UPCoM, sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử và chỉ số UPCoM-Index cũng nới rộng đà giảm điểm trong phiên chiều.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 1,06 điểm (-0,93%) xuống 112,36 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 76,93 triệu đơn vị, giá trị 1.109 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,77 triệu đơn vị, giá trị 31,78 tỷ đồng.
Cổ phiếu dệt may VGT kết phiên tăng 1,2% lên 25.500 đồng/CP với thanh khoản đứng thứ 3 thị trường, đạt hơn 3,78 triệu đơn vị. Trong khi đó, người anh em cùng ngành – HDM vẫn giữ sắc tím khi kết phiên đứng tại mức giá trần 57.000 đồng/CP.
Cổ phiếu PVX dẫn đầu thanh khoản với 6,78 triệu đơn vị khớp lệnh nhưng kết phiên giảm 12,5% xuống sát giá sàn 4.900 đồng/CP.
Các cổ phiếu vừa và nhỏ khác như AVF, DCS, KSH, GTT, NTB, NHP đều kết phiên nằm sàn với khối lượng giao dịch đạt một vài triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó, VN30F2204 giảm 19,9 điểm (-1,3%), xuống 1.492,6 điểm, khớp lệnh đạt gần 167.560 đơn vị, khối lượng mở gần 40.930 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo, với CHPG2114 phiên này giao dịch sôi động nhất với 2,13 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 25% xuống 30 đồng/CQ. Tiếp theo là CTCB2112 khớp hơn 1,87 triệu đơn vị, kết phiên giảm 18% xuống 410 đồng/CQ.