Trong phiên sáng nay, đã có những toan tính dùng các trụ mạnh, kéo VN-Index trở lại mốc 600 điểm để dễ dàng thoát hàng. Tuy nhiên, tâm lý thị trường không còn tốt như trước đó, nên ngay khi thị trường vừa xanh trở lại, VN-Index chỉ kịp chớm 598 điểm, lực bán đã nhanh chóng được tung ra, trong khi bên mua hết sức thận trọng, khiến VN-Index nhanh chóng đảo chiều giảm trở lại.
Bước vào thời gian giao dịch chiều, biết được sẽ khó lòng kéo thị trường lên mức giá mong muốn để xả hàng, bên nắm giữ cổ phiếu đã mất kiên nhẫn, xả hàng ồ ạt với mức giá thấp dần, đẩy lao dần, mất luôn mốc hỗ trợ 590 điểm.
Sau đó, nhờ mức hỗ trợ tương đối mạnh này, thị trường đã bật nhẹ trở lại, nhưng vẫn dao động dưới mức điểm thấp nhất của phiên sáng. Những phút cuối phiên, lực bán một lần nữa ồ ạt tung vào thị trường, khiến VN-Index một lần nữa lao dốc với mức đổ dốc mạnh hơn đợt xả trước đó và lao thẳng xuống mức thấp nhất trong ngày với mức giảm hơn 10 điểm.
Diễn biến trên HNX cũng y hệt sàn HOSE, chỉ số HNX-Index cũng lao dốc mạnh vào cuối phiên và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày. Nếu không có sự hỗ trợ của MSN, HSG, đà giảm của VN-Index sẽ còn mạnh hơn nữa.
Dù lực xả mạnh, kéo cả 2 chỉ số giảm mạnh, nhưng tín hiệu tiêu cực cho thị trường là dòng tiền mắt đáy không hề tăng lên, thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp, chỉ tăng nhẹ so với phiên trước đó.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/4, VN-Index giảm 10,02 điểm (-1,68%), xuống 586,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 131,4 triệu đơn vị, giá trị 2.415,8 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận 4,6 triệu đơn vị, giá trị 130,9 tỷ đồng. VN30-Index giảm 13,38 điểm (-2,02%), xuống 647,74 điểm. HNX-Index giảm 2,46 điểm (-2,83%), xuống 84,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 85,5 triệu đơn vị, giá trị 1.008,27 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận 2,6 triệu đơn vị, giá trị 31,2 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 3,45 điểm (-1,91%), xuống 177,26 điểm.
Trên 2 sàn, số mã giảm đều trên 400 mã, trong khi số mã tăng giá dưới 80 mã. Sắc đỏ bao phủ khắp bảng điện tử, biên độ giảm của các mã cũng nới rộng thêm. Tuy nhiên, HSG và MSN bất ngờ vẫn giữ được sắc xanh nhạt, trong khi CMX vẫn duy trì đà tăng trần, dù lực bán đã mạnh hơn trong phiên chiều, khiến lượng dư mua giá trần cũng giảm mạnh. CMX tăng mạnh sau thông tin hợp tác với Loltte để nuôi trồng và sản xuất tôm.
Trên HNX, POT dù đã mất mức giá trần, nhưng vẫn duy trì được đà tăng mạnh khi tăng 900 đồng (+7,83%), lên 12.400 đồng/cổ phiếu và được khớp 875.400 đơn vị. Tương tự là PVB, TVD cũng giữ được mức tăng tốt.
Ngoại trừ những điểm sáng hiếm hoi trên, các mã lớn nhỏ khác trên 2 sàn đều rủ nhau giảm mạnh.
Trên HOSE, GAS, VNM, VIC, VCB, BID, BVH, FPT không còn đủ sắc cầm cự trước áp lực bán mạnh. HPG thậm chí còn xuống mức sàn 53.500 đồng/cổ phiếu trước khi được kéo lên 1 bước giá trong đợt ATC.
ITA giảm 400 đồng (-4,08%), xuống 9.400 đồng với 11,2 triệu đơn vị được khớp. FLC xuống sát mức giá sàn, cũng là mức thấp nhất trong ngày 14.400 đồng (-5,88%) với 7,91 triệu đơn vị được khớp.
Số mã có sắc xanh mắt mèo cũng xấp xỉ 50 mã, trong đó có các mã đáng chú ý như VHG, DLG, VOS, PTK, PXL, LCG, HQC, ITC, LGL…
Trên HNX, SHB cũng không còn đủ sức để bơi ngược dòng khi bên nắm giữ tiền mặt đã tỏ ra sợ. Kết thúc phiên, SHB giảm 200 đồng, xuống 10.800 đồng với 14 triệu đơn vị được khớp.
Các mã chứng khoán cũng lao mạnh hơn, thậm SHS, ORS còn bị giảm xuống mức sàn.
PVX cũng xuống mức thấp nhất ngày 5.900 đồng, giảm 300 đồng (-4,84%) với 8,6 triệu đơn vị được khớp.