Phiên giao dịch chiều 14/8: “Người hùng” hóa “tội đồ”

Phiên giao dịch chiều 14/8: “Người hùng” hóa “tội đồ”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi có mức tăng nhẹ trong phiên sáng, thị trường giằng co trong phiên chiều và đứng ở mức điểm của phiên sáng khi hết đợt khớp lệnh liên tục. Tuy nhiên, VN-Index cuối cùng đã không giữ được sắc xanh khi đóng cửa phiên khi kẻ ngáng chân lại chính là “người hùng” hôm qua.

Sau phiên được VCB “giải cứu” hôm qua (13/8), thị trường tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên sáng nay, nhưng không thể vượt qua được ngưỡng cản ở đường MA20 (1.234). May nhờ có sự hỗ trợ của MSN và một số bluechip khác nên vẫn giữ được sắc xanh nhạt.

Bước vào phiên giao dịch chiều, sau nhịp lùi nhẹ do đà quán tính của phiên sáng, VN-Index quay lại, nới rộng đà tăng, nhưng một lần nữa không thể vượt qua cửa cải MA20 và lần này bị đẩy thẳng xuống dưới tham chiếu. Chỉ số này sau đó giằng co nhẹ quanh tham chiếu với giao dịch chậm do sự thận trọng của cả bên mua và bên bán, trước khi trở lại mức điểm của phiên đóng cửa sáng khi kết thúc đợt khớp lệnh liên tục.

Tưởng chừng thị trường sẽ có phiên tăng nhẹ thứ 3 liên tiếp và là phiên tăng thứ 4 liên tiếp hôm nay, nhưng điều đó đã không xảy ra khi VN-Index đẩy lùi trở lại tham chiếu trong đợt ATC và “người hùng” VCB hôm qua nay lại trở thành “tội đồ” khi là tác nhân chính khiến chỉ số mất điểm trong những phút cuối phiên.

Chốt phiên, VN-Index đứng ở mức 1.230,36 điểm, gần như không thay đổi, dù số mã giảm chiếm ưu thế so với số mã tăng (243 mã giảm so với 163 mã tăng). Tổng khối lượng giao dịch đạt 507,2 triệu đơn vị, giá trị 13.004,6 tỷ đồng, giảm 6% về khối lượng và tương đương về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 64 triệu đơn vị, giá trị 2.177 tỷ đồng.

Trái với thị trường chung, nhóm VN30 lại có số mã tăng nhiều hơn so với số mã giảm (17 mã tăng so với 13 mã giảm), qua đó giúp VN30-Index tăng 1,66 điểm (+0,13%), lên 1.270,38 điểm. Trong đó, 2 cổ phiếu họ nhà Vingroup có mức tăng tốt với VRE tăng 3,15% lên 18.000 đồng, khớp 12,34 triệu đơn vị và VHM tăng 2,34% lên 37.200 đồng, khớp 10,12 triệu đơn vị. Xen giữa 2 anh em này là SAB với mức tăng 2,58% lên 55.700 đồng, nhưng khớp khiêm tốn hơn với 1,65 triệu đơn vị. Mã còn lại trong nhà Vin là VIC có mức tăng nhẹ 0,25% lên 40.800 đồng, khớp 1,38 triệu đơn vị.

Trong khi đó, MSN vẫn giữ được phong độ của phiên sáng với mức tăng 2,27% lên 76.500 đồng, khớp 10,25 triệu đơn vị. Ngoài ra, có thêm 3 mã tăng hơn 1% là SSB (1,41% lên 21.600 đồng), BVH (1,17% lên 43.300 đồng) và BCM (1,12% lên 72.000 đồng). Các mã còn lại tăng nhẹ. Nhóm bluechip tăng giá đóng góp cho VN-Index 3,7 điểm hôm nay.

Ở chiều ngược lại, từ đóng vai “người hùng giải cứu VN-Index” trong phiên hôm qua, VCB trở thành “tội đồ” khi lấy đi của VN-Index nhiều điểm số nhất (hơn 2 điểm) với mức giảm mạnh nhất nhóm VN30, cũng như nhóm ngân hàng là 1,68% xuống 88.000 đồng, khớp 1,49 triệu đơn vị. Có 3 mã giảm tiếp theo trên dưới 0,9% là SSI, MBB và VPB, số còn lại chỉ giảm nhẹ.

Trong các nhóm ngành, trong nhóm ngân hàng, sắc đỏ chiếm ưu thế, trong đó ngoài VCB, còn có thêm 1 mã nữa giảm hơn 1% là EIB giảm 1,6% xuống 18.450 đồng. Ở chiều ngược lại, sau thông tin được MSCI thêm vào danh mục chỉ số, cổ phiếu NAB bật tăng mạnh 3,0,9% lên 16.700 đồng, cùng SSB tăng hơn 1%, còn lại tăng nhẹ.

Nhóm chứng khoán chỉ còn duy nhất TVS tăng nhẹ, còn lại giảm, trong đó có 3 mã giảm hơn 2% là BSI giảm 2,71% xuống 46.600 đồng, VIX giảm 2,2% xuống 11.100 đồng và AGR giảm 2,04% xuống 16.080 đồng. Ngoài ra, VDS giảm 1,98% xuống 19.800 đồng, VND giảm 1,7% xuống 14.450 đồng, FTS giảm 1,2% xuống 12.400 đồng; SSI và VCI giảm trên dưới 1%. Trong đó, VIX là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với 17,98 triệu đơn vị.

Nhóm bất động sản số mã giảm cũng chiếm thế áp đảo, trong đó có VRC giảm kịch sàn xuống 8.480 đồng, trong khi mã tăng mạnh nhất là NVT tăng 5,06% lên 8.300 đồng.

Nhóm cổ phiếu thép chỉ có 2 sắc xanh nhạt tại TNA (+0,23% lên 4.450 đồng) và HPG (+0,20% lên 25.450 đồng), cùng 2 mã đứng tham chiếu là DTL và TNI, còn lại đều giảm. Trong đó, SMC giảm 2,82% xuống 10.350 đồng, NKG giảm 1,92% xuống 20.400 đồng, HSG giảm 1,45% xuống 20.350 đồng. HPG là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 13,69 triệu đơn vị.

Trong các mã đơn lẻ, HAG hôm nay có thanh khoản chỉ sau VIX với 14,59 triệu đơn vị, nhưng cũng đóng cửa giảm 3,83% xuống 10.050 đồng, trong khi TCH khớp ở vị trí tiếp theo với 13,77 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,71% lên 17.050 đồng.

Trên sàn HNX, diễn biến của chỉ số HNX-Index chiều nay khá giống với VN-Index, chỉ có điều là chỉ số của sàn HNX dao động ở phía dưới tham chiếu.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,5 điểm (-0,22%), xuống 229,68 điểm với 61 mã tăng và 94 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 42,6 triệu đơn vị, giá trị 903,2 tỷ đồng, giảm 8% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,4 triệu đơn vị, giá trị 118,5 tỷ đồng.

Trong 9 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị hôm nay trên HNX, có 2 sắc xanh tại SHS (+0,65% lên 15.500 đồng) và NTP (+4,4% lên 64.000 đồng), cùng với HUT đứng tham chiếu 17.000 đồng, còn lại đều giảm, trong đó có 4 mã giảm từ hơn 1,4% đến hơn 1,8%, 2 mã còn lại đều giảm nhẹ 0,76%. Mã có thanh khoản cao nhất và vượt trội so với phần còn lại vẫn là SHS với gần 10 triệu đơn vị, 2 mã kế tiếp khớp hơn 2,5 triệu đơn vị là TNG và LAS.

UPCoM nới rộng đà giảm trong nửa phiên chiều trước khi hồi trở lại, chỉ còn giảm nhẹ khi chốt phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,14 điểm (-0,15%), xuống 92,65 điểm với 166 mã tăng và 117 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,2 triệu đơn vị, giá trị 789,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,2 triệu đơn vị, giá trị 134 tỷ đồng.

Giống như SHS trên sàn HNX, BSR cũng có thanh khoản vượt trội so với phần còn lại trên UPCoM với 9,09 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,12% xuống 23.100 đồng. Tiếp theo là OIL khớp 3,15 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,33% xuống 14.800 đồng; đứng thứ 3 là DDV khớp 2,04 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa tăng 2,25% lên 18.200 đồng. Ngoài ra, UPCoM hôm nay còn có thêm 5 mã khớp trên 1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng với mức tăng quanh với chỉ số VN30, trong đó hợp đồng đáo hạn ngày mai (15/8) là VN30F2408 tăng 1 điểm (+0,08%) lên 1.268 điểm với 178.768 hợp đồng được chuyển nhượng, giá trị 22.719,7 tỷ đồng; khối lượng mở 35.365 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, hôm nay có 13 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 1 mã có thanh khoản trên 4 triệu đơn vị và 4mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị, tất cả đều do SSI phát hành. Hai có thanh khoản tốt nhất đều là chứng quyền của VPB và đều đóng cửa giảm giá là CVPB2315 với 4,47 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 12,5% xuống 140 đồng và CPVB2404 với 2,6 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,7% xuống 360 đồng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hôm nay có hơn 1,61 triệu đơn vị được giao dịch, tổng giá trị 3.002,5 tỷ đồng. Trong đó, riêng 2 mã do ngân hàng phát hành đã chiếm tới 2/3 tổng giá trị giao dịch hôm nay, đó là ABB12303 do ABBank phát hành với 1.057,1 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 1.000 trái phiếu; và ACB12324 do ACB phát hành với 1.042,5 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 10.000 trái phiếu được giao dịch.

Tin bài liên quan