Thị trường mở (OMO) đã có diễn biến đáng chú ý hôm nay, phiên buổi sáng, Ngân hàng Nhà nước bơm ra 941 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 13%/năm. Đây là nghiệp vụ “Reverse Repo” như lâu nay vẫn thực hiện.
Tuy nhiên, phiên buổi chiều, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu có kỳ hạn 28, 91 và 182 ngày. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước phát hành 1.000 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 11,5%/năm; phát hành 388 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 91 ngày, với lãi suất 12%/năm; phát hành 376 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 182 ngày, với lãi suất 12,5%/năm.
Theo lý giải từ Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, hiện vốn khả dụng của ngân hàng thương mại đang rất tốt (thanh khoản ngân hàng đang tốt), nên Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu hút tiền về nhằm điều hòa dòng vốn.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có một vài phiên phát hành tín phiếu với kỳ hạn 364 ngày, tuy nhiên khối lượng trúng thầu thực tế chỉ đạt tổng cộng dưới 2.000 tỷ đồng.
Được biết, trả lời báo chí tại phiên họp báo Chính phủ ngày 6/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước dưới các kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, và trong trường hợp cần thiết sẵn sàng phát hành kỳ hạn 364 ngày, tức là kỳ hạn dưới 1 năm, với mức lãi suất hợp lý để làm sao duy trì mức lãi suất ổn định trên thị trường nhưng mặt khác cũng hút lượng vốn tạm thời dư thừa mà các tổ chức tín dụng chưa thể đẩy ra tín dụng được.
"Trong các chương trình tái cấp vốn sắp tới, kỳ hạn của chúng tôi có thể tăng lên, thậm chí đến 3 tháng, 6 tháng, tạo ra cú hích ban đầu cho các tổ chức tín dụng có nguồn vốn để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng", Thống đốc nói.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã có những hành động cụ thể hóa những tuyên bố của Thống đốc nhằm hạ dần mặt bằng lãi suất.