Diễn biến thị trường không có nhiều đột biến so với phiên sáng. Trên HOSE, GAS vẫn là cổ phiếu dẫn dắt, trong khi trên HNX, lực đỡ được trải đều cho các cổ phiếu.
Kết thúc phiên đầu tuần, VN-Index chốt ở mốc 521,11 điểm, tăng 2,17 điểm (+0,42%), tổng khối lượng giao dịch đạt 71,99 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1.145,22 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 3,5 triệu đơn vị, trị giá 46,94 tỷ đồng.
Đà tăng của GAS tiếp tục được nới rộng và vững chắc hơn phiên sáng, nếu trong phiên sáng GAS có thời điểm tăng đến 2.000 đồng, nhưng chốt phiên lại lùi về 1.500 đồng/cp, thì trong suốt phiên chiều, cổ phiếu liên tục tăng, kết thúc ngày giao dịch, GAS tăng 3,59% (tương đương 2.500 đồng/cp), lên 72.000 đồng/CP, mức cao nhất ngày.
Vì GAS không được tính vào rổ VN30, nên các mã giá trị vốn hóa trong rổ giao dịch khá ảm đạm, khiến chỉ số VN30 chỉ tăng nhẹ 0,45 điểm (0,08%).
Biến động giảm đáng chú ý nhất trong số mã buechips trên HOSE là PPC (giảm 2,3%); VCB (-1%); BVH (-1%); OGC (-1,8%). Trong đó, VCB và PPC chịu áp lực bán rất lớn, thanh khoản đạt được khá tốt, lần lượt là 1,7 và 2,6 triệu đơn vị.
Nhóm chứng khoán, SSI vẫn là tâm điểm, với khối lượng khớp cao nhất sàn, đạt gần 4 triệu đơn vị. Nhờ lực mua từ khối ngoại với gần 750.000 đơn vị, cổ phiếu giữ được mức tăng trên 1% khi chốt phiên giao dịch.
Với nhóm cổ phiếu bất động sản, giao dịch được cải thiện hơn đáng kể trong phiên chiều. Trong Top 5 cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất sàn, có đến 3 mã là bất động sản. Cụ thể, ITA (3 triệu cổ phiếu); HQC (2,9 triệu) và FLC (2,69 triệu).
Trong nhóm cổ phiếu nhỏ, PXM lại là tâm điểm khi tiếp tục tăng trần. Đây là phiên tăng trần thứ 6 của cổ phiếu này. Trong tuần trước, PXM cũng là cổ phiếu có mức tăng cao nhất, đạt đến 50%. Cổ phiếu này hiện đang thuộc diện kiểm soát và chỉ được giao dịch trong 15 phút cuối xác định giá đóng cửa. Kết thúc quý III/2013, vốn chủ sở hữu của PXM âm tới 89,4 tỷ đồng.
Trên HNX, kết thúc phiên chiều, đà tăng lại bị thu hẹp hơn, khi 2 mã chứng khoán là VND và KLS lại đồng loạt quay đầu giảm điểm. Cụ thể, VND giảm 0,87%; KLS giảm 1%. Tuy nhiên, với lực đỡ từ nhóm bluechips trong HNX30 (13 mã tăng), đặc biết từ cổ phiếu dầu khí và nhóm cổ phiếu họ Sông Đà, HNX vẫn duy trì sắc xanh đến hết phiên.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/1, HNX-Index tăng 0,28 điểm (+0,4%) lên 71,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 47,48 triệu đơn vị, trị giá 419,65 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 1,1 triệu cổ phiếu, trị giá 14,19 tỷ đồng.
PVX và SHN vẫn là 2 mã có thanh khoản tốt nhất trên HNX, với 7,4 và 5,3 triệu cổ phiếu được giao dịch. Tuy nhiên diễn biến giá 2 cổ phiếu có sự trái chiều. trong khi PVX tăng 3,2%, thì SHN giảm 7,3%.
Ngoài ra, đối với nhóm cổ phiếu nhỏ, GGG lại có phiên tăng trần thứ 6 kể từ có phán quyết của Tòa án, buộc SHS phải mua 30% trong số hơn 7 triệu cổ phiếu của GGG, tương đương giá trị trên 25 tỷ đồng. Có lẻ yếu tố này, giúp nhà đầu tư kỳ vọng GGG vực dậy được kết quả kinh doanh bết bát hiện thời.
Trong phiên hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 4,76 triệu đơn vị và bán ra 341.700 đơn vị. Như vậy khối ngoại vẫn mua ròng trên cả hai sàn, với khối lượng 4,45 triệu đơn vị.
Toàn sàn có 205 mã tăng, 197 mã giảm và 150 mã đứng giá.
Trước đó, trong phiên giao dịch sáng, nhờ cổ phiếu dầu khí và gas nên thị trường đã vượt qua trạng thái lình xình để xác định xu thế tăng trong những phút cuối phiên.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 1,64 điểm (+0,32%) lên 520,58 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 36,14 điểm, giá trị 587,11 điểm. HNX-Index tăng 0,31 điểm (+0,44%) lên 71,08 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 28,8 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị 239,95 tỷ đồng.