Sau khi tạm đứng dưới tham chiếu trong buổi sáng, VN-Index đã bật tăng khá mạnh trở lại trong buổi chiều. Sự hồi phục mạnh mẽ ở các bluchip là yếu tố chính giúp thị trường lấy lại được sắc xanh. VIC ghi dấu ấn với giao dịch "lạ" trên bảng điện tử ngay trong buổi sáng cũng là đề tài được nhiều nhà đầu tư bàn tán trên các diễn đàn trong thời gian nghỉ trưa.
Dự báo về phiên mua ròng mạnh của khối ngoại là động lực không nhỏ về phiên giao dịch chiều của các nhà đầu tư nội.
Kết thúc phiên cuối tuần 4/4, VN-Index tăng 3,6 điểm (+0,61%) lên 593,04 điểm, trong đó chỉ số VN30-Index tăng 2,45 điểm (+0,37%) lên 667,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 118,577 triệu đơn vị, trị giá 3.341,72 tỷ đồng.
Tâm điểm phiên hôm nay, như đề cập, gọi tên VinGroup (VIC) khi đóng góp chính trong khối lượng "cực khủng" giao dịch thỏa thuận gần 1.746 tỷ đồng, tương đương 50% tổng giá trị giao dịch toàn sàn HOSE.
Trong cả phiên, cổ phiếu VIC chỉ loanh quanh ở mốc tham chiếu, nhưng gây sốc khi bất ngờ được khối ngoại giao dịch thỏa thuận với khối lượng khủng lên tới trên 22 triệu đơn vị, giá trị gần 1.514 tỷ đồng. Lượng cổ phiếu được thỏa thuận chiếm khoảng 2,4% cổ phần của VIC, trong khi giá trị giao dịch chiếm hơn 45% tổng giá trị giao dịch trên HOSE. Trong số đó, chỉ có 200.000 cổ phiếu được thỏa thuận ở giá tham chiếu, còn lại đều được thực hiện ở mức giá sàn.
Ngoài ra, VNM cũng được giao dịch thỏa thuận hơn 842.000 đơn vị, giá trị hơn 127 tỷ đồng. VNM kết phiên tăng 1.000 đồng lên 145.000 đồng.
Bên ngoài VIC, VNM, nhiều mã lớn khác như GAS, HAG, HSG, PVD…cũng đồng loạt tăng giá góp phần đẩy chỉ số tăng điểm trở lại. HPG tăng 3.000 đồng lên 28.800 đồng, khớp 2,11 triệu đơn vị và được chặn bán giá trần. HAG tăng 400 đồng lên 28.800 đồng và khớp 3,5 triệu đơn vị. GAS tăng 2.000 đồng lên 86.500 đồng, HSG và PVD cùng tăng 1.500 đồng… MSN sau phiên tăng mạnh buổi sáng, đã bị kéo về tham chiếu trong phiên chiều
Tiền bắt đáy dù không mạnh trong phiên hôm qua, nhưng ít nhất đã giữ vai trò chốt chặn khiến chỉ số không giảm sâu trong phiên sáng, và giúp lượng cung giá thấp không tăng lên trong phiên chiều.
Dù vậy, đa số các mã nóng đều giảm điểm phiên hôm nay, điểm đáng chú ý là riêng FLC là được kéo về tham chiếu với hơn 9,7 triệu đơn vị được khớp và thanh khoản cao nhất sàn HOSE. Còn ITA vẫn giữ nguyên mức giảm 200 đồng xuống 10.100 đồng và khớp được 8,69 triệu đơn vị. Các mã đầu cơ còn lại như HQC, LCG, DXG…cũng không leo lên nổi tới tham chiếu, giao dịch đều trên 1 triệu đơn vị
Một số mã đầu cơ thị giá thấp khác cũng có một vài thay đổi bất ngờ. Chuỗi 16 phiên tăng trần của PXM đã chính thức bị cắt tại phiên này. Mã này đã bị chốt lời mạnh ngay từ đầu phiên chiều. Nhận thấy có biến, bên mua lập tức ngừng gom hàng. PXM kết phiên quay 180 độ từ tăng trần xuống giảm sàn.
Có một thông tin liên quan tới PXM là mới đây là 1 sếp của doanh nghiệp đã đăng ký bán toàn bộ...23.000 cổ phiếu. Tất nhiên, tin này chỉ là cái cớ, 16 phiên trần trong giai đoạn hiện tại đã tạo ra một kỷ lục khó phá!
Trong nhóm mã nóng, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới một doanh nghiệp Gia Lai. DLG lấy lại được sắc tím sau cả phiên sáng ngụp lặn dưới tham chiếu. Mã này khớp được hơn 3,5 triệu đơn vị và vẫn còn dư mua trần. Từ ngày DLG có tân Tổng giám đốc Phạm Anh Hùng, nhà đầu tư gắn bó với mã gỗ, mỏ, bến xe này dường như... có lộc.
Ngoại trừ phần số đông, trong nhóm mã nóng phiên cuối tuần vẫn còn sắc tím ở một số mã, và có tăng thêm vào phiên chiều như BT6, C21, FDG, PPI, SGT…
Còn tại sàn giao dịch có trụ sở tại Thủ đô: HNX, do không có những trụ đỡ mạnh, giống như phiên sáng, màu đỏ chiếm gần trọn thời gian giao dịch, dù phai nhạt bớt vào cuối giờ do ảnh hưởng từ HOSE.
Kết phiên, HNX giảm 0,87 điểm (-0,99%) đứng ở mức 86,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 56,253 triệu đơn vị, trị giá 625,12 tỷ đồng. Trong đó, HNX30-Index giảm 1,93 điểm (-1,07%), xuống còn 178,72 điểm.
Cũng như phiên sáng, nhóm HNX30 tiếp tục thể hiện bộ mặt yếu ớt khi chỉ có 3 mã tăng là NBC, NTP và SD6. Trong số 8 mã đứng giá có VND, VCG.
Trong khi số mã giảm áp đảo với 19 mã, trong đó đều là những mã lớn có tính dẫn dắt như ACB, BVS, SHB, PVS, KLS, SCR, SHS…. SHB giảm 200 đồng xuống 10.700 đồng và khớp được 5,36 triệu đơn vị. KLS giảm 200 đồng xuống 14.300 đồng và khớp 3,42 triệu đơn vị. SCR và SHS giảm lần lượt 200 đồng và 300 đồng, cùng khớp trên 2,5 triệu đơn vị.
Tương tự, PVX cũng không ngóc lên nổi tham chiếu khi giảm 400 đồng xuống 6.400 đồng, với 7,6 triệu đơn vị được khớp.
Nhìn lại phiên cuối tuần và cả tuần trên cả 2 Sở Giao dịch thì dù một tuần gay cấn đã trôi qua nhưng nhiều nhà đầu tư gắn bó với sàn sẽ khó có một cuối tuần thanh thản. Triển vọng ngắn hạn khó dự báo với câu hỏi những phiên điều chỉnh đã kết thúc chưa, xu hướng giảm đã được bẻ gãy hay còn tiếp tục, mã của mình nắm giữ hoặc dự kiến mua vào sẽ thế nào,...???
Nhà đầu tư đang giữ tiền lo ngại mất cơ hội mua giá rẻ, còn nhà đầu tư nắm cổ phiếu thì lo ngại xu hướng giảm còn tiếp tục.
Sự gay cấn và thử thách tâm lý là một phần của thị trường chứng khoán, trong một cuộc chơi tổng chưa bằng không (-), diễn biến thị trường như giai đoạn hiện nay là một... nét đẹp!