Một phiên chỉ số "nhảy múa" với đỉnh VN Index cao nhất và thấp nhất cách nhau 10 điểm, thanh khoản vẫn khá cao. Nhưng khoảng giao dịch cuối phiên chiều, chỉ số gần như chạy ngang báo hiệu một xu hướng không rõ ràng.
Những nhà đầu tư kinh nghiệm thường đứng ngoài thị trường những phiên giao dịch như thế này. Phiên kỷ lục ngày thứ Năm cho tín hiệu gãy trend tăng, nhưng động lực thị trường vẫn còn ở lực mua khá gây khó khăn cho việc kiểm định cung - cầu.
Đóng cửa, VN-Index giảm nhẹ 0,47 điểm (-0,08%) xuống mức 570,57 điểm, trong đó chỉ số VN30-Index tăng 0,76 điểm (+0,1%) lên 639,37 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng 0,66 điểm (+0,83%) lên 80,17 điểm, trong đó chỉ số HNX30-Index tăng 0,78 điểm (+0,49%) lên 159,4 điểm.
Thanh khoản phiên này tuy giảm mạnh so với phiên kỷ lục trước đó nhưng vẫn ở mức cao.
Trên sàn HOSE, tổng khối lượng giao dịch đạt 124,76 triệu đơn vị, giá trị gần 1.982 tỷ đồng. Còn trên sàn HNX cũng có xấp xỉ 72,32 triệu đơn vị được giao dịch, trị giá 708,43 tỷ đồng.
Giao dịch thỏa thuận trên sàn HOSE đóng góp 8,41 triệu đơn vị với giá trị 155,48 tỷ đồng, trong khi trên sàn HNX đóng góp không nhiều với hơn 1 triệu đơn vị có giá trị 11,4 tỷ đồng.
Dẫn dắt thị trường tiếp tục là các mã lớn. Trong các mã đã tăng mạnh ở phiên sáng, SSI tiếp tục hút mạnh dòng tiền và duy trì được đà tăng khi đóng cửa mức 25.200 đồng, tăng mạnh 2,86% với 7,18 triệu đơn vị được khớp. FPT giữ nguyên mức tăng 1,75% lên 58.000 đồng nhưng thanh khoản không cao như mọi khi do 2 bên mua bán không gặp nhau, hết phiên có gần 690.000 đơn vị FPT được giao dịch. REE cũng chỉ còn tăng nhẹ 0,62% lên 32.200 đồng với 1,76 triệu đơn vị được khớp.
Hai mã PVT và CII sau khi ngụp lặn dưới tham chiếu trong phần lớn thời gian đã bất ngờ bật mạnh về cuối phiên, đóng cửa tăng mạnh 1,49% và 4,8% lên 13.600 đồng và 23.900 đồng, thanh khoản lần lượt đạt 2,37 triệu đơn vị và 1,12 triệu đơn vị.
Ở phía ngược lại, HAG bất ngờ quay đầu giảm 0,8% xuống 24.800 đồng và khớp được 3,94 triệu đơn vị, ngoài ra HAG còn được giaoo dịch thỏa thuận 1,5 triệu đơn vị, giá trị 37,05 tỷ đồng. Còn VIC tiếp tục lùi sâu hơn khi mất tổng cộng 1,27% xuống còn 77.500 đồng. MBB và OGC đều quay đầu dưới tham chiếu và cùng khớp được hơn 2 triệu đơn vị. Ngoài ra, các mã ngân hàng khác như EIB, CTG, VCB hay BID cùng chung số phận khi không thoát nổi sắc đỏ.
Trong khi đó, ITA, GAS và VNM đã bị kéo về tham chiếu, trong đó ITA có giao dịch khá mạnh với 7,33 triệu đơn vị và dẫn đầu thanh khoản của nhóm VN30. Phiên này, IJC được giao dịch khá mạnh với 4,62 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 1,55% lên 13.100 đồng.
Đối với các mã vừa và nhỏ, các cổ phiếu như FLC, DXG, DLG, KBC, KMR, LCG, MCG… dù được giao dịch mạnh nhưng kết phiên vẫn không leo lên được mốc tham chiếu. Trong đó, FLC tiếp tục giảm 1,9% xuống 10.300 đồng và khớp được 5,53 triệu đơn vị, DXG giảm 2,74% xuống 14.200 đồng với 2,15 triệu đơn vị khớp lệnh, DLG giảm 3,5% xuống 5.500 đồng với 3,11 triệu đơn vị được khớp. KBC, KMR, LCG, MCG…cũng đều khớp trên 1 triệu đơn vị
Trong khi đó, SAM tiếp tục gây ấn tượng với thanh khoản cao với 6,26 triệu đơn vị sang tay, đóng cửa tăng mạnh 4,67% lên 11.200 đồng. Các mã như HBC HQC, HAR, MCG… chỉ tăng nhẹ hoặc đứng tham chiếu và có từ 1 đến 2 triệu đơn vị được giao dịch.
Trên sàn HNX, một loạt các bluechips trong HNX30 như ACB, SHB, PVS, VCG …đã đồng loạt tăng điểm giúp HNX duy trì được sắc xanh. Trong đó, SHB tăng 1,2% lên 8.600 đồng và có tới 10,42 triệu đơn vị được khớp. VCG tăng 3,65% lên 14.200 đồng với 4,49 triệu cổ phiếu khớp lệnh. SCR và KLS chốt phiên đứng tham chiếu và cùng khớp được hơn 4 triệu đơn vị. Cùng đứng tham chiếu còn có SHS, VND, KLS và đều giao dịch trên 1 triệu đơn vị.
Trong lúc đó, các mã lớn khác như DCS, LAS, PVG, PGS, HUT… vẫn giao dịch dưới tham chiếu và kết phiên trong sắc đỏ. Trong đó, DCS giảm mạnh 3,4% xuống 5.600 đồng và khớp được 2,19 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, PVX đã được kéo thành công lên mức trần khi khớp tới 10,32 triệu đơn vị, trong khi vẫn còn dư mua trần và ATC lần lượt 2,298 triệu đơn vị và 5,5054 triệu đơn vị.
Ngoài ra, SHN cũng kết phiên trong sắc xanh mạnh khi tăng 5,45% lên 5.800 đồng và khớp được 3,13 triệu đơn vị.
Như vậy, phiên giao dịch cuối tuần đã khép lại khá nhẹ nhàng sau phiên giao dịch bão táp trước đó. Phiên này chỉ số biến động mạnh, đánh dấu việc kiểm tra đà tăng của 2 sàn. Thanh khoản tuy giảm mạnh so với phiên trước nhưng nhìn chung vẫn đạt mức cao gần 2.700 tỷ đồng.
Nhìn lại cả phiên cuối tuần, nhà đầu tư chưa sẵn sàng đặt mua giá cao và người bán chưa sẵn sàng đẩy bán giá thấp. Tín hiệu này cho thấy những phiên đầu tuần tới có chất quyết định tới xu hướng ngắn hạn của thị trường. Chỉ là ngắn hạn bởi những tín hiệu vĩ mô tiếp tục cho dấu hiệu tốt: nới room sắp thành hiện thực, niềm tin người tiêu dùng cải thiện, lãi suất có thể hạ thêm 1-2%/năm, thị trường bất động sản sôi động hơn...