Phiên chiều hôm nay (9/3) chỉ là điểm nối tiếp của phiên sáng khi thị trường vẫn đỏ lửa, và những mã còn do dự trong phiên sáng đủ thời gian để về giá sàn với lượng bán tăng vọt. Điểm tích cực là lượng mua bắt đáy giá sàn cũng rất lớn đẩy khối lượng khớp lệnh tăng gấp rưỡi so với các phiên trước.
Về điểm số thì lâu rồi, VN-Index mới có phiên "thảm họa" như hôm nay, mất đi gần 56 điểm và gần hết biên độ cho phép. Hy vọng rằng, lượng margin không quá lớn hiện tại sẽ không ép thị trường rớt mạnh ở những phiên tiếp theo, đồng thời, thị trường chứng khoán phái sinh sẽ đóng vai trò thực sự của mình khi giúp giảm thiểu rủi ro cho thị trường cơ sở.
Đánh giá về diễn biến của phiên giao dịch hôm nay, trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư đã ví phiên lao dốc 9/3 với phiên thị trường lao đao vào năm 2012, khi thông tin Bầu Kiên bị bắt. Thâm chí còn được ví von là thị trường đang “mắc dịch” hay một nhà đầu tư tích cực còn đưa ra ý kiến cho rằng nên “đem Index đi cách ly”...
Về chi tiết giao dịch khi đóng cửa, với 368 mã giảm, gấp hơn 10 lần số mã tăng (34 mã), VN-Index giảm 55,95 điểm (-6,28%) xuống 835,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 309,1 triệu đơn vị, giá trị 5.561,16 tỷ đồng, tăng 42,5% về khối lượng và tăng hơn 38,97% về giá trị so với phiên 6/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 35,92 triệu đơn vị, giá trị 1.247,74 tỷ đồng.
Chỉ số Vn30-Index giảm 53,12 điểm (-6,35%) xuống mức 782,85 điểm.
Trong nhóm VN30 có tới 23 mã nằm sàn, trong đó hầu hết các mã vốn hóa lớn đều giảm hết biên độ như VNM, VHM, VIC, BID, CTG, GAS…, ngoại trừ một số mã thoát sắc xanh mắt mèo nhưng không ngăn được đà giảm sâu như VC, SBT, SAB, REE, NVL, MSN, EIB. Đây là nhân tố chính khiến thị trường lao dốc mạnh.
Một điểm đáng chú ý là mặc dù áp lực xả hàng diễn ra ồ ạt nhưng dòng tiền cũng tham gia khá mạnh bởi kỳ vọng sẽ bắt được đúng đáy, là nguyên nhân khiến thanh khoản thị trường gia tăng.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, các mã cũng đua nhau giảm sàn như FLC, DLG, ITA, HQC, DXG, HAG, HDG…
Tuy nhiên, AMD vẫn giữ sắc tím khi kết phiên tại mức giá 3.270 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 20,64 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường và dư mua trần hơn 4,9 triệu đơn vị. QCG có chút rung lắc nhưng cũng đã bảo toàn được phiên tăng trần thứ 8 liên tiếp và dư mua trần hơn 0,1 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, biên độ giảm cũng được nới rộng hơn trong phiên chiều do áp lực bán tiếp tục dâng cao.
Đóng cửa sàn HNX, với 14 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index giảm 7,31 điểm (-6,43%) xuống 106,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 54,7 đơn vị, giá trị 765,59 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 13,7 triệu đơn vị, giá trị hơn 127,11 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 cũng có 8 mã giảm sàn gồm CEO, DTD, HUT, KLF, L14, MBS, NDN, PVB, PVS, S99, SHB, SHS, VCS. Ngoài ra, nhiều mã lớn khác cũng giảm sâu như VCG -1,57% xuống 25.100 đồng/CP, ACB -7,9% xuống 23.300 đồng/CP, DGC -6,97% xuống 22.700 đồng/CP…
Cổ phiếu ACB thoát sắc xanh mắt mèo nhờ lực cầu tăng mạnh. Hiện ACB vẫn là mã giao dịch sôi động nhất sàn HNX, đạt 16,77 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí tiếp theo đó là các mã như PVS khớp 5,78 triệu đơn vị, SHB khớp 4,4 triệu đơn vị, HUT khớp 3,16 triệu đơn vị, NVB khớp 2,69 triệu đơn vị…
Thị trường UPCoM cũng giảm sâu hơn trước áp lực bán lớn trên diện rộng.
Đóng cửa, với 14 mã tăng và 52 mã giảm, UPCoM-Index giảm 2,97 điểm (-5,37%) về 52,44 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 30,74 triệu đơn vị, giá trị 342,68 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,43 triệu đơn vị, giá trị 18,9 tỷ đồng.
Các mã lớn giảm sâu vẫn là nguyên nhân chính đẩy thị trường lao dốc như BSR -12,5% xuống 7.000 đồng/CP, LPB -14,29% xuống mức giá sàn 7.200 đồng/CP, VGI -12,87% xuống 23.700 đồng/CP, VGT -3,66% xuống 7.900 đồng/CP, VEA -11,39% xuống 35.000 đồng/CP, ACV -6,93% xuống 56.400 đồng/CP…
Trong đó, BSR vươn lên vị trí dẫn đầu thanh khoản với 6,94 triệu đơn vị được giao dịch thành công; tiếp theo là LPB có khối lượng giao dịch hơn 6 triệu đơn vị và VIB đạt 5,89 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm sàn. Trong đó, hợp đồng có thời gian đáo hạn gần nhất (ngày 19/3) là VN30F2003 được giao dịch nhiều nhất với 131.999 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 20.086 hợp đồng, giảm 6,99% về 774,1 điểm.
Trên thị trường chứng quyền cũng chỉ có 2 mã tăng và 1 mã đứng giá tham chiếu, còn lại đều mất điểm. Trong đó, CVNM1904 là mã có thanh khoản tốt nhất với 106.834 đơn vị được chuyển nhượng, đóng cửa giảm 66,67% xuống 20 đồng.