Trong phiên giao dịch hôm qua (8/12), dù Vn-Index chưa thể chinh phục thành công ngưỡng 660 điểm nhưng diễn biến thị trường đã khởi sắc. Vượt qua hầu hết các nhận định về lo ngại điều chỉnh của các công ty chứng khoán đưa ra trước phiên giao dịch, thị trường đã có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp dù vẫn chịu sức ép lớn từ nhà đầu tư ngoại đối với hầu hết các mã lớn.
Cùng giá dầu thô bật tăng trở lại, chứng khoán thế giới đồng loạt tăng điểm trong ngày 8/12, bất chấp việc ECB quyết định cắt giảm liều lượng gói kích thích kinh tế (QE) từ 80 tỷ euro/tháng hiện nay xuống 60 tỷ euro/tháng, thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục bước vào phiên giao dịch cuối tuần đầy hứng khởi. Chỉ số Vn-Index nhanh chóng vượt ngưỡng 660 điểm và tiếp cận mốc 665 điểm.
Tuy nhiên, sắc đỏ chiếm ưu thế cùng đà giảm điểm của nhiều mã bluechip khiến đà tăng dần thu hẹp về cuối phiên sáng. Các mã có vốn hóa lớn như VNM, SAB, ROS vẫn là điểm tựa chính giúp VN-Index giữ vững ngưỡng hỗ trợ 660 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường không có nhiều biến động lớn, sức ép từ nhà đầu tư ngoại vẫn tác động mạnh lên thị trường khiến sắc đỏ tiếp tục lan rộng bảng điện tử, chỉ số VN-Index rơi xuống sát mốc 660 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.
Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy gia tăng, đặc biệt trong đợt khớp ATC, đã giúp thị trường nới rộng đà tăng điểm, chỉ số VN-Index lên mức điểm cao nhất trong phiên chiều, dù chưa thể chinh phục lại mốc 665 điểm.
Đóng cửa, toàn sàn HOSE có 88 mã tăng và 146 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 4,18 điểm (+0,63%) lên mức 663,07 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 119,36 triệu đơn vị, giá trị 2.541,12 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận có đóng góp lớn đạt 39,4 triệu đơn vị, giá trị 958,85 tỷ đồng. Riêng SAB thỏa thuận 2,89 triệu đơn vị, giá trị 432,96 tỷ đồng, CAV thỏa thuận 1,36 triệu đơn vị, giá trị hơn 129 tỷ đồng.
VN30-Index đã lấy lại sắc xanh với mức tăng nhẹ 0,19 điểm (+0,03%) lên mức 619,64 điểm với 11 mã tăng, 13 mã giảm và 6 mã đứng giá.
Dù được đánh giá sẽ tạo sôi động trong phiên hôm nay bởi đây là ngày chốt sổ để nhà đầu tư đăng ký và nộp tiền đặt cọc đấu giá cổ phiếu VNM của SCIC, nhưng diễn biến cổ phiếu này không có nhiều biến động so với phiên sáng.
VNM tiếp tục chịu sức ép từ nhà đầu tư ngoại khi bị khối này bán ròng hơn 0,74 triệu đơn vị nhưng đóng cửa vẫn duy trì đà tăng 0,44%, đứng tại mức giá 135.800 đồng/CP và khớp 1,51 triệu đơn vị.
Trong khi đó, GAS tiếp tục gia tăng với biên độ tăng 1,54%, đóng cửa tại mức giá cao nhất trong ngày 66.000 đồng/CP, đã đóng góp tích cực vào công cuộc duy trì đà tăng điểm của thị trường.
Ngoài ra, các mã bluechip khác như SAB, BVH, VCB, FPT, KDC…, trong đó, SAB vẫn duy trì trạng thái tăng trần với giao dịch nhỏ giọt.
Ở nhóm cổ phiếu đầu cơ, hầu hết các cổ phiếu đều “đổ đèo”. Lần lượt các mã như FLC, ITA, KBC, HAI, HHS, FIT… đều giao dịch trong sắc đỏ, thậm chí HAR rơi xuống mức giá sàn.
HQC tiếp tục sắc xanh mắt mèo với lượng dư bán sàn chất đống. Cổ phiếu này đóng cửa tại mức giá 2.670 đồng/CP với lượng khớp 1,65 triệu đơn vị và dư bán sàn 31,25 triệu đơn vị.
Diễn biến sàn HNX
Trên sàn HNX, phiên giao dịch chiều trở nên gay cấn hơn khi chỉ số HNX-Index liên tục đổi sắc do thiếu lực đỡ từ các cổ phiếu bluechip. Tuy nhiên, lực đỡ từ các cổ phiếu dầu khí cùng ACB và VCS đã giúp thị trường đóng cửa trong sắc xanh.
Với mức tăng 0,24 điểm (+0,31%), HNX-Index đóng cửa tại mốc 79,61 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 39,16 triệu đơn vị, giá trị 341,44 tỷ đồng và giao dịch thỏa thuận đạt 17,77 triệu đơn vị, giá trị 273,9 tỷ đồng.
KLF ghi nhận phiên giảm sàn thứ 4 liên tục sau chuỗi ngày dài tăng trần, tuy nhiên, cổ phiếu này vẫn dẫn đầu về thanh khoản trên sàn HNX với khối lượng khớp lệnh đạt 6,18 triệu đơn vị, dư bán sàn hơn 1,9 triệu đơn vị.
Trái lại, DST có phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp sau phiên điều chỉnh nhẹ vào đầu tuần qua (ngày 5/12). Như vậy, tính trong 15 phiên qua, DST đã có tới 14 phiên tăng trần với tổng cộng mức tăng lên tới 18.810 đồng (+151,82%) từ mức giá 12.390 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 21/11) lên 31.200 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 9/12).