Phiên khởi sắc ngày hôm qua (8/10) chưa đủ mạnh để giúp nhà đầu tư yên tâm, dòng tiền vẫn duy trì trạng thái thận trọng khi bước vào phiên giao dịch sáng 9/10. Diễn biến lình xình và giằng co nhanh chóng quay trở lại và sau hơn một nửa thời gian của phiên sáng, lực cầu gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip đã tạo đà giúp VN-Index hồi phục và lấy lại mốc 990 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, sau gần 1 giờ thử thách ngưỡng kháng cự này, áp lực bán bất ngờ gia tăng đã khiến thị trường thoái lui. Sắc đỏ dần chiếm ưu thế cùng trụ cột VNM gia tăng sức ép đã nhanh chóng đẩy VN-Index lùi về dưới mốc tham chiếu.
Mặc dù dòng bank vẫn le lói sáng nhưng biên độ khá hẹp, chưa đủ để giúp thị trường khởi sắc. Chỉ số VN-Index biến động giằng co trong hơn 50 phút giao dịch cuối phiên và trở lại kết phiên trong sắc đỏ.
Đóng cửa, với 138 mã tăng và 164 mã giảm, VN-Index giảm 0,39 điểm (-0,04%), xuống 987,83 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 182,54 triệu đơn vị, giá trị 4.107,94 tỷ đồng, tăng 2,34% về khối lượng và 15,36% về giá trị so với phiên 8/10. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 38,76 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.274 tỷ đồng.
Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoại trừ cổ phiếu lớn VCB đảo chiều sau khi lập đỉnh lịch sử mới (85.100 đồng/CP) khi kết phiên hôm qua, còn lại hầu hết đều có được sắc xanh nhạt như BID, MBB, TCB, VPB. Điểm sáng ngành là CTG tăng khá tốt 2,7% lên mức 21.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất trong nhóm, đạt 6,13 triệu đơn vị.
Ngoài CTG, một số mã bluechip tăng tốt cũng giúp thị trường không giảm sâu như VRE tăng 2,4% lên 32.000 đồng/CP, HVN tăng 4,3% lên 34.800 đồng/CP, các mã GAS, MSN vẫn giữ sắc xanh nhạt dù đà tăng có phần thu hẹp hơn.
Trong khi đó, nhiều mã vốn hóa lớn khác đảo chiều hoặc nới rộng biên độ giảm như VIC, VHM, PLX, SAB, đáng kể VNM giảm 1,6% xuống mức 127.000 đồng/CP.
ROS vẫn là mã có thanh khoản dẫn đầu với hơn 20,15 triệu cổ phiếu được khớp lệnh và đóng cửa duy trì trạng thái điều chỉnh nhẹ với mức giảm 0,8% xuống 25.650 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều mã chịu áp lực bán ra cũng đã quay đầu điều chỉnh. Đáng kể, FTM bị chốt lời mạnh sau 8 phiên tăng trần, đã giảm 6,9% xuống mức giá sàn 4.420 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 5,64 triệu đơn vị và dư bán sàn 15.850 đơn vị.
Ngoài ra, SCR, HQC, DLG, ITA, TSC, DIG, DIC… cũng lần lượt lùi về dưới mốc tham chiếu.
Trái lại, trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu bluechip tiếp tục là điểm tựa giúp HNX-Index nới rộng biên độ tăng trong phiên chiều.
Đóng cửa, với 43 mã tăng và 39 mã giảm, HNX-Index tăng 0,7 điểm (+0,68%) lên 104,62 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,81 triệu đơn vị, giá trị 294,96 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,44 triệu đơn vị, giá trị 22,24 tỷ đồng.
Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HNX chỉ có duy nhất DGC giảm nhẹ 1,5% xuống 26.200 đồng/CP; SHB, PVS, PHP đứng giá tham chiếu, còn lại đều khởi sắc.
Cụ thể, ACB tăng 1,7% lên 23.700 đồng/CP, NTP tăng 1,5% lên 39.500 đồng/CP, PVI tăng 1,3% lên 31.800 đồng/CP, VCG tăng 2,6% lên 27.200 đồng/CP, VCS tăng 0,4% lên 94.200 đồng/CP, DL1 tăng 4,5% lên 23.000 đồng/CP.
5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HNX gồm SHB khớp lệnh 2,77 triệu đơn vị, CEO khớp 2,24 triệu đơn vị, PVS khớp 2,21 triệu đơn vị, ACB khớp 1,72 triệu đơn vị và VCG khớp gần 1,25 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, giao dịch kém tích cực, sắc đỏ duy trì trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, với 29 mã tăng và 25 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,21 điểm (-0,37%) về 56,62 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 6,97 triệu đơn vị, giá trị 164,82 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,92 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 45,37 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR sau 2 phiên khởi sắc đầu tuần đã trở lại giằng co và kết phiên tại mốc tham chiếu 9.700 đồng/CP với thanh khoản sụt giảm khá mạnh nhưng vẫn là mã có khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường UPCoM, đạt 1,24 triệu đơn vị. Đây cũng là mã duy nhất có lượng giao dịch trên 1 triệu đơn vị.
Trái lại, VGI đã đảo chiều thành công và hồi phục tích cực với mức tăng 4,3% lên 33.600 đồng/CP. Trong khi đó, các mã lớn khác như ACV, BCM, OIL… giao dịch trong sắc đỏ.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai cũng theo chân thị trường cơ sở khi kết phiên đều giảm, trong đó, hợp đồng VN30F1910 vẫn mua bán mạnh nhất, với 73.897 đơn vị được sang tay, giảm gần 0,2% xuống 916,6 điểm.
Trên thị trường chứng quyền, có 6 mã tăng, 2 mã đứng giá và 12 mã giảm. Trong đó, CVNM1901 tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp lệnh đạt 81.123 đơn vị, đóng cửa giảm 11,43% xuống 700 đồng/CQ.