Sự hỗ trợ tích cực từ các cổ phiếu bluechip đặc biệt là những mã có vốn hóa lớn như VNM, SAB đã giúp chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 660 điểm. Tuy nhiên, đây vẫn đang là thử thách lớn đối với thị trường. Áp lực bán nhanh chóng xuất hiện khiến thị trường hạ độ cao, chỉ số VN-Index đi ngang trong gần nửa cuối phiên sáng quanh mốc 655 điểm.
Sang phiên giao dịch chiều, lực cầu vẫn tỏ ra khá thận trọng, nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là nhóm dẫn dắt thị trường tăng điểm. Đặc biêt, trong đợt khớp ATC, dòng tiền hấp thụ mạnh đã giúp thị trường nới rộng đà tăng điểm. Tuy chưa đủ mạnh để giúp VN-Index chiến thắng mốc 660 điểm, nhưng chỉ số này đã leo lên mức cao nhất trong phiên chiều.
Đóng cửa, VN-Index tăng 5,36 điểm (+0,82%) lên mức 658,89 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 135,12 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 2.444,86 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 44,32 triệu đơn vị, giá trị 747,98 tỷ đồng. Đáng chú ý, CHP thỏa thuận 12,25 triệu đơn vị, giá trị 257,21 tỷ đồng.
Cổ phiếu lớn VNM chịu sức ép khá lớn từ nhà đầu tư ngoại khi bị bán ròng tới 1,22 triệu đơn vị nhưng cầu nội khá tích cực sau thông tin tỷ phú Thái chi nửa tỷ USD đăng ký mua cổ phiếu Vinamilk, giúp cổ phiếu này tăng ổn định. Với biến động tăng 2,04%, VNM đã đóng cửa tại mức giá 135.200 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt 2,78 triệu đơn vị.
Các trụ cột khác như MSN, BVH vẫn duy trì đà tăng nhẹ, trong khi GAS đã thu hẹp đà giảm, chỉ còn giảm nhẹ 300 đồng (-0,46%).
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong khi VCB, BID, EIB tiếp tục tăng nhẹ, thì STB đang tỏa sáng. Lần đầu tiên trong 6 tháng qua, STB có được sắc tím. Dù cũng chịu áp lực lớn từ khối ngoại khi bị bán ròng 1,25 triệu đơn vị nhưng STB đã bật tăng mạnh về cuối phiên.
Với biên độ tăng 6,9%, STB đã đóng cửa tại mức giá trần 7.910 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt 1,94 triệu đơn vị.
Thành viên mới với vốn hóa nằm trong top 5 lớn nhất thị trường – SAB vẫn duy trì đà tăng trần cùng giao dịch nhỏ giọt. Đóng cửa, SAB tăng 6,94% lên mức giá trần 151.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ 1.000 đơn vị và dư mua trần 3,14 triệu đơn vị.
Trái lại, ROS vẫn giảm sâu 5.700 đồng (-4,88%), đóng cửa tại mức giá 111.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 2,24 triệu đơn vị, đóng vai trò là lực hãm chính của thị trường.
Ở nhóm cổ phiếu đầu cơ, trong khi những mã tăng nóng trong phiên trước như ITA, FLC đã hạ nhiệt, thì thị trường lại đón nhận những gương mặt mới như FIT, JVC, TTF, DRL, VNG đua nhau tăng trần.
Lực cầu tiếp tục hấp thụ tích cực trong phiên chiều giúp DLG khởi sắc sau khi đã lấy lại thăng bằng trong phiên sáng. Chấm dứt 3 phiên giảm sàn, DLG tăng 0,8% lên mức giá 3.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn đạt 11,78 triệu đơn vị.
Trái lại, HQC vẫn chưa thoát khỏi trạng thái những ngày dài đen tối. Tiếp tục đứng ở mức giá sàn 2.870 đồng/CP, HQC đã chuyển nhượng 1,99 triệu đơn vị và dư bán sàn 44,85 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sau nửa phiên giao dịch của phiên chiều lình xình trên mốc tham chiếu, áp lực bán luôn thường trực trong khi lực cầu suy yếu khiến thị trường giao động bất ổn. Chỉ số HNX-Index liên tục đổi sắc và chính thức đóng cửa trong sắc đỏ.
Với mức giảm nhẹ 0,03 điểm (-0,04%), HNX-Index đóng cửa tại mốc 79,37 điểm. Thanh khoản ở mức thấp với tổng khối lượng giao dịch đạt 34,42 triệu đơn vị, giá trị 275,57 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 3,2 triệu đơn vị, giá trị 69,32 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu dầu khí đóng vai trò là lực hãm chính khi hầu hết các mã đều giảm mạnh như PVS giảm 2,3%, PVB giảm 6,45%, PGS giảm 1,24%, PVI giảm 1,63%...
Những tưởng KLF sẽ thoát khỏi sắc xanh mắt mèo và khởi sắc nhưng áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên chiều đã khiến cổ phiếu này giảm kịch sàn, ghi nhận phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp. Với biên độ giảm 9,4%, KLF đóng cửa tại mức giá 2.900 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường đạt 12,75 triệu đơn vị.