Mặc dù dòng tiền tham gia khá hạn chế nhưng việc tiết cung giá thấp đã giúp thị trường tăng điểm ngay khi mở cửa phiên giao dịch cuối tuần 7/6. Tuy nhiên, sau khi kéo lên mốc 955 điểm bất thành do lực cầu chưa đủ mạnh, thị trường đã thu hẹp đà tăng và diễn biến lình xình đi ngang trong hơn 2/3 thời gian còn lại.
Bước sang phiên chiều, sau khoảng 30 phút lặng sóng, lực cầu gia tăng và chủ yếu nhắm tới nhóm cổ phiếu bluechip đã tạo sức bật giúp VN-Index nhanh chóng chạm mốc 955 điểm. Tuy nhiên, sự thiếu đồng thuận của thị trường khiến VN-Index đứng không vững và rung lắc nhẹ quanh ngưỡng kháng cự này.
Đột biến đã xẩy ra trong 30 phút cuối phiên khi hầu hết các cổ phiếu bluechip được kéo lên cao, đặc biệt là các mã vốn hớn lớn, đã trở thành điểm tựa chính giúp thị trường tăng vọt. Chỉ số VN-Index được kéo lên mức cao nhất ngày với mức tăng hơn 10 điểm.
Đóng cửa, sàn HOSE tràn ngập sắc xanh với 209 mã tăng, gấp hơn 2,5 lần số mã giảm (83 mã), chỉ số VN-Index tăng 10,07 điểm (+1,06%) lên 958,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 148 triệu đơn vị, giá trị 3.302,11 tỷ đồng, tăng 17,56% về lượng và 4,96% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có đóng góp đáng kể với khối lượng 50,19 triệu đơn vị, giá trị 1.001,94 tỷ đồng.
Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE chỉ còn duy nhất VCB giảm nhẹ 0,46% xuống 65.600 đồng/CP, còn lại đều khởi sắc với đồng loạt MSN, VNM, SAB, CTG, VRE, BID tăng trên dưới 1%, VHM tăng 2,4% lên 82.200 đồng/CP, GAS tăng 3,2% lên 103.000 đồng/CP.
Bên cạnh đó, một số mã bluechip khác cũng nới rộng biên độ hơn trong phiên chiều như PLX tăng 1,1% lên 62.400 đồng/CP, MWG tăng 2,1% lên 88.300 đồng/CP, HVN tăng 4,1% lên 43.200 đồng/CP, PNJ tăng 2,3% lên 78.800 đồng/CP, MBB tăng 1,73% lên 20.550 đồng/CP…
Nhóm VN30 chỉ còn 3 mã đứng dưới mốc tham chiếu, trong đó ROS dù khá nỗ lực nhưng vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ với mức giảm chỉ 0,17% và kết phiên tại mức cao nhất ngày 30.000 đồng/CP. Đồng thời, ROS vẫn bảo toàn vị trí vua thanh khoản trên sàn HOSE với khối lượng khớp 10,82 triệu đơn vị.
Không chỉ các mã lớn giao dịch tích cực, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng đua nhau khởi sắc. Các mã FLC, KBC, AAA, NBB, PDR, ASM, NLG… đều đóng cửa trên mốc tham chiếu với khối lượng khớp lệnh một vài triệu đơn vị.
Đáng chú ý, KSH có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp khi kết phiên tại mức giá 820 đồng/CP với khối lượng dư mua trần 556.660 đơn vị. Các mã PIT, MDG, TIX, RIC cũng tăng hết biên độ.
Tương tự, sàn HNX cũng được kéo lên cao nhờ sự hỗ trợ tích cực từ nhóm cổ phiếu bluechip.
Kết phiên, HNX-Index tăng 1,18 điểm (+1,14%) lên mức cao nhất ngày 104,21 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 22,74 triệu đơn vị, giá trị 270,14 tỷ đồng, tăng 7,37% về lượng và 6,77% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 3,89 triệu đơn vị, giá trị gần 18,8 tỷ đồng.
Trong nhóm HNX30 chỉ còn 3 mã giao dịch dưới mệnh giá là MAS, S99, VGS với biên độ khá hẹp, còn lại đều giao dịch tích cực.
Đáng kể như PVS tăng 4,1% lên 22.600 đồng/CP, PVI tăng 1,4% lên 35.800 đồng/CP, PVC tăng 2,9% lên 7.200 đồng/CP, PVB tăng 1,6% lên 18.800 đồng/CP, VCS tăng 2% lên 61.800 đồng/CP, SHS tăng 5,3% lên 11.900 đồng/CP, L14 tăng 6,7% lên 46.500 đồng/CP, CEO tăng 2,7% lên 11.400 đồng/CP, SHB tăng 1,4% lên 7.100 đồng/CP, ACB tăng 0,7% lên 28.700 đồng/CP, NVB tăng 2,47% lên 8.300 đồng/CP…
Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất gồm PVS khớp 3,77 triệu đơn vị, SHB khớp 2,19 triệu đơn vị, NVB khớp 1,78 triệu đơn vị, TIG khớp 1,55 triệu đơn vị và SHS khớp hơn 1,3 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu trong nhóm vừa và nhỏ trên sàn HNX cũng đua nhau tăng trần như HNM, MBG, PVL, NSH, PSI, FID, DC2, CMC…
Trên UPCoM, thị trường kém khởi sắc hơn so với 2 sàn niêm yết dù sắc xanh vẫn được giữ vững trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,18 điểm (+0,33%) lên 54,61 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 13 triệu đơn vị, giá trị 171,36 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,32 triệu đơn vị, giá trị 47,26 tỷ đồng.
Cổ phiếu FRM không có nhiều biến động khi vẫn giữ mức giá 11.000 đồng/CP và khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường, đạt 3,54 triệu đơn vị.
Trong khi đó, GVR nới rộng biên độ tăng cùng thanh khoản tăng vọt. Kết phiên, GVR tăng 10,7% lên mức cao nhất ngày 13.500 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 3,06 triệu đơn vị. Tiếp đó, VGI đạt khối lượng giao dịch hơn 1 triệu đơn vị và đóng cửa tại mức giá 28.100 đồng/CP, tăng 4,9%.