Sau phiên tăng vọt hôm qua (6/2), thị trường đã quay trở lại trạng thái phân hóa và giằng co. Nhiều cổ phiếu bluechip bị áp lực bán chốt lời gây áp lực chính lên thị trường khiến chỉ số VN-Index chưa vượt qua được thử thách 940 điểm trong phiên sáng cuối tuần 7/2.
Bước sang phiên chiều, tâm lý nhà đầu tư tiếp tục thận trọng hơn khiến thị trường giao dịch khá ảm đạm. Một số mã bluechip gia tăng sức ép đã đẩy VN-Index xuống gần mức đáy của phiên sáng.
Tuy nhiên, khi về gần vùng giá 935 điểm, lực cầu được kích hoạt giúp thị trường bật ngược đi lên. Về gần cuối phiên, VN-Index có chịu thêm một đợt rung lắc nhẹ nhưng cũng đã nhanh chóng hồi phục, lên mức cao nhất trong phiên chiều và chính thức chinh phục thành công mốc 940 điểm.
Đóng cửa, với 185 mã tăng và 161 mã giảm, VN-Index tăng 2,21 điểm (+0,24%) lên 940,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 194,17 triệu đơn vị, giá trị 4.091,53 tỷ đồng, giảm 13,19% về khối lượng và 3,57% về giá trị so với phiên 6/2. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 29,14 triệu đơn vị, giá trị 971,27 tỷ đồng.
Nhóm VN30 giao dịch phân hóa khi có 13 mã tăng và 13 mã giảm. Trong đó, bộ đôi lớn VNM và SAB vẫn là trụ đỡ chính của thị trường với VNM +2,63% lên 2.700 đồng/CP, SAB +2,51% lên 195.000 đồng/CP.
Thêm vào đó, VRE +3,4% lên 32.000 đồng/CP, NVL +2,1% lên 54.100 đồng/CP, BVH +2,4% lên 59.800 đồng/CP, VHM và GAS tiếp tục nhích bước; cặp đôi ROS và CTD bảo toàn sắc tím, trong đó ROS khớp lệnh 3,11 triệu đơn vị và dư mua trần gần 3,5 triệu đơn vị.
Ngoại trừ những điểm xanh le lói ở một số mã ngân hàng, phần lớn các cổ phiếu ngành này đều chịu áp lực bán ra và đảo chiều giảm. Đáng kể là BID -2,8% xuống 51.700 đồng/CP, CTG -3,1% xuống 26.900 đồng/CP, MBB -1,8% xuống 21.400 đồng/CP.
Đáng chú ý, sau những dự báo sẽ chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch 2019-nCoV, bộ đôi lớn ngành hàng không VJC-HVN đã hồi phục mạnh. Bên cạnh VJC tăng 2,9%, lên 131.200 đồng/CP, HVN cũng chấm dứt 6 phiên giảm mạnh khi tăng 6,1% lên mức cao nhất ngày 28.000 đồng/CP, cùng thanh khoản tiếp tục sôi động với 1,16 triệu đơn vị.
Trêm HNX, giao dịch không có nhiều biến động trong phiên chiều. Áp lực bán khá lớn khiến HNX-Index tiếp tục bị đẩy lùi và chia tay ngưỡng 105 điểm.
Đóng cửa, với 40 mã tăng và 30 mã giảm, HNX-Index giảm 0,92 điểm (-0,87%) xuống 104,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 30,78 triệu đơn vị, giá trị 326,21 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,7 triệu đơn vị, giá trị 22,68 tỷ đồng.
Dù thu hẹp biên độ nhưng cổ phiếu VCS vẫn giao dịch khởi sắc khi +6,4%, kết phiên tại mức giá 71.800 đồng/CP.
Trong khi đó, hầu hết các mã lớn khác đều gia tăng sức ép lên thị trường như ACB -0,8% xuống 23.800 đồng/CP, PVS -3% xuống mức thấp nhất 16.400 đồng/CP, NVB -2,17% xuống 9.000 đồng/CP, đáng kể SHB giảm sâu -6,6% xuống 7.100 đồng/CP.
Tuy nhiên, SHB vẫn là mà giao dịch sôi động nhất, đạt 10,89 triệu đơn vị. Tiếp theo đó vẫn là các mã NVB, PVS, ACB với khối lượng khớp 2-2,5 triệu đơn vị.
Trái lại, thị trường UPCoM sau biến động giằng co và rung lắc nhẹ đầu phiên và đã đảo chiều khởi sắc trong nửa cuối phiên chiều.
Đóng cửa, với 41 mã tăng và 24 mã giảm, UPCOM-Index tăng 0,15 điểm (+0,27%) lên 55,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 8,85 triệu đơn vị, giá trị 96,41 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,16 triệu đơn vị, giá trị 58,38 tỷ đồng.
Một số mã lớn hồi phục, là lực đỡ chính giúp thị trường khởi sắc trở lại như LPB +1,4% lên 7.200 đồng/CP, VGI +1,9% lên 25.600 đồng/CP, GVR +2% lên 10.900 đồng/CP, BCM +1,5% lên 26.900 đồng/CP…
Trong đó, LPB vẫn dẫn đầu thanh khoản với gần 1,5 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công. Đứng ở vị trí thứ 2, BSR đạt khối lượng giao dịch 1,14 triệu đơn vị nhưng vẫn giữ giá 7.600 đồng/CP, giảm 1,3%.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều giảm, trong đó hợp đồng có ngày đáo hạn gần nhất là VN30F2002 đáo hạn ngày 20/2 có thanh khoản mạnh nhất với 125.635 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 16.120 đơn vị, đóng cửa giảm 0,41% xuống 857 điểm.
Trên thị trường chứng quyền, ngoại trừ 20 mã giảm, 24 mã tăng và 4 mã đứng giá. Trong đó, mã CHPG1909 tiếp tục có thanh khoản tốt nhất với 43.879 đơn vị, nhưng đã đảo chiều giảm 14,97% và đóng cửa tại mức giá 1.250 đồng/CQ.