Sau diễn biến thị trường đi ngược với sự nhận định của hầu hết các công ty chứng khoán và không đạt như kỳ vọng của giới phân tích trong tuần đầu tiên của tháng 10 khi chỉ số VN-Index quay đầu điều chỉnh và chưa thể tiếp cận ngưỡng kháng cự tâm lý mạnh 1.000 điểm, tâm lý nhà đầu tư càng trở nên thận trọng hơn khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới 7/10.
Dòng tiền suy yếu cùng sự phân hóa của nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường thiếu động lực để đi lên. Sau khi thử thách lại mốc 990 điểm, chỉ số VN-Index dần thoái lui và trở lại trạng thái giằng co trong biên hộ hẹp rồi chốt phiên sáng tại mốc tham chiếu.
Bước sang phiên giao dịch chiều, sau gần 30 phút giao dịch nỗ lực hồi xanh, thị trường quay đầu điều chỉnh. Áp lực bán ngày càng dâng cao và lan rộng khiến sắc đỏ ngày càng chiếm áp đảo. Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip tiếp tục gia tăng sức ép đã đẩy VN-Index xuống mức thấp nhất ngày khi kết phiên và lùi về dưới ngưỡng 985 điểm.
Đóng cửa, với 124 mã tăng và 182 mã giảm, VN-Index giảm 4,5 điểm (-0,46%), xuống 983,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 181,62 triệu đơn vị, giá trị 4.050,38 tỷ đồng, giảm 11,4% về khối lượng và giảm 8,68% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (4/10). Giao dịch thỏa thuận đóng góp 31,21 triệu đơn vị, giá trị 950,98 tỷ đồng.
Nếu trong phiên sáng, VCB là điểm sáng của nhóm cổ phiếu bluechip khi tiếp tục giữ đà tăng và xác lập mức đỉnh mới thì sang phiên chiều, áp lực bán gia tăng khiến cổ phiếu này đảo chiều lùi về dưới mốc tham chiếu. Kết phiên, VCB giảm nhẹ 0,2% xuống 82.800 đồng/CP.
Các mã khác trong dòng bank cũng hầu hết đều nới rộng biên độ như TCB giảm 1,9% xuống mức thấp nhất ngày 23.150 đồng/CP, MBB giảm 1,1% xuống 22.400 đồng/CP, VPB giảm 2,5% xuống 21.750 đồng/CP… Ngoại trừ STB hồi phục thành công với mức tăng gần 1%, đứng tại mức giá 10.500 đồng/CP.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn dóng góp tích cực vào thanh khoản thị trường với VPB khớp 6,79 triệu đơn vị, MBB khớp 5,13 triệu đơn vị, STB và TCB cùng khớp gần 3 triệu đơn vị, CTG, HDB, VCB cũng đều khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhiều mã vốn hóa lớn khác cũng nới rộng biên độ như MSN giảm 1,2% xuống mức giá thấp nhất ngày 76.500 đồng/CP, VIC giảm 0,8% xuống 117.000 đồng/CP, VRE giảm 1,3% xuống 31.500 đồng/CP, VHM, BID, CTG điều chỉnh nhẹ; trong khi VNM, SAB, GAS vẫn giữ mức tăng nhẹ trên dưới 0,5%.
Mặc dù trong gần suốt cả phiên, ROS đều giao dịch trong sắc đỏ nhưng cổ phiếu này đã kịp lấy lại mốc tham chiếu trước khi kết phiên, đứng tại mức giá 26.000 đồng/CP. Thanh khoản ROS vẫn dẫn đầu thị trường với hơn 25 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Nhóm cổ phiếu thị trường cũng diễn biến phân hóa, trong khi FLC, DXG, SCR, ITA… tiếp tục điều chỉnh, thì ASM, HQC, DIG… vẫn duy trì đà tăng. Trong đó, JVC, TGG thiết lập lại sắc tím với lượng dư mua trần trên dưới 0,7 triệu đơn vị, trong khi bên bán vắng bóng.
FTM có phiên tăng trần thứ 7 liên tiếp, kết phiên tại mức giá 4.440 đồng với thanh khoản không nhiều thay đổi so với phiên sáng khi có hơn 0,5 triệu đơn vị được khớp lệnh và dư mua giá trần gần 1,3 triệu đơn vị.
Tương tự, sàn HNX cũng cắm đầu đi xuống trước áp lực bán dâng cao.
Đóng cửa, sàn HNX có 26 mã tăng và 43 mã giảm, HNX-Index giảm 1,44 điểm (-1,36%), xuống 103,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 19,59 triệu đơn vị, giá trị 342,52 tỷ đồng, giảm 7,24% về lượng nhưng tăng 19,52% về giá trị so với phiên trước đó. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,63 triệu đơn vị, giá trị 101,46 tỷ đồng.
Ngoại trừ PHP vẫn giữ được mức tăng của phiên sáng, còn lại các mã vốn hóa lớn đều lùi sâu hơn, là tác nhân chính khiến thị trường nới rộng biên độ giảm.
Điển hình, VCS sau khi lập đỉnh của năm vào giữa tuần trước, tại mức giá 108.500 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 2/10) đã quay đầu giảm tới 10% và kết phiên tại mức giá sàn 95.500 đồng/CP; nhiều mã trụ cột khác cũng tìm tới mức giá thấp nhất ngày như ACB giảm 1,7% xuống 23.200 đồng/CP, PVS giảm 1,6% xuống 18.600 đồng/CP, PVI giảm 2,7% xuống 32.700 đồng/CP, DGC giảm 1,8% xuống 26.800 đồng/CP…
Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HNX gồm ACB khớp 1,93 triệu đơn vị, SHB khớp 1,86 triệu đơn vị, PVS khớp 1,85 triệu đơn vị, KLF khớp 1,44 triệu đơn vị và VCS khớp 1,2 triệu đơn vị. Còn lại các mã đều khớp chưa tới 1 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, diễn biến khá rung lắc nhưng cũng không thoát khỏi phiên giảm điểm trước lực cung giá thấp dâng cao.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,14%), xuống 56,85 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 6,86 triệu đơn vị, giá trị 111,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 897.440 đơn vị, giá trị 29,64 tỷ đồng.
Cũng như hầu hết các mã trong nhóm ngân hàng, VIB giao dịch thiếu tích cực trong phiên chiều khi tiếp tục nới rộng biên độ với mức giảm 3,8% và kết phiên tại mức giá 17.900 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 1,52 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.
Trong khi đó, BSR hồi phục nhẹ với mức tăng 1,1% lên 9.300 đồng/CP và đứng thứ 2 về thanh khoản với khối lượng giao dịch đạt 1,14 triệu đơn vị.
Các mã lớn khác như GVR, VGI, ACV, MSR… cũng đều suy giảm.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai cũng theo chân thị trường cơ sở khi kết phiên đều giảm, trong đó, hợp đồng VN30F1910 vẫn mua bán mạnh nhất, với 68.447 đơn vị được sang tay, giảm gần 0,7% xuống 918,6 điểm.
Trên thị trường chứng quyền, có 2 mã tăng, 1 mã đứng giá và 17 mã giảm. Trong đó, CVNM1901 tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp lệnh đạt 65.817 đơn vị, đóng cửa giảm 1,39% xuống 710 đồng/CQ.