Tiếp đà hồi phục của phiên sáng, thị trường khởi sắc hơn trong phiên chiều nhờ dòng tiền mạnh dạn hơn, trong đó, một số cổ phiếu ngân hàng lớn trong phiên sáng vẫn là động lực chính nâng đỡ, và đặc biệt góp sức là màn thể hiện của ROS đã đưa VN-Index có thời điểm chạm gần 960 điểm, trước khi chịu áp lực đôi chút vào những phút cuối phiên.
Đóng cửa, sàn HOSE có 169 mã tăng và 161 mã giảm, VN-Index tăng 3,09 điểm (+0,32%), lên 958,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 181,62 triệu đơn vị, giá trị 3.664,7 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% về khối lượng nhưng tăng 7% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 51,3 triệu đơn vị, giá trị 1.574,4 tỷ đồng.
Rổ VN30 tích cực hơn phiên sáng với 21 mã tăng và chỉ 9 mã giảm, trong đó, một số mã ngân hàng là điểm tựa chính với các đầu tàu BID +2% lên 46.700 đồng; CTG +1,6% lên 21.700 đồng; VPB +2% lên 20.350 đồng, trong khi VCB đảo chiều tăng nhẹ 0,3% lên 87.800 đồng, STB +1% lên 10.150 đồng, các mã TCB, MBB nhích nhẹ, và chỉ còn HDB, TPB giảm điểm.
Ngoài ra, một số bluechip hoạt động tốt hỗ trợ thêm như FPT +1,9% lên 58.100 đồng; PNJ +1,3% lên 86.900 đồng; VNM +0,94% lên 118.500 đồng; NVL +0,9% lên 56.300 đồng, còn các mã lớn như VIC, VHM, SAB, MSN, VRE cũng đóng cửa trong sắc xanh.
Đặc biệt đáng kể phải là ROS, khi tăng hết biên độ +6,7% lên 15.050 đồng, chấp dứt chuỗi 8 phiên giảm liên tiếp, trong đó có 6 phiên giảm sàn, khớp lệnh hôm nay vẫn dẫn đầu cả nhóm và toàn sàn với hơn 13,52 triệu đơn vị và dư mua giá trần tới hơn 30,76 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu giảm chỉ còn PLX -1,4% xuống 56.500 đồng; HPG -1,3% xuống 23.700 đồng; HDB -1,1% xuống 26.700 đồng; CTD -2,1% xuống 51.500 đồng; GMD -1,6% xuống 21.900 đồng…
Trong số kể trên, ngoài ROS thì HPG khớp lệnh tốt nhất với hơn 4,87 triệu đơn vị; CTG có hơn 4,1 triệu đơn vị; MBB có 2,68 triệu đơn vị. Nhóm VCB, TCB, SBT, VPB, STB có từ 1 triệu đến 2,1 triệu đơn vị.
Nhóm thị trường, nhờ ảnh hưởng của ROS mà các mã trong họ FLC cũng đồng loạt tăng mạnh như FLC +3% lên 4.460 đồng; AMD +5,5% lên 2.110 đồng; HAI +6,5% lên 3.090 đồng. Trong đó, FLC khớp hơn 7 triệu đơn vị; AMD khớp 1,89 triệu đơn vị; HAI khớp 3,71 triệu đơn vị.
GAB có thanh khoản thấp hơn với chỉ hơn 100.000 đơn vị khớp lệnh, nhưng tăng mạnh lên mức giá trần +6,8% lên 21.150 đồng, mức đỉnh lịch sử mới nhờ 12/13 phiên gần nhất đều tăng hết biên độ.
DLG thanh khoản chỉ đứng sau ROS trên bảng điện tử với 12,11 triệu đơn vị, và giữ sắc tím tại 2.350 đồng.
Trái lại, một số giảm xuống mức giá sàn như HAR, BCG, TNA, VCR, TNA, LMH. Trong đó, VCR và LMH vẫn “đói” thanh khoản và tiếp tục trạng thái dư mua sàn, lần lượt 3,53 triệu và 1,72 triệu đơn vị.
Một số cổ phiếu thu hút nhà đầu tư như PDR, khi bị xả khá mạnh, giảm về mức giá sàn tại 23.900 đồng, khớp hơn 2,22 triệu đơn vị; DPG -4,3% xuống 36.00 đồng; DCL -4,4% xuống 26.300 đồng…hay TCM, tăng kịch trần +6,9% lên 20.950 đồng; VHC +4,1% lên 40.600 đồng; KSB +5,4% lên 16.500 đồng.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tiếp tục rung lắc quanh tham chiếu sau giờ nghỉ trưa, nhưng với nhip tăng khá dứt khoát về cuối phiên đã đưa chỉ số bứt hẳn lên.
Đóng góp lớn và chủ yếu là PVI +3,9% lên 32.300 đồng; VCS +2% lên 66.800 đồng; DGC +2,1% lên 24.300 đồng; TNG +5,2% lên 16.100 đồng.
Trong khi đó, giảm điểm khá nhiều với PVS -1,1% xuống 18.800 đồng; VCG -0,4% xuống 18.800 đồng; IDC -1,6% xuống 17.800 đồng; NVB -1,1% xuống 9.100 đồng; MBS -1,4% xuống 14.500 đồng; AMV -2,9% xuống 23.400 đồng.
Nhiều mã lớn nhỏ đứng tham chiếu có ACB, SHB, CEO, SHS, VC3, TAR, GKM, BII, MST, TIG, HUT…
2 mã cổ phiếu liên quan đến FLC, hoặc lãnh đạo FLC đã tăng vọt nhờ hiệu ứng chung là FKL và ART đã tăng kịch trần lên 1.600 đồng và 2.600 đồng.
Thanh khoản sàn HNX cao nhất là PVS với hơn 2,17 triệu đơn vị khớp lệnh; KLF có 1,95 triệu đơn vị; SHB có gần 1,9 triệu đơn vị; NVB có 1,6 triệu đơn vị; TNG có 1,3 triệu đơn vị; ART có 1,18 triệu đơn vị.
Đóng cửa, sàn HNX có 27 mã tăng và 33 mã giảm, HNX-Index tăng 0,18 điểm (+0,18%), lên 101,42 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19,28 triệu đơn vị, giá trị 205,28 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,97 triệu đơn vị, giá trị gần 70 tỷ đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index chớm xanh trong những phút đầu phiên chiều, nhưng áp lực bán tại nhiều cổ phiếu lớn, thanh khoản cao đã đẩy chỉ số đóng cửa giảm điểm.
Theo đó, hàng loạt mã mang sắc đỏ như BSR, GVR, LPB, VGI, VIB, CTR, VTD, QNS, DVN, NTC, VEA…
Trong khi tăng điểm có HTM, MPC, EVF và G36, cùng các mã tí hon CDO, PPI, HVG tăng trần.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,21%), xuống 55,75 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5 triệu đơn vị, giá trị 65,26 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,1 triệu đơn vị, giá trị 5,86 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lại đều đảo chiều tăng giá thành công, trong đó, VN30F2001 đáo hạn gần nhất có gần 84.000 đơn vị khớp lệnh, khối lượng mở hơn 15.000 hợp đồng, tăng 0,34% lên 875 điểm.
Thị trường chứng quyền phân hóa, với 18 mã tăng, 16 mã giảm và 7 mã đứng tham chiếu. Trong đó, thanh khoản tốt nhất thuộc về CSTB1901 với khối lượng giao dịch hơn 566.000 đơn vị, đứng tham chiếu tại 100 đồng/cq.