Áp lực bán đã được gia tăng mạnh hơn trong phiên giao dịch chiều nay, nhất là trong nửa cuối phiên khiến đà tăng của thị trường chững lại.
So với HNX, độ rộng tăng giá của HOSE kém tích cực hơn hẳn. Tuy nhiên, với lực đỡ tốt từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, VN-Index vẫn trụ vững trên mốc 605 điểm, trong khi HNX lại không có được may mắn này nên lùi nhẹ qua tham chiếu.
Tại thời điểm thị trường chùng xuống, cầu bắt đáy cũng đã thể hiện khá tốt, nhất là trên sàn HNX, giúp thanh khoản sàn này có sự cải thiện rõ rệt.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 6/5, VN-Index tăng 5,01 điểm (+0,83%) lên 606,52 điểm với 96 mã tăng và 124 mã giảm. Chỉ số VN30-Index tăng 2,86 điểm (+0,47%) lên 607,55 điểm với 12 mã tăng và 10 mã giảm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 120,4 triệu đơn vị, giá trị 2.158,28 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,1 triệu đơn vị, giá trị 147,36 tỷ đồng. Trong đó, 2 mã ITA và AMD vẫn là 2 mã được thỏa thuận mạnh nhất: ITA được thỏa thuận 3,125 triệu đơn vị, giá trị 15 tỷ đồng và AMD là hơn 1,14 triệu đơn vị, giá trị gần 14,8 tỷ đồng.
Ngược lại, với 92 mã tăng và 110 mã giảm, HNX-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%) về 80,44 điểm. Chỉ số HNX30-Index giảm 0,19 điểm (-0,14%) về 142,37 điểm với 13 mã tăng và 9 mã giảm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 47,49 triệu đơn vị, giá trị 599,21 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với hơn 5,6 triệu đơn vị, giá trị 120,15 tỷ đồng. Đáng chú ý ngoài thỏa thuận của 1,2 triệu cổ phiếu VC3, giá trị 39,6 tỷ đồng, còn có thỏa thuận của hơn 1,11 triệu cổ phiếu BED, giá trị 46,95 tỷ đồng và 1,55 triệu cổ phiếu CTC, giá trị 18 tỷ đồng.
Trước áp lực bán gia tăng, các “ông lớn” ngân hàng như BID, VCB, CTG tiếp tục thể hiện sức mạnh.
VCB giữ vững mức tăng mạnh 1.500 đồng lên 48.600 đồng/CP và khớp 1,52 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua vào hơn 0,7 triệu đơn vị.
BID tăng 400 đồng lên 18.100 đồng/CP, song vẫn giữ được mức thanh khoản cao với 4,36 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua vào hơn 0,8 triệu đơn vị.
CTG tăng 600 đồng lên 17.300 đồng/CP và khớp 3,57 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua vào tới 1,34 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, MBB mới là mã gây chú ý với sức cầu mạnh mẽ từ khối ngoại. Khác với sự chậm chạp trong phiên sáng, sự đột biến từ khối ngoại đã giúp MBB quay đầu tăng 200 đồng lên 15.300 đồng/CP và khớp 2,2 triệu đơn vị, riêng khối ngoại mua vào gần 1,96 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, VIC và MSN cũng tăng tốt, trong đó MSN tăng 1.500 đồng lên 72.500 đồng/CP và khớp 1,01 triệu đơn vị.
Trong khi HSG gia tăng sức mạnh khi tăng 800 đồng lên 50.000 đồng/CP và khớp 1,42 triệu đơn vị, thì HPG lại giảm mạnh 1.000 đồng xuống 34.000 đồng/CP và khớp 4,09 triệu đơn vị. Tuong tự, các cổ phiếu thép khác như TLH, VIS, VGS… cũng đều nới rộng đà giảm, trong đó TLH giảm 300 đồng xuống 10.500 đồng/CP và khớp 2,45 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một số mã như FLC, HQC, KSA, TSC, HQC, BGM là có giao dịch trội hơn so với phần còn lại, song không mấy tích cực về điểm số.
FLC giảm 100 đồng xuống 6.600 đồng/CP và khớp 5,5 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên HOSE.
HAG và HNG vẫn giữ nguyên mức tăng tối thiểu, song thanh khoản ít cải thiện, đều chỉ hơn 1 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn khá ổn định và là lực đỡ chính giúp HNX-Index không lùi sâu. Tuy nhiên, thanh khoản khá yếu. Chỉ PVT là khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị, nhưng giảm 300 đồng về 11.100 đồng/CP.
Đáng chú ý, sau khi vụt sáng với mức trần ở phiên sáng, thì DCS đã bị mất thanh khoản trong phiên chiều, khiến mã này quay trở về mốc tham chiếu và tổng khớp là 3,83 triệu đơn vị, vẫn dẫn đầu trên HNX.
SHB đã giảm nhẹ 1 bước giá xuống 6.400 đồng/CP và khớp 3,07 triệu đơn vị.