Thị trường đang trong giai đoạn vận động tìm lại xu hướng sau 2 phiên điều chỉnh nhẹ tuần đầu tiên của tháng 5, sau kỳ nghỉ lễ dài ngày. Tuy nhiên, ngay trước khi bước vào phiên giao dịch mới (ngày 6/5), thông tin không mấy tích cực từ tình hình thế giới đã tác động mạnh tới diễn biến chứng khoán quốc tế nói chung và thị trường trong nước nói riêng.
Bên cạnh chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ, áp lực bán ồ ạt cũng diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam ngay khi mở cửa phiên sáng. Số mã giảm chiếm áp đảo, gấp 4-5 lần số mã tăng, cùng gánh nặng chính đến từ nhóm cổ phiếu bluechip và vốn hóa đã đẩy các chỉ số chính giảm sâu. Mặc dù về cuối phiên, VN-Index thu hẹp đà giảm chút ít và lấy lại mốc 960 điểm nhưng rủi ro vẫn tiềm ẩn khi lực bán vẫn diễn ra khá mạnh.
Bước sang phiên chiều, thị trường không đón nhận thêm thông tin hỗ trợ tích cực nào. Lực bán vẫn dâng cao và lan rộng bảng điện tử khiến thị trường vẫn chìm trong biển đỏ. Sau gần 1 giờ giao dịch, chỉ số VN-Index đe dọa mốc 955 điểm, trong khi HNX-Index đe dọa mốc 105 điểm.
Mặc dù kịch bản cũng khá giống phiên sáng khi ngay lập tức lực cầu hấp thụ gia tăng đã giúp thị trường bật ngược đi lên. Tuy nhiên, dòng tiền khá yếu khiến VN-Index không đủ sức để dành lại được mốc 960 điểm như chốt phiên sáng.
Đóng cửa, trên sàn HOSE, sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo với 240 mã giảm và chỉ 85 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 16,17 điểm (-1,66%) xuống 957,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 155,65 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.273 tỷ đồng, tăng 4,77% về lượng nhưng giảm nhẹ 1,1% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đạt 22,14 triệu đơn vị, giá trị 493,74 tỷ đồng.
Trong khi đó, sàn HNX vẫn diễn biến tiêu cực nhưng may mắn giữ được mốc 105 điểm.
Cụ thể, HNX-Index giảm 1,46 điểm (-1,36%) xuống 105,42 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 40,55 triệu đơn vị, giá trị 417,68 tỷ đồng, tăng 55,96% về lượng và 64,53% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đạt 3,58 triệu đơn vị, giá trị 71,39 tỷ đồng.
Trong nhóm VN30, chỉ có 2 mã duy nhất giữ được sắc xanh là CII tăng 2,17% lên 23.500 đồng/CP và DHG tăng gần 1% lên 117.800 đồng/CP, còn lại đều giao dịch dưới mốc tham chiếu.
Đáng kể một số mã giảm khá mạnh tác động tới chỉ số như VHM giảm 1,55% xuống 89.000 đồng/CP, GAS giảm 4,1% xuống 107.900 đồng/CP, VNM giảm 1,5% xuống 129.100 đồng/CP, MSN giảm 1,8% xuống 87.000 đồng/CP, VRE giảm 2,5% xuống 35.200 đồng/CP…
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường là ngân hàng cũng gia tăng gánh nặng với TCB giảm 2,9% xuống 23.300 đồng/CP, BID giảm 3,2% xuống 33.100 đồng/CP, CTG giảm 2,2% xuống 20.450 đồng/CP, VCB giảm 0,6% xuống 66.300 đồng/CP, STB giảm 2,4% xuống 12.050 đồng/CP, VPB giảm 2,6% xuống 18.450 đồng/CP, MBB giảm 2,7% xuống 21.500 đồng/CP, HDB giảm 2,5% xuống 27.300 đồng/CP.
Cổ phiếu BVH đã thoát khỏi sắc xanh mắt mèo nhưng vẫn giảm khá sâu gần 5% và đóng cửa tại mức giá 72.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 1,98 triệu đơn vị.
Trong khi đó, mặc dù lực cầu tăng mạnh nhưng ROS vẫn chưa thoát khỏi phiên điều chỉnh nhẹ thứ 6 liên tiếp, với mức giảm 0,3% xuống 30.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 9,6 triệu đơn vị, vươn lên vị trí dẫn đầu về thanh khoản trên sàn HOSE.
Đứng ở vị trí thứ 2 là FLC với khối lượng khớp 8,67 triệu đơn vị và tiếp tục lùi sâu hơn dưới mốc tham chiếu do lực bán gia tăng khi kết phiên giảm 2,9% xuống mức 4.650 đồng/CP.
Trong nhóm cổ phiếu thị trường, DXG bất ngờ giảm sàn sau khi Tập đoàn Đất Xanh thông qua việc triển khai phát hành gần 77 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 22%; phát hành 6 triệu cổ phiếu EESOP và chào bán hơn 87 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 4:1, giá phát hành 10.000 đồng/CP. Đóng cửa, DXG giảm 6,8% xuống mức giá sàn 19.150 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh 2,47 triệu đơn vị.
Ngoài ra, một số mã vừa và nhỏ khác cũng kết phiên nằm sàn như HAR, HVG, VHG… Trong đó, HVG xác lập phiên giảm sàn thứ 7 liên tiếp về mức giá 4.500 đồng/CP với khối lượng dư bán sàn 4,56 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, các mã lớn đóng vai trò là là tác nhân chính đẩy thị trường đi xuống như ACB giảm 2% xuống 29.400 đồng/CP, SHB giảm 1,4% xuống 7.300 đồng/CP, PVS giảm 4,7% xuống 22.500 đồng/CP, PVI giảm 2,7% xuống 39.900 đồng/CP, VCG giảm 2,9% xuống 26.500 đồng/CP, VCS giảm 1,4% xuống 62.500 đồng/CP…
Trong đó, SHB có thanh khoản vượt trội đạt hơn 8,4 triệu đơn vị, tiếp theo đó là PVS có khối lượng khớp lệnh hơn 3,7 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, cổ phiếu OCH những tưởng tiếp tục duy trì sắc xanh mắt mèo nhưng lực cầu gia tăng mạnh trong phiên chiều, đặc biệt trong nửa cuối phiên đã giúp cổ phiếu tăng thẳng đứng. Đóng cửa, OCH tăng 9,2% lên mức giá trần 7.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 3,1 triệu đơn vị.
Điểm sáng trong phiên hôm nay chính là nhóm cổ phiếu dệt may khi có khá nhiều thành viên đã lội ngược dòng thành công như GMC tăng 1,9% lên 42.800 đồng/CP, TCM tăng 3,4% lên 29.000 đồng/CP, KMR tăng 5,5% lên mức giá trần 2.900 đồng/CP, TNG tăng 2,4% lên 21.000 đồng/CP, ADS tăng 0,3% lên 14.400 đồng/CP, HDM tăng 2,6% lên 23.800 đồng/CP, VGG tăng 1,5% lên 61.900 đồng/CP.
Trên UPCoM, thị trường vẫn cắm đầu đi xuống.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,49 điểm (-0,88%) xuống 55,28 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 10,84 triệu đơn vị, giá trị 167,59 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 663.797 đơn vị, giá trị 17,17 tỷ đồng.
Trong đó, ACV tiếp tục nới rộng đà giảm 2,2% xuống mức 81.900 đồng/CP, VEA giảm 2,9% xuống 46.800 đồng/CP, VGI giảm 3,1% xuống 21.900 đồng/CP, GVR giảm 2,7% xuống 10.700 đồng/CP, MSR giảm 4,3% xuống 18.000 đồng/CP, VGT giảm 1,7% xuống 11.300 đồng/CP…
LPB và BSR vẫn là cặp đôi dẫn đầu thanh khoản thị trường, trong đó LPB đạt 2,42 triệu đơn vị và đóng cửa tại mức giá 8.200 đồng/CP, giảm 5,7%; BSR đạt khối lượng giao dịch 2,34 triệu đơn vị và đóng cửa tại mức giá 13.300 đồng/CP, giảm 3,6%.