Bên cạnh những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 như Bộ lao động Mỹ công bố lĩnh vực phi nông nghiệp giảm tới 701.000 việc làm, đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 2 tuần qua lên tới mức kỷ lục9 ,96 triệu đơn… khiến thị trường quốc tế giảm mạnh, bất chấp phía trước là những dói kích cầu lớn.
Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, những thông tin tích cực khi 2 ngày cuối tuần qua, số ca nhiễm COVID-19 đã giảm mạnh, đặc biệt liên tiếp trong 2 buổi sáng 5-6/4 đều không ghi nhận bệnh nhân mới, đã hỗ trợ tốt cho tâm lý nhà đầu tư trong nước sau 2 phiên giao dịch tăng đầu tháng 4 vào cuối tuần trước.
Dòng tiền tham gia mạnh dạn hơn giúp sắc xanh lan tỏa, trong đó nhóm bluechip vẫn là điểm tựa chính kéo thị trường đi lên. Chỉ số VN-Index tăng vọt ngay từ đầu phiên và chốt phiên sáng tăng hơn 25 điểm, vượt mốc 725 điểm.
Tâm lý hưng phấn tiếp tục tiếp tục dâng cao trong phiên chiều giúp thị trường nới rộng biên độ tăng. Trong đó, lực cầu chảy mạnh vào nhóm bluechip đã kéo hàng loạt mã tăng trần. Đây cũng là động lực chính đưa VN-Index lên mức cao nhất của ngày, tăng gần 35 điểm.
Chốt phiên, VN-Index tăng 34,95 điểm (+4,98%), lên 736,75 điểm với 330 mã tăng (95 mã tăng trần) và 59 mã giảm (14 mã giảm sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 334,9 triệu đơn vị, giá trị 4.649,49 tỷ đồng, tăng 43,73% về lượng và 32,75% về giá trị so với phiên 3/4. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 29,94 triệu đơn vị, giá trị 862,86 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chỉ còn duy nhất VJC đứng giá tham chiếu, còn lại đồng loạt đều tăng, trong đó có tới 18/30 mã khoác áo tím và đều dư mua trần khá lớn. Điển hình là các mã lớn như VHM, VIC, BID, CTG, TCB, MSN, BVH, HPG…
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sau nhịp đuối sức trong phiên sáng, cặp nhà FLC là ROS và FLC đều lập lại sắc tím nhờ lực cầu tăng mạnh. Kết phiên, ROS đứng tại mức giá 3.980 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt gần 36 triệu đơn vị và dư mua trần tới hơn 10,3 triệu đơn vị.
Tương tự, FLC cũng đứng tại mức giá trần 3.020 đồng/CP và khớp 14,24 triệu đơn vị cùng lượng dư mua trần chất đống tới hơn 21 triệu đơn vị trong khi bên bán trắng sàn.
Ngoài ra, hàng loạt mã quen thuộc khác như HAG, LDG, DXG, HHS, DRH… cũng kết phiên trong sắc tím.
Trong khi đó, HAI sau 2 phiên tăng trần đã quay lại sắc xanh mắt mèo trước áp lực chốt lời mạnh. Kết phiên, HAI -6,8% xuống 2.750 đồng/Cp và khớp 13,64 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sau khi xác lập lại mốc 100 điểm, HNX-Index tiếp tục nới rộng khoảng cách trong phiên chiều.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 5,41 điểm (+5,53%), lên 103,26 điểm với 127 mã tăng (38 tăng trần) và 46 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 64,24 triệu đơn vị, giá trị 620 tỷ đồng, tăng 21,41% về khối lượng và 28,63% về giá trị so với phiên 3/4. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 3 triệu đơn vị, giá trị 45,63 tỷ đồng.
Bên cạnh các cổ phiếu trên HOSE như PVD, PVT tăng trần hay GAS, PLX tăng trần, nhiều mã họ P trên sàn HNX cũng duy trì sóng cao với các mã PVS, PVB, PVC bảo toàn sắc tím, trong đó PVS khớp 6,76 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1,5 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu SHB cũng gia nhập cánh đồng tím nhờ lực cầu tăng vọt và là mã có khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn HNX, đạt hơn 9 triệu đơn vị; ACB+7,9% lên 20.600 đồng/CP và khớp 5,75 triệu đơn vị, còn NVB +2,4% lên 8.400 đồng/CP và khớp 1,24 triệu đơn vị.
Ngoài ra, nhiều bluechip khác cũng tăng khá tốt như PVI +2,7% lên 30.500 đồng/CP, CEO +8,1% lên 6.700 đồng/CP, VCS +3,8% lên 59.500 đồng/CP, DGC +7,5% lên 21.400 đồng/CP…
Trên thị trường UPCoM, chỉ số UPCoM-Index cũng nới rộng biên độ tăng.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 1,2 điểm (+2,43%), lên 50,33 điểm với 128 mã tăng và 55 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,17 triệu đơn vị, giá trị 386 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,37 triệu đơn vị, giá trị 161,33 tỷ đồng.
Các mã lớn tăng khá tốt, là trụ đỡ dẫn dắt đà tăng của thị trường như BSR +10,9% lên 6.100 đồng/CP, VGI +8,25% lên 22.300 đồng/CP, ACV +8,5% lên 48.500 đồng/CP, VEA +1,745% lên 29.200 đồng/CP, VIB +8,33% lên 14.300 đồng/CP, LPB +5,93% lên 6.500 đồng/CP…
Trong đó, BSR dẫn đầu thanh khoản với 4,76 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công; tiếp theo là LPB khớp hơn 4 triệu đơn vị và VIB khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ cố VN30-Index cũng đều tăng trần, trong đó hợp đồng có thời gian đáo hạn gần nhất là VN30F2004 (đáo hạn ngày 16/4) tăng 6,99% lên 656,8 điểm với 123.780 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 19.359 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, có 13 mã đứng giá và 6 mã giảm, còn lại đều tăng, trong đó mã có thanh khoản tốt nhất vẫn là CROS2001 với 80.591 đơn vị được chuyển nhượng, đóng cửa đứng tại mức tham chiếu 80 đồng.