Trong phiên giao dịch sáng, mặc dù nhóm cổ phiếu dầu khí đã trở lại với vai trò dẫn dắt thị trường, nhưng VN-Index đã chịu rung lắc rất mạnh trước sự thiếu đồng thuận của các mã lớn, nhất là từ các mã trụ như MSN, VIC và GAS.
Tuy nhiên, VN-Index vẫn có được sắc xanh khi dòng tiền vẫn chảy mạnh vào thị trường, lực mua đỡ giá từ GAS giúp mã này về đến tham chiếu, nên chỉ số bớt đi một gánh nặng.
Ở phiên giao dịch chiều, cho dù vẫn nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ nhóm đầu “P”, nhưng trước áp lực bán gia tăng mạnh trong đợt ATC và nhất là khi trụ GAS không còn được nâng đỡ, đã khiến VN-Index rơi tự do và tuột mất mốc 640 điểm.
Đóng cửa phiên cuối tuần 5/9, VN-Index giảm 1,57 điểm (-0,25%) xuống mức 638,65 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 161,9 triệu đơn vị, trị giá 3.095,06 tỷ đồng. Toàn sàn có 145 mã tăng, 70 mã giảm và 88 mã đứng giá. Chỉ số VN30-Index giảm 0,97 điểm (-0,14%) xuống 677,62 điểm với 14 mã tăng, 8 mã giảm và 8 mã đứng giá.
Giao dịch thỏa thuận trên HOSE phiên chiều nay đáng chú ý có thêm 1,37 triệu cổ phiếu VIC được thỏa thuận, giá trị trên 77 tỷ đồng và 1,3 triệu cổ phiếu TMS giá trị hơn 50 tỷ đồng, nâng tổng lượng cổ phiếu được thỏa thuận trong cả phiên lên 23,27 triệu đơn vị, trị giá 657,61 tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX-Index lại nới rộng đà tăng lên 1,04 điểm (+1,19%) đạt mức 88,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 76 triệu đơn vị, trị giá 944 tỷ đồng. Toàn sàn có 133 mã tăng, 85 mã giảm và 142 mã đứng giá. Chỉ số HNX30-Index tăng 2,66 điểm (+1,47%) lên 183,13 điểm với 19 mã tăng, 4 mã giảm và 7 mã đứng giá.
Giao dịch thỏa thuận trên HNX phiên chiều nay đáng chú ý có thêm 488.000 cổ phiếu DNM được thỏa thuận giá trị 15,377 tỷ đồng, nâng tổng lượng cổ phiếu được thỏa thuận trong cả phiên lên 4,74 triệu đơn vị, trị giá 54,64 tỷ đồng.
Phiên chiều nay, dù trên sàn HOSE sắc xanh chiếm đa số, nhưng việc GAS giảm mạnh 2.000 đồng xuống 123.000 đồng/cổ phiếu, đã góp phần đè VN-Index giảm sâu hơn.
Ngoài ra, các trụ đỡ khác như MSN và VIC cũng giảm điểm. VIC bất chấp việc khối ngoại tiếp tục mua vào lớn và khả năng được gom thêm khi quỹ FTSE thực hiện tái cân bằng danh mục vẫn giảm sâu 2.000 đồng (-1,74%) xuống còn 55.500 đồng/cổ phiếu và được giao dịch số lượng lớn với trên 5 triệu đơn vị khớp lệnh và 1,37 triệu đơn vị thỏa thuận.
MSN vẫn giữ nguyên mức giảm 1.000 đồng xuống 84.000 đồng/cổ phiếu, còn VNM thì giậm chân tại tham chiếu.
Trong khi đó, các mã lớn khác như FPT, VCB, STB, SSI, BVH, DPM, HSG,… vẫn duy trì được sắc xanh. FPT tăng 1.000 đông lên 58.000 đồng/cổ phiếu và khớp trên 2 triệu đơn vị. DPM tăng 1.300 đồng lên 35.000 đồng/cổ phiếu và khớp hơn 1,8 triệu đơn vị.
Ngoài DPM, nhóm cổ phiếu dầu khí trên HOSE như PXT, PXI, PTL, PXL, PET, PGD, PGC…tiếp tục tăng mạnh. Các mã PXT, PXI, PTL, PXL giữ nguyên sắc tím, trong đó PTL khớp 2,7 triệu đơn vị. PXS cũng tăng mạnh 1.700 đồng lên 31.200 đồng/cổ phiếu và khớp 2,19 triệu đơn vị.
Ngoài ra, sắc tím cũng trải rộng trên nhiều mã khác như DIC, HVX, KSH, NVT, STT, PNC, VST, VOS, VNA, VIP, …
Mã FLC tiếp tục dẫn đầu thanh khoản trên HOSE với hơn 13,6 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tại được mốc tham chiếu. ITA cũng về được tham chiếu với hơn 7 triệu đơn vị khớp lệnh, còn HQC có được sắc xanh nhẹ và khớp 3,28 triệu đơn vị.
Trên HNX, đà tăng của sàn này tiếp tục được nới rộng nhờ nhóm dầu khí gồm PGS, PLC, PVC, PVS, PVX, PVE, PXA …vẫn đua nhau bứt phá. PVE và PLC được kéo tăng kịch trần. PVX giao dịch mạnh nhất HNX khi khớp hơn 11,8 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 400 đồng lên 10.800 đồng/cổ phiếu. Còn PVS tăng 1.000 đồng lên 41.100 đồng/cổ phiếu và khớp hơn 2,7 triệu đơn vị.
Các mã lớn khác như BVS, AAA, SCR, VND, VCG… cũng đều tăng điểm. SCR tăng 300 đồng lên 10.800 đồng/cổ phiếu và khớp 6,5 triệu đơn vị.
Ở phía ngược lại, trong HNX30 chỉ còn có 4 mã giảm điểm là MHM, TCT, KLF và NTP, trong đó KLF giảm 200 đồng xuống 12.800 đồng/cổ phiếu và khớp 6,4 triệu đơn vị.