Sau phiên đỏ lửa trước đó, thị trường mở cửa phiên sáng nay trong sắc xanh khi nhiều mã bluechips cũng như cổ phiếu ngân hàng, dầu khí... tăng điểm. Tuy nhiên, do sức cầu hạn chế, trong khi áp lực bán vẫn hiện hữu nên đà tăng không mạnh.
Trong phiên chiều, sự thận trọng của bên mua khiến thị trường giao dịch không mấy hào hứng, thậm chí VN-Index có lúc đã rơi sâu xuống ngưỡng 943 điểm, xác lập mức đáy của ngày 943,21 điểm.
Từ mức đáy này, lực cầu bắt đáy đã được kích hoạt, kéo VN-Index lên lại mức tham chiếu, sau đó đà tăng được nới rộng thêm trong đợt ATC, giúp VN-Index đóng cửa trên mức 951 điểm.
Đóng cửa, với 158 mã tăng và 132 mã giảm, VN-Index tăng 4,69 điểm (+0,5%) lên 951,16 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 162,39 triệu đơn vị, giá trị 3.350,07 tỷ đồng, giảm 12% về khối lượng và 26% về khối lượng so với phiên 3/6.
Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với gần 59,6 triệu đơn vị, giá trị 1.256,5 tỷ đồng. Đáng chú ý là các thỏa thuận của 17,5 triệu cổ phiếu GTN ở mức giá sàn, giá trị 306,25 tỷ đồng; 14,78 triệu cổ phiếu EIB, giá trị 294,24 tỷ đồng...
Trong số 30 mã vốn hóa cao nhất sàn, có tới 22 mã tăng và chỉ có 8 mã giảm. Trong đó, các mã tăng mạnh phải kể đến BHN +3,9% lên 102.800 đồng, VRE +1% lên 34.150 đồng, BID +1,5% lên 31.050 đồng, VCB +0,7% lên 67.000 đồng, PLX +0,7% lên 61.700 đồng... Các mã giảm mạnh nhất là VHM -1,4% về 79.500 đồng, EIB -1,1% về 18.400 đồng, VJC -0,9% về 120.900 đồng...
Về thanh khoản, chỉ có 8 mã khớp lệnh từ 1 triệu đơn vị. Các mã khớp lệnh cao nhất là ROS 4,57 triệu đơn vị, HPG 3,15 triệu đơn vị, TCB và STB cùng khớp khoảng 2,2 triệu đơn vị, còn lại CTG, VPB, MBB và HDB khớp từ 1,2-19 triệu đơn vị. Có thể thấy, tiền vẫn tập trung chủ yếu tại nhóm ngân hàng, trong khi vẫn dè dặt đối với các nhóm cổ phiếu khác.
Tại nhóm cổ phiếu thị trường, sắc đó có phần chiếm ưu thế. Đa phần cổ phiếu thanh khoản cao đều giảm điểm như FLC, ROS, HAG, ITA, HQC, HBC, ASM, TTF... FLC khớp lệnh 6,6 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE.
Trên sàn HNX, mặc dù đã có những nỗ lực giúp chỉ số sàn này hồi phục, song do sức cầu quá yếu nên chưa thể về được tham chiếu.
Đóng cửa, với 70 mã tăng và 63 mã giảm, HNX-Index giảm 0,22 điểm (-0,22%) về 103,06 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 17,22 triệu đơn vị, giá trị 222 tỷ đồng, giảm 45% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên 3/6. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn 5,9 tỷ đồng.
Toàn sàn HNX chỉ có đúng 3 mã khớp lệnh từ 1 triệu đơn vị là PVS (2,1 triệu - dẫn đầu sàn), SHB (2,01 triệu) và SHS (1,15 triệu). Trong đó, PVS +0,5% lên 21.500 đồng, SHS +0,9% lên 11.200 đồng, SHB đứng giá 7.000 đồng. Ngoài ra, tăng điểm còn có VCG +0,8% lên 26.300 đồng, VCS +0,5% len 61.300 đồng, TNG +1,8% lên 22.600 đồng...
Ngược lại, nhiều mã lớn giảm mạnh như NVB -4,8% về 8.000 đồng, NTP -3,5% về 33.300 đồng, ACB -0,3% về 28.600 đồng, PHP -2,8% về 10.500 đồng....
Trên sàn UPCoM, mặc dù giằng co mạnh, thậm chí có thời điểm đã lùi qua tham chiếu, nhưng kết phiên vẫn duy trì được sắc xanh, thanh khoản cải thiện.
Đóng cửa, với 98 mã tăng và 69 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,18%) lên 54,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 9,83 triệu đơn vị, giá trị 207 tỷ đồng, tăng 6% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên 3/6. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,33 triệu đơn vị, giá trị 56,4 tỷ đồng.
Trước áp lực bán gia tăng cuối phiên, khá nhiều mã lớn vẫn duy trì được sắc xanh để hỗ trợ chỉ số như BSR, VGI, LPB, MSR, VRG, CTR... Trong đó, BSR khớp lệnh 1,5 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn và cũng là mã duy nhất đạt được mức khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị, tăng 0,8% lên 13.200 đồng.
Nằm trong nhóm giảm giá có VEA, VGT, MPC, QNS, ACV... Trong đó, MPC giảm mạnh 4,3% về 35.700 đồng, khớp lệnh gần 0,3 triệu đơn vị.