Dư âm từ phiên tăng bùng nổ cả về điểm số lẫn thanh khoản trước đó giúp VN-Index bật tăng lên vùng 960 điểm ngay khi mở cửa phiên sáng nay. Tuy nhiên, sự hưng phấn nhanh chóng được thay thế bằng tâm lý thận trọng, VN-Index theo đó lùi nhanh trở lại gần mốc tham chiếu và diễn biến khá lình xình cho tới khi kết phiên sáng.
Sự thận trọng khiến dòng tiền vào thị trường chững lại, ảnh hưởng đến nhóm cổ phiếu hút mạnh nhất dòng tiền là ngân hàng. Lúc này, MBB là có thanh khoản tốt nhất thị trường song cũng chỉ đạt hơn 4 triệu đơn vị, thậm chí EIB còn khá im lìm khi thanh khoản chỉ nhúc nhắc tìm.
Tuy nhiên, ngay khi bước vào phiên chiều, dòng tiền bất ngờ ồ ạt dồn vào EIB, giúp thanh khoản tăng chóng mặt. Chỉ khoảng 1 giờ giao dịch, đã có tới hơn 37 triệu cổ phiếu EIB được sang tên, điểm số cũng hướng lên mốc 15.000 đồng - mức cao nhất trong 3 tháng qua.
Việc EIB giao dịch đột biến trong phiên này là rất bất ngờ, nằm ngoài dự đoàn của nhiều nhà đầu tư. Trên thị trường, cũng không có thông tin nào bất thường liên quan tới cổ phiếu này.
Sự hào hứng tại EIB dần lan tỏa ra thị trường, giúp nhiều mã lớn hồi phục. VN-Index theo đó bật tăng từ mức dưới tham chiếu vọt qua mốc 960 điểm, trước khi lùi nhẹ trở lại. Thanh khoản tiếp tục tăng so với phiên bùng nổ hôm qua.
Đóng cửa, với 137 mã tăng và 153 mã giảm, VN-Index tăng 7,25 điêm (+0,76%) lên 958,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 225,71 triệu đơn vị, giá trị 4.990,72 tỷ đồng, tăng 8% về khối lượng và 2% về giá trị so với phiên 3/12.
Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá lớn, với 50,3 triệu đơn vị, giá trị 1.368 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 20,545 triệu cổ phiếu TCB ở mức giá sàn 25.300 đồng, giá trị gần 520 tỷ đồng.
Sau khi tăng mạnh nửa đầu phiên, sức nóng của EIB đã nguội bớt về cuối phiên, kết phiên với mức tăng 2,2% lên 14.150 đồng, khớp lệnh 37,37 triệu đơn vị, mức cao nhất trong khoảng 3 năm qua.
Ngoài EIB, chỉ có TCB, VPB là còn tăng điểm, STB lùi về tham chiếu, còn lại là giảm điểm song mức giảm không mạnh, dao động từ 1-2%, đồng thời vẫn duy trì sức hút dòng tiền. MBB khớp 7,7 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sau EIB. STB và VPB cùng khớp trên 5,3 triệu đơn vị. CTG khớp hơn 4 triệu đơn vị. TCB, BID, HDB cùng khớp trên 2 triệu đơn vị. VCB khớp 1,3 triệu đơn vị. TPB khớp lênh thấp nhất nhóm, đạt hơn 0,3 triệu đơn vị.
Hỗ trợ tích cực cho VN-Index phiên này là nhóm cổ phiếu Vingroup khi đồng loạt tăng điểm: VHM +5,5% lên 82.000 đồng, VIC +0,1% lên 82.000 đồng, VRE +4,3% lên 32.700 đồng và khớp 3,7 triệu đơn vị.
Ngoài ra cũng phải kể đến VNM +2,2% lên 136.500 đồng, MSN +2,3% lên 84.100 đồng, VJC +0,7% lên 132.900 đồng, BVH +0,9% lên 98.200 đồng, BMP +2,8% lên 58.000 đồng...
Khác với nhóm cổ phiếu lớn, nhóm cổ phiếu thị trường chịu sức ép khá mạnh nên đa phần giảm điểm như DLG, IDI, SCR, DXG, HQC, QCG..., thanh khoản không thực sự tích cực từ 2 triệu đơn vị trở xuống. Mức khớp lệnh cao chỉ xuất hiện một mã tăng như FLC, ROS, HAG, KBC, ITA, OGC..., trong đó FLC khớp 6,9 triệu đơn vị (+0,6% lên 5.400 đồng), ROS khớp 2,3 triệu đơn vị (+0,3% lên 36.100 đồng)...
Trên sàn HNX, diễn biến trái ngược với HOSE khi sàn này phần lớn thời gian giao dịch trong sắc đỏ. Cũng đã có những nỗ lực để kéo HNX hồi phục trong phiên chiều, song áp lực gia tăng về cuối phiên ảnh hưởng đáng kể tới đà hồi phục này. Ngoài điểm số, thanh khoản sàn này cũng không mấy tích cực.
Đóng cửa, với 74 mã tăng và 59 mã giảm, HNX-Index giảm 0,25 điểm (-0,23%) xuống 107,39 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 36,59 triệu đơn vị, giá trị 525 tỷ đồng, giảm 15% về khối lượng và gần 20% về giá trị so với phiên 3/12. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn với 2,2 triệu đơn vị, giá trị gần 11 tỷ đồng.
Mặc dù lượng mã tăng cao hơn giảm, song việc nhiều mã vốn hóa lớn và bluechips như ACB, SHB, VCS, PHP, CEO, DGC, MBS, PGS... giảm điểm đã tạo gánh nặng lớn lên chỉ số, cho dù một số mã chủ chốt khác tăng điểm như VCG, VGC, VC3, PVI, TV2, MAS...
Cụ thể, ACB -0,6% về 31.100 đồng và khớp 2,79 triệu đơn vị; SHB -1,3% về 7.600 đồng và khớp 3,63 triệu đơn vị. NVB cũng giảm 1,9% về 10.300 đồng và khớp 1,2 triệu đơn vị.
Ngược lại, VCG +7,3% về 31.100 đồng và khớp 5,27 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn; VGC +4,7% về 17.400 đồng và khớp 4,05 triệu đơn vị...
Các mã PVS, HUT, SHS đứng giá tham chiếu, khớp lệnh từ 1-3 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, diễn biến giằng co mạnh và có nhiều thời điểm chỉ số sàn này đã lùi về dưới tham chiếu. Tuy nhiên, sự hồi phục mạnh trong cuối phiên giúp UPCoM-Index kết phiên ở mức cao nhất ngày.
Đóng cửa, với 98 mã tăng và 59 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,3 điểm (+0,57%) lên 53,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 15,56 triệu đơn vị, giá trị 313 tỷ đồng, tăng 22% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên 3/12. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 2 triệu đơn vị, giá trị gần 42 tỷ đồng.
Trong 10 mã có thanh khoản tốt nhất sàn, chỉ có 2 mã giảm là VGT (-1,6% về 12.100 đồng) và VEA (-0,5% về 38.200 đồng), còn lại đều tăng, trong đó có các mã lớn như POW +4,7% lên 15.600 đồng, khớp lệnh 3,48 triệu đơn vị, dẫn đâu sàn; POW +0,7% lên 15.400 đồng, khớp lệnh 2,01 triệu đơn vị; LPB +2,1% lên 9.900 đồng, khớp lệnh 1,49 triệu đơn vị. Đây cũng là 3 mã có thanh khoản cao nhất sàn.
Nhiều mã lớn khác cũng tăng khá tích cực như HVN, OIL, VIB, QNS, CTR, MSR, MCH... song đa phần thanh khoản thấp.