Trong phiên giao dịch sáng, sau ít phút rung lắc nhẹ đầu phiên do áp lực chốt lời nhóm cổ phiếu họ Vin, thị trường đã nhanh chóng lấy lại đà tăng và đóng cửa gần mức cao nhất phiên khi nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhất là VCB nhanh chân thay thế dẫn dắt thị trường.
Trong phiên chiều, giao dịch được giữ nhịp và không có nhiều đột biến, VN-Index giằng co quanh mức đóng cửa phiên sáng, sau đó tiến tới chinh phục mức đỉnh cũ tầm 1.024 điểm, tuy nhiên lực cung chốt lời gia tăng đẩy nhiều mã quay đầu với sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử và VN-Index cũng không thể chinh phục được mức đỉnh cũ.
Dù vậy, với sự vững chắc của nhóm cổ phiếu ngân hàng, VN-Index vẫn duy trì được đà tăng tốt và chốt phiên trên ngưỡng 1.022 điểm.
Chốt phiên, VN-Index tăng 6,84 điểm (+0,67%), lên 1.022,43 điểm với 145 mã tăng, trong khi có 185 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 232,8 triệu đơn vị, giá trị 5.180,3 tỷ đồng, tương đương với phiên giao dịch cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 24,3 triệu đơn vị, giá trị 740,6 tỷ đồng.
Như đã đề cập, nhóm cổ phiếu Vin vẫn yếu đà như phiên sáng khi VIC và VRE giảm nhẹ, VHM cũng chỉ tăng chưa tới 1%, kém sắc hơn rất nhiều so với cuối tuần trước. Trong đó, VRE khớp lớn nhất với 3,5 triệu đơn vị, VHM khớp 1,1 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, nhóm ngân hàng hôm nay với sự dẫn dắt của VCB đã thể hiện rất tốt vai trò thay thế nhóm cổ phiếu Vin của mình.
Cụ thể, VCB tăng 3,6% lên 92.000 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị. BID tăng 2,93% lên 42.200 đồng, khớp 1,74 triệu đơn vị. TCB tăng 2,53% lên 24.350 đồng, khớp 3,95 triệu đơn vị. CTG tăng 0,67% lên 22.450 đồng, khớp 5,85 triệu đơn vị. MBB tăng 1,53% lên 23.300 đồng, khớp 7,1 triệu đơn vị. VPB tăng 2,33% lên 22.000 đồng, khớp 2,56 triệu đơn vị. HDB tăng 0,68% lên 29.500 đồng, khớp 2,67 triệu đơn vị. Trong khi EIB, STB đứng giá tham chiếu và TPB giảm nhẹ.
Ngoài ra, còn phải kể đến sự hỗ trợ của GAS, MSN, PLX, MWG, NVL, FPT, POW (nhưng đà giảm hãm hơn so với phiên sáng), PNJ, BHN, trong khi VNM, VJC, HPG, HVN bắt tay nhóm Vin hãm đà tăng của VN-Index.
Tuy nhiên, gây ấn tượng nhất phiên chiều nay là FLC khi nhận lực cầu khủng, hấp thụ hết lượng dư bán, kéo mã này lên mức trần 4.810 đồng với 14,7 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần cả chục triệu đơn vị.
Dù vậy, ROS vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với 25,6 triệu đơn vị được khớp, và đóng cửa chỉ còn giảm nhẹ 0,4% xuống 25.100 đồng.
Trên HNX, HNX-Index lại gặp rung lắc theo diễn biến của một vài mã cổ phiếu lớn như ACB, VCS, PVS, nhưng vẫn đóng cửa giữ được sắc xanh.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,85 điểm (+0,8%), lên 106,6 điểm với 57 mã tăng và 63 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 26,96 triệu đơn vị, giá trị 363 tỷ đồng, giảm 35% về khối lượng và 28% về giá trị so với phiên cuối tuần qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3 triệu đơn vị, giá trị 51 tỷ đồng.
SHB thay thế ACB trở thành mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 5,6 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,52%, lên 6.700 đồng, lùi một bước so với phiên sáng. Trong khi đó, ACB tăng 1,65% lên 24.600 đồng với 3,94 triệu đơn vị. NVB cũng tăng 1,09% lên 9.300 đồng với 1,4 triệu đơn vị.
Ngoài ra, PVS tăng 0,54% lên 18.700 đồng với 1,56 triệu đơn vị. VCS tăng 0,35% lên 86.500 đồng với gần 0,3 triệu đơn vị. VCG đứng giá tham chiếu, còn PVI giảm 0,31% xuống 32.100 đồng.
Cũng giống người anh em FLC trên HOSE, KLF cũng tăng trần lên 1.400 đồng trong phiên hôm nay, nhưng giao dịch không sôi đông khi chỉ có hơn 0,44 triệu đơn vị được khớp. ART cũng tăng 4,54% lên 2.300 đồng với hơn nửa triệu đơn vị.
Trên UPCoM, chỉ số chính của sàn này lại tăng vọt hơn 1% ngay khi bước vào phiên chiều và chỉ hạ nhiệt nhẹ vào ít phút cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,37 điểm (+0,65%), lên 56,59 điểm với 90 mã tăng và 90 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 12,87 triệu đơn vị, giá trị 243 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,8 triệu đơn vị, giá trị 47,7 tỷ đồng.
BSR vẫn là mã duy nhất trên thị trường có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. Chốt phiên, BSR tăng 3,09% lên 10.000 đồng với 4,8 triệu đơn vị. Các mã còn lại chỉ khớp trên dưới nửa triệu đơn vị và có sự phân hóa khá rõ nét, nhưng mức biến động giá không quá lớn.
Trên thị trường phái sinh, cũng như thị trường cơ sở, các hợp đồng tương lai VN30 đều tăng trong phiên hôm nay. Trong đó, hợp đồng đáo hạn ngày 21/11 tăng 0,37% lên 937 điểm với 55.674 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở đạt 19.352 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, các mã cũng có sự phân hóa khá rõ nét với 22 mã tăng và 18 mã giảm. Trong đó, mã CHPG1906 có thanh khoản vượt trội với hơn 1,3 triệu đơn vị được chuyển nhượng, đóng cửa giảm 33,33% xuống 20 đồng. Trong đó, khối ngoại bán ròng mạnh tới hơn 1 triệu đơn vị.
Tiếp đến là CFPT1904 với 621.280 đơn vị được giao dịch, nhưng đóng cửa trái với CHPG1906 khi tăng 15,98% lên 2.540 đồng.
Các mã CNVL1901, CTCB1901, CVNM1901, CVRE1902… cũng có thanh khoản tốt.