Trong phiên sáng, VN-Index bị đẩy xuống sát ngưỡng 980 điểm đầu phiên, nhưng sau đó nảy trở lại nhờ sự hỗ trợ của nhóm dầu khí, ngân hàng. Dường như ngưỡng 980 điểm đang trở thành ngưỡng hỗ trợ tốt trong ngắn hạn của VN-Index.
Điều này tiếp tục được thể hiện trong phiên chiều khi kịch bản cũ của phiên sáng được lặp lại. Ngay đầu phiên, VN-Index lại bị đẩy xuống sát ngưỡng 980 điểm, nhưng một lần nữa ngưỡng hỗ trợ này pháp huy tác dụng, giúp VN-Index nảy trở lại và suýt chút nữa có được sắc xanh sự cản lớn từ nhóm Vingroup.
Chốt phiên, VN-Index giảm nhẹ 1,35 điểm (-0,14%), xuống 984,46 điểm với 140 mã tăng, 159 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 216,94 triệu đơn vị, giá trị 4.362,8 tỷ đồng, giảm 8% về khối lượng và 11,6% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 88 triệu đơn vị, giá trị 1.741 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu dầu khí và một số mã ngân hàng vẫn duy trì phong độ như phiên sáng, trong khi nhiều mã lớn khác, nhất là nhóm cổ phiếu Vingroup lại trở thành lực cản lớn của thị trường.
Cụ thể, VIC giảm 1,2% xuống 114.900 đồng, VHM giảm 0,22% xuống 92.000 đồng, VRE giảm 1,39% xuống 35.500 đồng. Trong đó, VRE có thanh khoản tốt nhất nhóm với 2,6 triệu đơn vị được khớp.
Các mã giảm khác có thể kể đến VCB, VNM, MSN, TCB, CTG, BVH, VJC, VPB, MWG, HDB, BHN, ROS…, nhưng mức giảm không mạnh, chỉ trên dưới 1%.
Trong khi đó, GAS vẫn duy trì đà tăng 0,5% lên 101.500 đồng, PLX tăng 0,83% lên 60.800 đồng, PVD tăng 3,23% lên 19.200 đồng với 6,35 triệu đơn vị được khớp, lớn nhất sàn HOSE.
Ngoài ra, còn phải kể đến BID tăng 2,59% lên 35.700 đồng, khớp 1,9 triệu đơn vi, FPT tăng 2,61% lên 47.200 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị, EIB tăng 3,57% lên 17.400 đồng, khớp 0,48 triệu đơn vị, TPB tăng 1,57% lên 22.600 đồng, khớp 1,19 triệu đơn vị…
Tuy nhiên, sự chú ý hướng vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong khi FLC, ITA, DLG giảm giá, nhưng có thanh khoản tốt, HQC đã lấy lại được sắc xanh với 2,8 triệu đơn vị được khớp, thì sóng đã nổi lại tại các mã như TDG, KSH, PXS.
Trong đó, TDG có sắc tím từ phiên sáng và duy trì mức trần 3.2300 đồng cho đến hết phiên chiều với 1,6 triệu đơn vị được khớp. Trong khi PXS sau khi để mất sắc tím trong phiên sáng, đã lấy lại được sắc màu này trong phiên chiều khi chốt phiên ở mức 5.130 đồng với 0,77 triệu đơn vị được khớp.
Góp mặt thêm còn có KSH khi đóng cửa ở mức trần 1.290 đồng với 1,46 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần tới hơn 1,1 triệu đơn vị.
TGG dù không giữ được sắc tím, nhưng cũng đóng cửa tăng 3,75% lên 3.600 đồng với 1,18 triệu đơn vị.
Cũng có sắc tím khi chốt phiên hôm nay là NTL và STK, trong khi dù không thể lên trần, nhưng TCH, HBC, NKG cũng có mức tăng tốt 3,2%, 1,28% và 5,99% với thanh khoản trên dưới 2 triệu đơn vị.
Trên HNX, diễn biến cũng tương tự khi HNX-Index bị đẩy xuống mức đáy trong ngày 106,9 điểm trước khi bật trở lại vào cuối phiên nhờ nhóm dầu khí.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,19 điểm (-0,17%), xuống 107,3 điểm với 69 mã tăng và 81 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch 39 triệu đơn vị, giá trị 612 tỷ đồng, tăng 33% về khối lượng và 49,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,2 triệu đơn vị, giá trị 126 tỷ đồng.
Nhóm dầu khí trên HNX có phần khởi sắc hơn các đồng nghiệp trên HOSE, trong đó mã dẫn dắt là PVS tăng 3,77% lên 22.000 đồng với 8,2 triệu đơn vị được khớp, lớn nhất trên sàn HNX. PVB tăng 6,06% lên 21.000 đồng với 0,97 triệu đơn vị, PVC tăng 4,11% lên 7.600 đồng với 0,79 triệu đơn vị, PVX tăng trần lên 1.500 đồng với 0,75 triệu đơn vị.
Trong khi đó, VCG tiếp tục nới rộng đà giảm khi đóng cửa ở mức 25.400 đồng, giảm 5,22% với 2,95 triệu đơn vị được khớp, đứng sau PVS.
Trong nhóm ngân hàng, trong khi NVB giữ được mức tăng nhẹ 1 bước giá, lên 8.700 đồng với 1,1 triệu đơn vị được khớp, thì ACB lại không giữ được mức tham chiếu khi đóng cửa giảm 0,66% xuống 30.100 đồng với 1,39 triệu đơn vị được khớp và SHB đứng ở mức tham chiếu 7.600 đồng với 0,7 triệu đơn vị được khớp – mức rất thấp so với thanh khoản trung bình của mã này.
Trong các mã nhỏ, BII có giao dịch sôi động với 1,4 triệu đơn vị được khớp, nhưng đóng cửa ở mức sàn 700 đồng và còn dư bán giá sàn. HUT, ART cũng có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và cùng đóng cửa ở mức tham chiếu.
Trên thị trường UPCoM, UPCoM-Index nới rộng đà giảm và không có lực để đi lên như 2 sàn niêm yết.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,46 điểm (-0,81%), xuống 56,64 điểm với 88 mã tăng và 90 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,8 triệu đơn vị, giá trị 372 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,29 triệu đơn vị, giá trị 147 tỷ đồng.
TOP vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất trên UPCoM với 2,27 triệu đơn vị được giao dịch, nhưng mức giá không thay đổi khi chốt phiên ở mức sàn 1.000 đồng và còn dư bán sàn.
Cũng có khối lượng khớp trên 1 triệu đơn vị là BSR với 1,73 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 2,34% lên 13.100 đồng.
Diễn biến về giá của các mã đáng chú ý khác trên UPCoM có nhiều thay đổi khi GEG, VGI, LPB có sắc xanh khi đóng cửa, còn HVN, VEA, MPC, ACV, MSR, SDI, MCH… vẫn đóng cửa với sắc đỏ.