Các diễn biến mới nhất từ cuộc chạy đua vị trí tổng thống Mỹ đang khiến nhiều thị trường tài chính dậy sóng. Kể từ khi Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) công bố thêm các tình tiết mới trong vụ điều tra việc bà Hillary Cliton sử dụng email cá nhân vào công việc, ông Trump đã nhận được lợi thế để vươn lên trong cuộc khảo sát số người ủng hộ.
Các chuyên gia tài chính đã nhận định, nếu ứng cử viên Donald Trump giành chiến thắng, đây sẽ là cơn địa chấn tương tự việc nước Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Diễn biến này khiến giới đầu tư lo ngại, nhanh chóng tìm tới thị trường vàng để trú ẩn khiến thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc, trong đó, chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài vùng tác động và cũng đã chao đảo mạnh trong phiên 3/11.
Trong phiên giao dịch sáng, áp lực bán gia tăng và lan rộng toàn thị trường khiến tâm lý nhà đầu tư càng thất vọng hơn, lực cầu trở nên thận trọng và giao dịch khá hạn chế. Dù có hồi phục nhẹ vào giữa phiên nhưng do áp lực bán lớn luôn thường trực và tập trung ở các mã trụ cột, đã đẩy VN-Index giảm sâu, lần lượt xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ mạnh.
Sang phiên giao dịch chiều, tâm lý hoang mang và lo lắng nhà đầu tư bám sát thị trường khiến chỉ số VN-Index nới rộng đà giảm lùi về gần ngưỡng 660 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc khá tích cực, đặc biệt trong đợt khớp lệnh ATC đã chặn đà rơi của thị trường, giúp VN-Index thu hẹp đà giảm điểm.
Trong đó, ở nhóm cổ phiếu bluechip, bên cạnh VIC giữ vững sắc xanh dù đà tăng có phần thu hẹp, một số trụ cột khác như VNM, PVD đã đảo chiều thành công dù mức tăng khá hạn chế tương ứng 0,21% và 2,1%.
Đáng chú ý, cổ phiếu có thị giá cao MWG đã có phiên tăng vọt sau công bố kết quả kinh doanh quý III/2016 tích cực với lợi nhuận sau thuế đạt 387,5 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 29% kế hoạch cả năm. Đóng cửa, MWG đã tăng 4,2% leo lên mức giá cao nhất trong hơn 2 tháng qua 153.000 đồng/CP với khối lượng khớp 0,63 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, sự phục hồi của giá dầu thô trong phiên hôm nay sau khi xuống mức thấp nhất 1 tháng cũng giúp nhiều mã dầu khí đảo chiều thành công, hỗ trợ tích cực cho cả VN-Index và HNX-Index. Cụ thể, PVD tăng 2,1%, PVS tăng 1,7%, PVC tăng 2,4%...
Ngoài ra, phải kể đến sự phục hồi ngoạn mục của ROS, cũng hỗ trợ đắc lực cho VN-Index, bởi hiện đây là cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 8 trên sàn HOSE. Trong phiên giao dịch chiều, kịch bản cũ tiếp tục diễn ra với ROS. Lực cầu bắt đáy gia tăng mạnh về cuối phiên giúp ROS đảo chiều tăng mạnh, leo lên mức giá cao nhất trong ngày 94.200 đồng/CP, tăng 3,6% với lượng khớp 1,59 triệu đơn vị.
Đóng cửa, toàn sàn HOSE có 170 mã giảm và 73 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 3,77 điểm (-0,56%) xuống 667,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 128,26 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 2.274,81 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 13,61 triệu đơn vị, giá trị 247,49 tỷ đồng.
Tương tự, sắc đỏ cũng chiếm chủ đạo trên sàn HNX với 116 mã giảm, gấp gần 3 lần số mã tăng (42 mã), chỉ số HNX-Index giảm 0,79 điểm (-0,97%) xuống 80,52 điểm. Thanh khoản duy trì ở mức thấp với 35,87 triệu đơn vị, giá trị 334,9 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,97 triệu đơn vị, giá trị 46,7 tỷ đồng.
Nhóm bluechip vẫn đóng vai trò là lực hãm chính, trong đó, nhóm VN30 có 24 mã giảm, 6 mã tăng và 3 mã đứng giá, chỉ số VN30-Index giảm 3,73 điểm xuống 632,81 điểm; còn HNX30-Index giảm 1,2 điểm xuống 145,1 điểm.
Cặp đôi SCR và HUT vẫn chưa thoát khỏi giá đỏ với mức giảm cùng 200 đồng/CP và vẫn giữ vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn với khối lượng khớp lệnh tương ứng 3,87 triệu đơn vị và hơn 3 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cặp đôi HKB và KVC vẫn song hành giảm sàn. Sau phiên hồi phục ngày đầu tháng (1/11), cả 2 mã này đã cùng trở lại trạng thái giảm sàn, ghi nhận phiên giảm sàn thé 2 liên tiếp với khối lượng khớp lệnh tương ứng 2,74 triệu đơn vị và 1,17 triệu đơn vị.