Tâm lý lo sợ trước dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp khiến thị trường nhanh chóng trở lại trạng thái bán tháo trong phiên sáng đầu tuần 30/3, sau 3 phiên tăng liên tiếp cuối tuần trước. Áp lực bán mạnh trên diện rộng khiến hàng trăm mã mất điểm, trong đó nhiều mã lớn bé nối đuôi nhau giảm sàn khiến VN-Index thủng mốc 660 điểm khi chốt phiên giao dịch sáng.
Bước sang phiên chiều, thị trường không có tín hiệu gì tích cực. Trong khi dòng tiền tham gia thận trọng và có dấu hiệu suy giảm thì áp lực bán ồ ạt vẫn diễn ra trên diện rộng khiến thị trường duy trì đà giảm sâu.
Đáng chú ý, bên cạnh sức ép đến từ bộ 3 cổ phiếu Vingroup, đồng loạt dòng bank cũng đua nhau giảm sàn khiến thị trường không thể đứng dậy, chỉ số VN-Index bốc hơi gần 35 điểm và dừng chân tại mốc 662 điểm.
Đóng cửa, với 339 mã giảm (96 giảm sàn), gấp hơn 7 lần số mã tăng là 47 mã, VN-Index giảm 33,8 điểm (-4,86%) xuống 662,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 233 triệu đơn vị, giá trị 3.440,25 tỷ đồng, giảm 28,96% về khối lượng và 22,17% về giá trị so với phiên 27/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 38,82 triệu đơn vị, giá trị 1.036,46 tỷ đồng.
Nhóm VN30 đáng kể có EIB đứng giá tham chiếu, HPG đảo chiều hồi nhẹ, còn lại vẫn giảm sâu. Đáng kể là nhóm Vin và các cổ phiếu ngân hàng.
Sau khi các mã Vingroup giảm sàn, hầu hết các mã bank cũng đều chuyển sắc xanh mắt mèo như CTG, MBB, TCB, VPB, STB; hay các cổ phiếu chứng khoán như SSI, HCM, AGR, HBS…
Ngoài ra, các bluechip khác cũng đều giảm sâu. Trong đó, sau 3 phiên liên tiếp khởi và tiếp tục được BSC nhận định tích cực, dự báo có thể tiếp cận ngưỡng 150, nhưng trong phiên hôm nay, SAB đã giảm về gần mức giá sàn khi để mất 6,6%, kết phiên tại mức giá 121.100 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, ROS tiếp tục trở về với sắc xanh mắt mèo và dừng chân tại mức giá 3.500 đồng/CP, dư bán sàn gần 1,44 triệu đơn vị, cùng nhiều mã quen thuộc khác như DLG, HQC, FLC, ITA, ASM, TSC, FIT, HAR, JVC… Trong đó, DLG vẫn là mã sôi động của nhóm khi có 11,22 triệu đơn vị được khớp lệnh; còn STB dẫn đầu thanh khoản với 16,13 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, thị trường cũng giao dịch tiêu cực và lình xình quanh vùng giá 93.
Đóng cửa, với 31 mã tăng và 125 mã giảm (38 giảm sàn), HNX-Index giảm 4,07 điểm (-4,18%) về 93,28 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 39,71 triệu đơn vị, giá trị 357,51 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,12 triệu đơn vị, giá trị 71,71 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng trên sàn HNX cũng duy trì đà giảm sâu với ACB có lúc bị đẩy xuống mức giá sàn và kết phiên -7,6%, đứng tại mức giá 18.200 đồng/CP; SHB -4% xuống 11.900 đồng/CP.
Thêm vào đó, PVB, PVC, SHS đều giảm sàn, PVS -8,8% xuống 9.300 đồng/CP, DGC -3,8% xuống 20.200 đồng/CP, CEO -3,2% xuống 6.000 đồng/CP…
Top 5 cổ phiếu thanh khoản lớn nhất sàn HNX gồm ACB khớp 5,92 triệu đơn vị, SHB khớp 4,33 triệu đơn vị, PVS khớp 4,14 triệu đơn vị, ART khớp hơn 4 triệu đơn vị, NVB khớp 3,37 triệu đơn vị.
Trạng thái giao dịch trên cũng diễn ra tại UPCoM khiến chỉ số UPCoM-Index tiếp tục giảm sâu.
Đóng cửa, với 63 mã tăng và 117 mã giảm, UPCoM-Index giảm 1,19 điểm (-2,43%) về 47,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 12,32 triệu đơn vị, giá trị 106,28 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,73 triệu đơn vị, giá trị 78,52 tỷ đồng.
Các mã lớn vẫn giảm sâu hoặc nới rộng biên độ giảm như LPB -8,2% xuống 5.600 đồng/CP, BSR -10,9% xuống 4.900 đồng/CP, VGI -4,5% xuống 19.300 đồng/CP, VEA -8,1% xuống 28.200 đồng/CP, ACV -5,1% xuống 42.600 đồng/CP, BCM -4,5% xuống 17.000 đồng/CP...
Trong đó, LPB và BSR dẫn đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 2,33 triệu đơn vị và 2,16 triệu đơn vị.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm điểm, trong đó hợp đồng có thời gian đáo hạn gần nhất (ngày 16/4) là VN30F2004 được giao dịch mạnh nhất với 202.159 hợp đồng, khối lượng mở 17.646 hợp đồng, kết phiên giảm 5,2% về 583 điểm.
Trên thị trường chứng quyền, chỉ có 7 mã tăng và 11 mã đứng giá, còn lại đều giảm. Trong đó, CHDB2004 là mã có thanh khoản cao nhất với 96.401 đơn vị được chuyển nhượng, đóng cửa đứng tại mức giá sàn 10 đồng.