Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 đang tới gần, cộng thêm diễn biến phức tạp từ thương chiến Mỹ - Trung khiến sự thận trọng dâng cao trong phiên giao dịch hôm nay, hoạt động giao dịch diễn ra ảm đạm.
Tâm lý nhà đầu tư tỏ ra dè dặt, trong khi áp lực bán ra luôn trực chờ khiến VN-Index nhanh chóng giảm điểm và giao dịch trong sắc đỏ trong phần lớn phiên, thậm chí chỉ số đã lùi khá xa mốc 975 điểm thời điểm cuối phiên. VN-Index chỉ không giảm sâu nhờ một số mã lớn như VNM, FPT, PNJ, SAB, MWG… còn tích cực
Tuy nhiên, trong đợt khớp lệnh ATC, dòng tiền được dồn mạnh vào nhóm cổ phiếu bluechips, giúp nhiều mã trong nhóm này hồi phục. Theo đó, VN-Index kịp quay đầu tăng điểm trước khi kết phiên. VN-Index thoát hiểm phút cuối, nhưng thanh khoản là điểm trừ khi ghi nhận sự sụt giảm trước tâm lý nghỉ ngơi của nhà đầu tư.
Đóng cửa, với 134 mã tăng và 154 mã giảm, VN-Index tăng 1,33 điểm (+0,14%) lên 978,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 138,39 triệu đơn vị, giá trị gần 3.375 tỷ đồng, giảm 6% về khối lượng và 4% về giá trị so với phiên 28/8. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 18,72 triệu đơn vị, giá trị 881,8 tỷ đồng.
Sức cầu tốt cuối phiên giúp nhiều mã bluechips quay đầu tăng điểm, trong đó có ROS. Trước đợt khớp ATC, mã này giảm gần 3%, đóng cửa tăng 1,8% lên 28.000 đồng, khớp lệnh 13,98 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE và vượt trội so với mã đứng sau là HPG với chỉ 4,94 triệu đơn vị, đóng cửa HPG giảm 0,5% về 22.150 đồng.
Ngoài ROS, nhiều mã khác củng cố đà tăng như VNM +3%, FPT +1,2%, HVN +1,3%, MWG +1%, BID +0,8%, PNJ +0,6%..., qua đó giúp VN-Index đảo chiều thành công.
Ngược lại, nhóm cổ phiếu họ Vin hay ngân hàng phân hóa mạnh, trong đó VRE -1%, VHM đứng giá, VCB, TCB, HDB, EIB… giảm điểm, tạo gánh nặng cho chỉ số.
Đáng chú ý, KDC ghi nhận phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp trong chuỗi 4 phiên tăng liên tục, lên mức 22.850 đồng, khớp lệnh 0,46 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế với sắc đỏ của FLC, AAA, HSG, HBC, DIG, HNG…, than khoản không quá cao. Tuy nhiên, một số mã bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì được sắc xanh như ITA, KBC, DXG, HDC, HDG…, trong đó KBC +1,5$ lên 16.200 đồng, ITA +3,4% lên 3.380 đồng và cùng nằm trong nhóm 5 mã thanh khoản tốt nhất sàn khi khớp lần lượt 4,9 triệu và 4,2 triệu đơn vị.
VOS, DRH cùng tăng trần và cùng khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị. Với VOS, đây là phiên trần thứ 3 liên tiếp. Ngược lại, mã FTM ghi nhận phiên giảm sàn thứ 11 liên tiếp về 10.850 đồng với lượng dư bán sàn hơn 10 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, diễn biến không thuận như trên HOSE khi xấu dần về cuối phiên. Sức cầu yếu khiên chỉ số sàn HNX đuối dần, trước khi chìm trong sắc đỏ ở phiên chiều.
Đóng cửa, 52 mã tăng và 81 mã giảm, HNX-Index giảm 0,39 điểm (-0,38%) về 101,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 20,28 triệu đơn vị, giá trị 273 tỷ đồng, giảm 19% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên 28/8. Trong đó, dịch thỏa thuận đóng góp 2,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 38 tỷ đồng.
Trong số 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn, chỉ có 2 mã tăng là PVI +1,1% và PHP +2,8%, còn lại là không tăng, trong đó PVS, ACB và VNR cùng giảm 0,5%, VCS và NTP giảm 0,8%...
Về thanh khoản, ngoài PVS và SHB, chỉ có thêm ACM là khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị, nhưng giảm sàn về còn 5 trăm đồng. Dẫn đầu là PVS với 1,76 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, diễn biến cũng tương tự HNX khi giao dịch trong sắc đỏ trong suốt phiên chiều, thanh khoản khá ổn định.
Đóng cửa, với 104 mã tăng và 89 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,12%) về 57,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 17,48 triệu đơn vị, giá trị 343 tỷ đồng tương đương cả về khối lượng và giá trị so với phiên 28/8. Trong đó, dịch thỏa thuận đóng góp 2,6 triệu đơn vị, giá trị 34,5 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu lớn phân hóa rõ nét nên không thể hỗ trợ nhiều cho UPCoM-Index, trong đó GVR, QNS, BSR, VGI, VIB, VGT… giảm điểm, còn ACV, VOC, OIL, TVN… tăng điểm.
GVR khớp lệnh 1,18 triệu đơn vị, nhưng vẫn đứng sau mã dẫn đầu là PXL với 1,69 triệu đơn vị và sắc xanh.
Tương tự mã KDC trên sàn HOSE, mã KDF cũng tăng trần lên 35.600 đồng, thanh khoản khá mạnh với 0,25 triệu đơn vị được sang tên. Đến hẹn lại lên, mùa trung đến gần cũng là lúc nhóm cổ phiếu Kido tăng điểm.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng điểm, trong đó mã VN30F1909 tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với 57.345 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 19.447 đơn vị, tăng so với phiên hôm qua. Đây cũng là hợp đồng có mức tăng mạnh nhất, với 0,4% lên 889,6 điểm.
Trong khi đó, cả 3 hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ không có giao dịch.
Trên thị trường chứng quyền, trong 16 mã được niêm yết, có 8 mã tăng, 5 mã giảm, 2 mã đứng giá. Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất là CMBB1902 với 463.840 đơn vị được khớp, tiếp đó là CHPG1901 với 419.890 đơn vị.
4 mã không có giao dịch là CHPG1906, CMSN1901, CVIC1901 và CVRE1901.