Phiên chiều 28/8: Cổ phiếu đầu cơ xoay vòng bứt phá

Phiên chiều 28/8: Cổ phiếu đầu cơ xoay vòng bứt phá

(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu đầu cơ vừa và nhỏ đã có công lớn giúp VN-Index vững vàng trên mốc 630 điểm. Dòng tiền vào thị trường tiếp tục chảy mạnh giúp thanh khoản tiếp tục ghi nhận con số khủng với hơn 4.000 tỷ đồng trên cả hai sàn.

Mọi nhận định của các công ty chứng khoán rằng thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh nhẹ trong những phiên gần đây đều bị gạt bỏ nhờ lực cầu tiếp tục gia tăng. Dù có đôi phút loạng choạng ở đầu phiên sáng nhưng sự hưng phấn của nhà đầu tư với dòng tiền khá mạnh đã giúp VN-Index bật tăng mạnh cùng với sắc xanh bền vững trên sàn HNX.

Bước sang phiên giao dịch chiều, sắc xanh lan tỏa toàn thị trường, hầu hết các cổ phiếu bluechip đều tăng điểm khiến chỉ số VN-Index tăng thẳng đứng và chinh phục ngưỡng 635 điểm. Tuy nhiên, sau khi thiết lập đỉnh mới, VN-Index đã bị hãm lại do áp lực đẩy bán gia tăng.

Đóng cửa, VN-Index tăng 3,26 điểm (+0,52%) lên 632,03 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 143,17 triệu đơn vị, trị giá 2.652,79 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 29,85 triệu đơn vị, trị giá 371,52 tỷ đồng. Bên cạnh APC và RDP thỏa thuận lượng lớn, phiên chiều còn có sự đóng góp khá khủng của hơn 20,74 triệu cổ phiếu SAM với tổng giá trị 209,59 tỷ đồng.

Trên sàn HNX có 132 mã tăng, 84 mã giảm và 67 mã đứng giá, chỉ số HNX-Index đóng cửa tăng 0,9 điểm (+1,05%) lên 86,79 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 93,16 triệu đơn vị và tổng giá trị 1.216,83 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 5,25 triệu đơn vị, trị giá 52,4 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu VN30 không hỗ trợ nhiều cho đà tăng của thị trường khi Vn30-Index chỉ tăng 1,06 điểm (+0,16%) đứng ở mức 668,96 điểm với 17 mã tăng, 9 mã giảm và 4 mã đứng giá.

GAS vẫn là đầu tàu giúp sắc xanh của VN-Index được duy trì bởi mức tăng 3.000 đồng (+2,38%) lên 126.000 đồng/CP. Trong khi đó, hai trụ cột là VNM quay đầu giảm 1.000 đồng (-0,9%) xuống 111.000 đồng/CP và MSN đứng giá tham chiếu 83.500 đồng/CP.

Thông tin CTCP Vinpearl thuộc VIC đã được Ủy ban Nhân danh tỉnh Khánh Hòa thống nhất mua lại số cổ phần trị giá 85 tỷ đồng của Cảng Nha Trang không mấy tác động tích cực khi VIC tiếp tục chịu áp lực bán ra của khối ngoại. Đóng cửa giảm 1.500 đồng (-2,68%) xuống 56.000 đồng/CP với khối lượng khớp khá lớn 3,37 triệu đơn vị.

Ngược lại, thông tin FLC nghiên cứu đầu tư số tiền khủng tại Phú Quốc đã giúp cổ phiếu này tìm lại sắc xanh. Cụ thể, Ban quản lý Đầu tư phát triển đảo Phú Quốc đã thống nhất trình UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận cho FLC làm chủ đầu tư Dự án quần thể sân golf và khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp quốc tế Bãi Vòng với diện tích 559,6 héc-ta, quy mô 28.000 tỷ đồng.

Đóng cửa, FLC tăng nhẹ 100 đồng (+0,8%) lên 12.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 14 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu cùng thuộc nhóm bất động sản cũng hấp thụ dòng tiền khá mạnh. Cụ thể, ITA đứng giá tham chiếu với lượng khớp hơn 8,45 triệu đơn vị, HQC giảm nhẹ 100 đồng và khớp 4,97 triệu đơn vị, KBC và DXG cùng khớp 2,5 triệu đơn vị, cùng nhiều cổ phiếu khớp hơn 1 triệu đơn vị như ASM, DLG, HAR…

Nhóm cổ phiếu chứng khoán sau phiên khởi động ngày hôm qua, đến phiên hôm nay đã củng cố đà tăng với giao dịch khá mạnh. Trong đó, SSI tăng 800 đồng (+2,76%) với 4,94 triệu đơn vị được chuyển nhượng, HCM gần chạm trần với mức tăng 1.500 đồng (+3,84%) lên 39.100 đồng/CP với lượng khớp 1,43 triệu đơn vị và AGR duy trì mức tăng nhẹ 100 đồng với hơn 1,73 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ngoài GAS, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục là nhân tố chính giúp VN-Index giữ sắc xanh. Các cổ phiếu trong nhóm này đã đua nhau tăng trần với lượng dư mua khá lớn như APC, BBC, BCI, BMC, DCT, IDI, KSH, MHC…  

Trên sàn HNX, nhóm HNX30 đã có công khá lớn kéo chỉ số HNX-Index tiếp tục nới rộng đà tăng điểm. Với 22 mã tăng, chỉ 3 mã giảm và 5 mã đứng giá, HNX30-Index tăng 3,11 điểm (+1,77%) lên 179,01 điểm.

Các cổ phiếu dầu khí tăng điểm khá mạnh với PGS tăng 3.100 đồng (+8,01%), PVB tăng 2.900 đồng (+4,97%), PVC tăng 600 đồng (+1,74%), PVG tăng 500 đồng (+3,76%)… cùng các cổ phiếu chứng khoán với BVS tăng 600 đồng (+3,85%), SHS tăng 500 đồng (+5%), VND tăng 500 đồng (+2,96%)…

Dẫn đầu thanh khoản trên sàn vẫn là KLF với hơn 12,2 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Do áp lực chốt lời ở mức giá trần khá cao khiến KLF vẫn đóng cửa ở mức 13.100 đồng/CP, tăng 1.000 đồng (+7,63%).

Tương tự PVX vẫn tăng nhẹ 100 đồng lên 5.700 đồng với khối lượng khớp 8,69 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan