Phiên chiều 28/10: Thị trường quay đầu điều chỉnh, họ FLC bùng nổ

Phiên chiều 28/10: Thị trường quay đầu điều chỉnh, họ FLC bùng nổ

(ĐTCK) Trong khi nhóm cổ phiếu bluechip tạo bất lợi khiến thị trường quay đầu điều chỉnh khi chưa chạm tay tới thử thách 1.000 điểm, thì nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, với tiêu điểm là họ nhà FLC lại bùng nổ.

Thị trường vẫn duy trì đà tăng trong phiên sáng đầu tuần 28/10 và tiếp tục dao động trong biên độ hẹp trong vùng thử thách 995-1.000 điểm. Mặc dù có thời điểm, VN-Index áp sát ngưỡng kháng cự mạnh 1.000 điểm nhưng lực cầu chưa đủ mạnh để giúp thị trường vượt cản thành công.

Bước sang phiên chiều, VN-Index tiếp tục nới rộng biên độ tăng và tiến gần hơn tới mốc 1.000 điểm. Tuy nhiên, ngay khi tiệm cận tới đích, áp lực bán đã gia tăng khiến thị trường cắm đầu đi xuống.

Sau đó, VN-Index có đảo chiều đi lên nhưng do sức ép từ nhóm cổ phiếu bluechip gia tăng trong đợt khớp ATC đã khiến chỉ số này bị kéo giật lùi về dưới mốc tham chiếu. Thị trường đảo chiều giảm nhẹ sau 4 phiên tăng liên tiếp.

Đóng cửa, sàn HOSE khá cân bằng với 159 mã tăng và 161 mã giảm, VN-Index giảm nhẹ 0,09 điểm (-0,01%), xuống 996,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 183,76 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.750 tỷ đồng, tăng 5,92% về khối lượng và đạt xấp xỉ về giá trị so với phiên cuối tuần trước (25/10).

Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 33,81 triệu đơn vị, giá trị 957,92 tỷ đồng, trong đó ROS thỏa thuận 6,3 triệu đơn vị, giá trị gần 172 tỷ đồng; TCB thỏa thuận gần 5,18 triệu đơn vị, giá trị 123,42 tỷ đồng…

Dòng bank có phần suy yếu so với phiên sáng khi có thêm một số mã quay đầu điều chỉnh nhẹ như TCB, MBB, STB hay lùi về mốc tham chiếu như CTG, HDB, còn BID thu hẹp biên độ khi chỉ còn tăng gần 1% và kết phiên tại mức giá 40.600 đồng/CP.

Bên cạnh đó, VNM đảo chiều giảm 0,5% xuống 133.800 đồng/CP, MSN đảo chiều giảm nhẹ, hay NVK, VRE, GMD… nới rộng biên độ giảm.

Trái lại, nhà Vin lại có dấu hiệu tích cực khi VHM lấy lại mốc tham chiếu, VIC đảo chiều hồi nhẹ khi tăng 0,4% lên mức 117.700 đồng/CP.

Tâm điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu nhà FLC tiếp tục nổi sóng. Điển hình FLC nhanh chóng được kéo kịch trần trong phiên chiều và kết phiên tại mức giá 4.690 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 11,77 triệu đơn vị, dư mua trần tới hơn 11 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cặp đôi AMD và HAI cũng khoe sắc tím với lượng dư mua trần vài trăm nghìn đơn vị và khớp lệnh trên dưới 2,5 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã thị trường HVG cũng duy trì đà tăng mạnh, tiếp tục ghi nhận thêm phiên tăng trần lên 4.170 đồng/CP và khớp 4,63 triệu đơn vị, cùng khối lượng dư mua trần đạt 4,43 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sắc xanh duy trì trong suốt phiên chiều và chỉ số HNX-Index đã giữ được mốc 105 điểm.

Đóng cửa, sàn HNX có 42 mã tăng và 39 mã giảm, HNX-Index tăng 0,33 điểm (+0,31%), lên 105,04 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 22,12 triệu đơn vị, giá trị 235,17 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,85 triệu đơn vị, giá trị 24,94 tỷ đồng.

Góp phần tô điểm thêm trong gia đình nhà FLC, cặp đôi KLF và ART cũng đã khoác áo tím với thanh khoản tích cực, trong đó, ART đứng thứ 2 với khối lượng khớp hơn 1,85 triệu đơn vị, còn KLF khớp hơn 1 triệu đơn vị và dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cổ phiếu ngân hàng SHB tiếp tục nới rộng biên độ với mức tăng 3,08% lên 6.700 đồng/CP và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất sàn, đạt gần 4,88 triệu đơn vị được khớp lệnh thành công.

Hai người anh em khác trong dòng bank là ACB vẫn duy trì đà tăng nhẹ và đứng tại mức giá 23.700 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị; còn NVB đã lấy lại mốc tham chiếu 9.000 đồng/CP và khớp 1,76 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sau màn đảo chiều giảm đầu phiên sáng, thị trường đã đi ngang dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,21%), xuống 56,4 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,52 triệu đơn vị, giá trị 108,59 điểm. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,1 triệu đơn vị, giá trị 36,77 tỷ đồng.

Bộ 3 cổ phiếu lớn gồm BSR, VIB, GVR vẫn dẫn đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 797.400 đơn vị, 792.200 đơn vị và 431.800 đơn vị. Tuy nhiên, kết phiên, cả 3 mà đều quay đầu giảm với BSR giảm 2,02% xuống 9.700 đồng/CP, VIB giảm 0,56% xuống 17.900 đồng/CP, GVR giảm 1,38% xuống 14.300 đồng/CP.

Bên cạnh đó, một số mã lớn khác cũng giao dịch thiếu tích cực khiến thị trường chưa thể hồi phục như VGI giảm 1,2% xuống 32.100 đồng/CP, VTP giảm 1,4% xuống 123.500 đồng/CP, VEA giảm 0,4% xuống 52.900 đồng/CP, OIL giảm 0,9% xuống 10.500 đồng/CP, MSR giảm 1,2% xuống 16.300 đồng/CP…

Trên thị trường phái sinh, có 3 mã tăng và 1 mã giảm, trong đó hợp đồng đáo hạn gần nhất là VN30F1911 được giao dịch lớn nhất với 47.232 hợp đồng và đóng cửa nhích nhẹ lên 926,5 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, có 21 mã giảm, 14 mã tăng và 2 mã đứng giá, trong đó, CVRE1901 dẫn đầu thanh khoản với 91.274 đơn vị được giao dịch thành công và đóng cửa giảm 37,5% xuống 160 đồng/CQ.

Tin bài liên quan