Trong phiên sáng, sau ít phút khó khăn trong nửa đầu phiên sáng, thị trường đã tăng vọt trong nửa cuối phiên khi nhận được sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên, sự dè dặt của nhà đầu tư khiến thanh khoản thị trường sụt giảm.
Với đà bứt phá này, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có sự bùng nổ trong phiên chiều để lấy lại hết những gì đã mất trong phiên giao dịch đầu tuần. Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch chiều, sự dè dặt vẫn được duy trì, khiến VN-Index thu hẹp đà tăng, đóng cửa ở mức thấp nhất phiên chiều với thanh khoản tiếp tục sụt giảm.
Chốt phiên, VN-Index tăng 6,12 điểm (+0,63%), lên 975,91 điểm với 199 mã tăng trong khi chỉ có 92 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 160 triệu đơn vị, giá trị 3.612,53 tỷ đồng, giảm 8,8% về khối lượng và 3% về giá trị so với phiên giao dịch hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp tới một phần ba với 47 triệu đơn vị, giá trị 1.268,68 tỷ đồng.
Việc VN-Index hạ nhiệt trong phiên chiều do nhóm cổ phiếu lớn thu hẹp đà tăng so với phiên sáng. Trong Top 20 mã vốn hóa lớn nhất sàn, dù không có mã nào giảm, nhưng số mã lùi về tham chiếu có thêm VCB và VNM, ngoài SAB. Trong khi đà tăng của 2 mã lớn nhất sàn là VIC và VHM cũng chỉ còn ở mức khiêm tốn, trên dưới 0,2%. Cũng có mức tăng nhẹ dưới 1% là GAS, TCB, CTG, VJC, NVL, MWG.
Các mã còn lại tăng khá tích cực, như POW tăng 3,7% lên 15.400 đồng, VRE tăng 3,19% lên 33.950 đồng, nhưng không bằng phiên sấng, VPB tăng 2,48% lên 20.700 đồng, HPG tăng 2,37% lên 32.350 đồng, MSN tăng 2,29% lên 85.000 đồng, PLX tăng 1,91% lên 58.800 đồng, BID tăng 1,75% lên 34.900 đồng…
Trong đó, CTG vẫn là mã được giao dịch sôi động nhất nhóm với hơn 3,3 triệu đơn vị. Tuy nhiên, POW cũng nổi lên trong phiên chiều khi được khớp hơn 3 triệu đơn vị. Tiếp đến là HPG với 2,54 triệu đơn vị, MBB với 2,47 triệu đơn vị, VRE với 2,34 triệu đơn vị, VPB hơn 2 triệu đơn vị…
Tuy nhiên, mã có thanh khoản lớn nhất sàn vẫn là ROS với 7,49 triệu đơn vị và đã trở lại mốc tham chiếu 32.550 đồng khi chốt phiên, dù phiên sáng có lúc giảm hơn 2,7%. Người anh em FLC không còn giữ được vị trí thứ 2 về thanh khoản khi lùi về vị trí thứ 4 với hơn 4 triệu đơn vị, nhưng vẫn duy trì được sắc xanh khi tăng nhẹ 0,39% lên 5.130 đồng.
Trong khi 2 mã có thanh khoản lớn thứ 2 và thứ 3 là HAG và ITA với 4,92 triệu đơn vị và 4,47 triệu đơn vị lại đóng cửa trong sắc đỏ. Trong đó, HAG giảm 4,43% xuống 5.610 đồng, ITA giảm 1,25% xuống 3.160 đồng.
Các mã nổi sóng trong phiên sáng như DLG, FIT và GTN vẫn duy trì được sắc tím khi chốt phiên chiều, nhưng giao dịch không sôi động do ít lực cung. Trong khi đó, OGC lại có giao dịch tích cực khi tăng 6,57% lên 6.000 đồng với 3,35 triệu đơn vị.
Trên HNX, HNX-Inhdex giao dịch giằng co và đóng cửa thấp hơn phiên sáng với thanh khoản cũng sụt giảm so với phiên hôm qua.
Cụ thể, HNX-Index tăng 0,71 điểm (+0,67%), lên 107,56 điểm với 106 mã tăng và 55 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 26,89 triệu đơn vị, giá trị 330 tỷ đồng, giảm 13% về khối lượng và 30,56% về giá trị so với phiên trước đó. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,5 triệu đơn vị, giá trị 25,89 tỷ đồng.
Trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn HNX cũng không có mã nào giảm giá, có 3 mã đứng giá, còn lại đều tăng. Trong đó, ACB tăng 0,33% lên 30.400 đồng, VCG tăng 1,06% lên 28.500 đồng, VCS tăng 0,47% lên 64.500 đồng, PVS tăng 0,98% lên 20.600 đồng, SHB tăng 2,7% lên 7.600 đồng, VGC đứng giá tham chiếu… Trong đó, SHB là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với hơn 5,1 triệu đơn vị. Tiếp đó là PVS và VGC nhưng cũng chỉ hơn 1,5 triệu đơn vị được khớp mỗi mã.
Hiện tượng TCS tiếp tục giữ được đà tăng tốt khi chốt phiên ở mức cao nhất ngày 9.000 đồng, tăng 8,43% với 2,8 triệu đơn vị được khớp.
Trên thị trường UPCoM, giao dịch cũng diễn ra giằng co và chốt phiên thấp hơn phiên sáng.
Cụ thể, UPCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,16%), lên 57,15 điểm với 111 mã tăng và 81 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,34 triệu đơn vị, giá trị 277 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,64 triệu đơn vị, giá trị 34,9 tỷ đồng.
Trong phiên chiều, C4G đã thay thế BSR trở thành cổ phiếu có sức hút nhất sàn khi thanh khoản đạt 2,19 triệu đơn vị và đóng cửa tăng mạnh 8,57% lên 11.400 đồng. Trong khi BSR khớp 1,9 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,33% lên 13.200 đồng. TOP vẫn ở vị trí thứ 3 với 1,3 triệu đơn vị và án ngữ ở mức trần 1.400 đồng. HVN cũng có giao dịch sôi động trong phiên chiều với 0,93 triệu đơn vị được chuyển nhượng, đóng cửa tăng 1,49% lên 41.000 đồng.