Trong phiên sáng, cùng với sắc đỏ của chứng khoán toàn cầu và khu vực vì nỗi lo virus Covid-19, chứng khoán Việt Nam mở cửa giảm hơn 11 điểm. Sau đó, đà giảm được hãm lại nhờ sự hồi phục của VPB, FPT, PNJ, nhưng lực bán gia tăng cuối phiên khiến VN-Index vẫn mất hơn 10 điểm và đánh mất mốc hỗ trợ tâm lý quan trọng 900 điểm.
Bước vào phiên giao dịch chiều, sự bất an vẫn được duy trì khi lực bán chiếm thế thượng phong. VN-Index bị đẩy xuống dưới ngưỡng 895 điểm và xác lập mức đáy của ngày ở đây trước khi trở lại giữ được mốc hỗ trợ này. Tuy nhiên, từng đó là không đủ để VN-Index tranh khỏi phiên giảm sâu hôm nay sau khi có phiên hồi phục khá tích cực hôm qua.
Chốt phiên, VN-Index giảm 13,7 điểm (-1,51%), xuống 895,97 điểm với 247 mã giảm, gấp hơn 2 lần so với 109 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 142,6 triệu đơn vị, giá trị 2.988 tỷ đồng, giảm 35% về khối lượng và 23% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,4 triệu đơn vị, giá trị 384,6 tỷ đồng.
Trong nhóm bluechip, VPB không duy trì được sắc xanh cho đến khi chốt phiên khi đóng cửa ở mức tham chiếu 28.300 đồng, khớp 4,1 triệu đơn vị, TCB đảo chiều tăng 0,68% lên 22.350 đồng, khớp 2,24 triệu đơn vị. STB cũng đảo chiều lại tăng nhẹ 0,45% lên 11.200 đồng, khớp 8,38 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE. EIB, NVL cũng đảo chiều tăng nhẹ 0,29% lên 17.250 đồng và 0,19% lên 53.800 đồng, FPT vẫn duy trì đà tăng 1,85% lên 55.000 đồng. Ngoài ra, còn phải kể đến sự đảo chiều ngoạn mục của POW khi chốt phiên tăng 2,51% lên 10.200 đồng, khớp 2,28 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, đó là tất cả những điểm sáng trong nhóm bluechip, còn lại đều đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó có nhiều mã giảm mạnh. Cụ thể, BID giảm 3,69% xuống 47.000 đồng, GAS giảm 3,73% xuống 79.900 đồng, HVN giảm 3,35% xuống 23.100 đồng, VHM giảm 2,65% xuống 80.900 đồng, VNM giảm 1,78% xuống 105.000 đồng, BVH giảm 2,46% xuống 55.500 đồng. Các mã giảm trên 1% gồm có VIC, VCB, CTG, VJC, HPG, PLX, MSN, MBB, HDB, BHN.
Trong khi đó, VRC và YEG vẫn giữ được sắc tím và thanh khoản thấp do không có lực bán ra trong phiên chiều.
Trên HNX, chỉ số HNX-Index chỉ lình xình quanh tham chiếu do chịu tác động trái ngược từ các mã lớn và đóng cửa gần như không đổi.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,05 điểm (-0,05%), xuống 106,61 điểm với 56 mã tăng và 76 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 69,6 triệu đơn vị, giá trị 762 tỷ đồng, tăng 37% về khối lượng và 21,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,75 triệu đơn vị, giá trị 244,3 tỷ đồng.
Trên sàn này, trong khi ACB nới rộng đà giảm khi mất 1,99% xuống 24.600 đồng, khớp 4,5 triệu đơn vị, thi SHB lên mức trần 8.000 đồng, khớp 30,5 triệu đơn vị và còn dưa mua giá trần. Ngoài ra, VCG cũng đảo chiều tăng trở lại 0,41% lên 24.300 đồng, VIF vẫn giữ được mức tăng 4,07% lên 17.900 đồng. NVB trở lại tham chiều từ mức giảm hơn 2% trong phiên sáng, đóng cửa khớp 2,98 triệu đơn vị.
Trong khi đó, ngoài ACB, sắc đỏ còn xuất hiện tại VCS, PVS, IDC, VNR.
TIG - mã có thanh khoản tốt thứ 3 sàn HNX hôm nay với gần 3 triệu đơn vị nới rộng đà giảm khi đóng cửa mất 3,95% xuống 7.300 đồng.
Ngoài SHB cũng có một số mã khác đóng cửa với sắc tím trong phiên hôm nay là APS, DST, IDJ, NRC, HKB, DNM… Trong đó, với IDJ là phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp.
Trên UPCoM, chỉ số chính của thị trường này nới rộng đà giảm khi bước vào phiên chiều và hồi nhẹ trở lại trong nửa cuối phiên, hãm bớt đà giảm.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,34% xuống 55,34 điểm với 94 mã tăng và 66 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch 12,6 triệu đơn vị, giá trị 224 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,96 triệu đơn vị, giá trị 71 tỷ đồng.
Ngoài VIB, trong phiên chiều có thêm 2 mã gia nhập nhóm cổ phiếu có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là BSR và GVR.
Trong đó, VIB về lại tham chiếu 17.800 đồng, còn BSR và GVR tăng lần lượt 2,78% lên 7.400 đồng và 8,04% lên 12.100 đồng.
Trong các mã đáng chú ý, chỉ có VTP, VGG, VBB giảm, còn lại đều đóng cửa với sắc xanh, nhưng mức tăng ở mức khiêm tốn.
Trong các mã khác, G36 khởi sắc khi tăng lên mức trần 5.000 đồng, khớp hơn nửa triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.
Trên thị trường phái sinh, tất cả các hợp đồng tương lai theo chỉ số VN30 đều giảm theo VN30-Index, nhưng mức giảm nhẹ hơn. Trong đó, VN30-Index giảm 0,93% xuống 841,68 điểm, còn VN30F2003 giảm 0,52% xuống 836,6 điểm với 179.965 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 18.683 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm thế áp đảo với 48 mã giảm, trong khi chỉ có 13 mã tăng và 2 mã đứng giá. Trong đó, có thanh khoản nhất là CROS2001 với 842.070 đơn vị, đóng cửa giảm 9,09% xuống 100 đồng. Tiếp đến là CPNJ2001 với 559.610 đơn vị được chuyển nhượng, đóng cửa tăng 3,15% lên 1.310 đồng.