Áp lực bán ra từ phiên trước đó tiếp tục ảnh hưởng tới VN-Index trong phiên sáng nay khi chỉ số này mở cửa trong sắc đỏ. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó VN-Index đã bật tăng và thẳng tiến đến mốc lên mốc 1.000 điểm.
Giúp VN-Index bứt lên không nhóm nào khác ngoài nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, với đầu kéo chính là nhóm cổ phiếu Vingroup. Trong bối cảnh thị trường gặp áp lực, chỉ số có lúc đã tăng gần lên mức 998 điểm, trước khi hạ độ cao sau đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa.
Ngoài các cổ phiếu vốn hóa lớn, sức cầu ổn định cũng là yếu tố hỗ trợ thị trường ở phiên này.
Đóng cửa, với 159 mã tăng và 147 mã giảm, VN-Index tăng 6,54 điểm (+0,66%) lên 994,95 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 171,79 triệu đơn vị, giá trị 4.467,25 tỷ đồng, tăng gần 2% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên 24/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá đáng kể với 30,6 triệu đơn vị, giá trị 1.123 tỷ đồng.
Mặc dù vẫn duy trì được mức tăng tốt, nhưng so với thời điểm trước đó, nhiều mã lớn đã hạ đáng kể đà tăng trong thời điểm cuối phiên khi lực chốt lời gia tăng, nhất là các mã đã tăng mạnh. Đơn cử, VIC chỉ còn tăng 1% lên 123.200 đồng, VHM +2% lên 87.500 đồng, trong khi cùng tăng hơn gấp 2 lần trước đó. VRE tăng 0,4% lên 37.500 đồng.
Ngoài các cổ phiếu họ VIC, các mã GAS, SAB, HPG, NPJ... cũng đều tăng tích cực để hỗ trợ chỉ số. Trong đó, HPG tiếp tục tăng ấn tượng cả về điểm số lẫn thanh khoản với mức tăng gần 4% lên 22.400 đồng và khớp lệnh 9,47 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn HOSE.
Trong 30 mã vốn hóa lớn nhất sàn, có 21 mã tăng, trong đó tới 9 mã vốn hóa dẫn đầu. Trong số 9 mã không tăng, phần lớn rơi vào cổ phiếu ngân hàng. Việc nhóm cổ phiếu dẫn dắt này bị chốt lời mạnh tạo sức ì lớn lên chỉ số.
Ngoại trừ VCB và BID tăng, còn lại hầu hết giảm điểm. VCB +1% lên 77.000 đồng. BID +2,2% lên 35.200 đồng. Một trong những mã ngân hàng giảm mạnh nhất là VPB với mức giảm 1,6% về 18.800 đồng. Thanh khoản tốt nhất nhóm là MBB với hơn 5 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 0,9% về 22.400 đồng.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc đỏ chiếm ưu thế với các mã như ROS, FLC, HAG, SCR, KBC, ASM... Trong đó, ROS dẫn đầu thanh khoản HOSE với 12,54 triệu đơn vị được sang tên, giảm 0,7% về 27.800 đồng.
Mã HVC bất ngờ giảm sàn về 27.150 đồng sau 4 phiên tăng điểm, thanh khoản ở mức gần cao nhất trong 6 tháng qua, đạt 1,47 triệu đơn vị.
Ngược lại, các mã DLG, TGG và LMH tăng kịch trần. Với LMH, đây là phiên tăng thứ 4 liên tục, còn TGG là phiên trần thứ 2 liên tiếp TGG và LMH cùng khớp trên 1 triệu đơn vị, trong khi DLG khớp hơn 5,5 triệu đơn vị, đứng thứ 4 về thanh khoản.
Trên sàn HNX, sắc xanh được duy trì trong suốt phiên giao dịch, cho dù chịu rung lắc rất mạnh. Tuy nhiên, thanh khoản ghi nhận sự sụt giảm khá mạnh.
Đóng cửa, với 70 mã tăng và 79 mã giảm, HNX-Index tăng 0,32 điểm (+0,3%) lên 106,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 23,7 triệu đơn vị, giá trị 371 tỷ đồng, giảm 19% về khối lượng và 13% về giá trị so với phiên 24/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn gần 1 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 20 tỷ đồng.
Một trong những nhóm cổ phiếu tăng tốt những phiên vừa qua là dầu khí đã bị chốt lời mạnh ở phiên này nên đồng loạt giảm điểm. Trong đó, PVS -0,9% về 22.800 đồng, khớp lệnh 2,46 triệu đơn vị, dẫn đầu HNX.
Ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng tích cực khi ACB +4% lên 23.700 đồng, SHB +1,5% lên 6.900 đồng, khớp lệnh lần lượt 2,09 triệu và 1,36 triệu đơn vị.
MBS bất ngờ tăng trần lên 16.100 đồng, thanh khoản tăng đột biến với 1,59 triệu cổ phiếu được sang tên.
Ngoài các mã trên, cũng khớp trên 1 triệu đơn vị còn có CEO và NDN. CEO đứng giá 10.500 đồng, còn NDN +2,9% lên 17.600 đồng cũng là phiên tăng thứ 3 liên tục.
Trên UPCoM, diễn biến giằng co mạnh cũng xuất hiện trong phần lớn thời gian giao dịch, có thời điểm đã lùi qua tham chiếu, trước khi hồi lại trong thời điểm cuối phiên nhờ sức cầu tốt.
Đóng cửa, với 101 mã tăng và 89 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,19%) lên 59,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 22,9 triệu đơn vị, giá trị 486 tỷ đồng, tăng 51% về khối lượng và 81% về giá trị so với phiên 24/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá đáng kể với 6,3 triệu đơn vị, giá trị hơn 140 tỷ đồng.
Cả 3 mã thanh khoản cao nhất sàn đều tăng điểm. Dẫn đầu là BSR với 2,469 triệu đơn vị, tăng 3,6% lên 11.400 đồng. Tiếp theo, GRV khớp 1,99 triệu đơn vị, tăng 0,7% lên 14.900 đồng; PXL khớp 1,22 triệu đơn vị, tăng 3,7% lên 5.600 đồng.
Ngoài ra, các mã OIL, VIB, VGT, MPC... hay nhóm Viettel với VGI, VTK, CTR cùng đều tăng tốt.
Nằm trong nhóm giảm điểm có LPB, MSR, SSN, SAS, LTG...
Trên thị trường phái sinh, cả 3 hợp đồng trái phiếu chính phủ đều không có hợp đồng nào được giao dịch ở phiên này.
Ngược lại, hợp đồng phái sinh VN30 giao dịch khá tích cực, nhất là mã VN30F1908 đáo hạn ngày 15/8 với 89.456 đơn vị, khối lượng mở 20.460 đơn vị, nhưng kết phiên đứng giá 885 đồng. Có 2 hợp đồng phái sinh VN30 tăng điểm là VN30F1909 và VN30F2003, 1 hợp đồng giảm điểm là VN30F1912.
Trên thị trường chứng quyền, có 9 chứng quyền tăng, 7 chứng quyền giảm. Về thanh khoản, CHPG1902 dẫn đầu với 47.149 đơn vị được giao dịch thành công, tiếp đến là CMWG19003 với 16.669 đơn vị.