Dù loại bỏ đóng góp từ việc cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs, thị trường vẫn chứng kiến dòng tiền lớn đã có dấu hiệu quay trở lại thị trường trong tuần vừa qua, tạo động lực giúp VN-Index tăng tốc và lấy lại mốc tâm lý 1.000 điểm sau 3 tháng chờ đợi.
Theo đánh giá của một số chuyên gia chứng khoán, khi những lực càn như việc cơ cấu danh mục của các quỹ ETF với việc bán nhiều hơn mua hay căng thẳng thương mại đã không làm khó được thị trường, thậm chí thị trường còn vượt đỉnh thì việc Fed được dự báo sẽ tăng lãi suất trong tuần tới cũng không làm ảnh hưởng xu hướng tăng của thị trường. Bên cạnh đó, những thông tin về kết quả kinh doanh quý III sắp công bố sẽ là bệ đỡ cho thị trường bứt tốc.
Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần mới 24/9, dòng tiền tiếp tục hoạt động sôi động với tâm điểm là nhóm cổ phiếu bluechip, tiếp sức giúp thị trường tiến bước.
Sang phiên giao dịch chiều, áp lực điều chỉnh ở nhóm cổ phiếu ngân hàng khiến đà tăng chững lại, thị trường rung lắc quanh mốc 1.010 điểm. Tuy nhiên, lực cầu tăng mạnh trong đợt khớp ATC giúp nhiều mã lớn nới rộng đà tăng điểm, đã kéo VN-Index vượt ngưỡng kháng cự mới.
Đóng cửa, sàn HOSE khá cân bằng với 148 mã tăng và 145 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 8,32 điểm (+0,83%) lên 1.011,29 điểm. Thanh khoản giảm đáng kể so với phiên chốt sổ ETF với khối lượng đạt 186,72 triệu đơn vị, giá trị 4.387,5 tỷ đồng, giảm 38,26% về lượng và 52,23% về giá trị.
Giao dịch thỏa thuận có đóng góp 17,32 triệu đơn vị, giá trị 643,86 tỷ đồng. Trong đó, MSN thỏa thuận 1,41 triệu đơn vị, giá trị 133,41 tỷ đồng; VIC thỏa thuận 1,27 triệu đơn vị, giá trị 126,65 tỷ đồng.
Trái lại, trên sàn HNX, áp lực bán ở cuối phiên sáng tiếp tục kéo dài trong suốt phiên chiều khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Chỉ số HNX-Index đứng ở dưới mốc tham chiếu trong cả phiên chiều.
Đóng cửa, sàn HNX có 65 mã tăng và 59 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,18%) xuống 115,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 48,62 triệu đơn vị, giá trị 643,86 tỷ đồng, giảm 30,18% về lượng và 32,52% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 379.802 đơn vị, giá trị 6,31 tỷ đồng.
Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoại trừ VCB vẫn duy trì sắc xanh nhạt với mức tăng 0,9% lên 65.200 đồng/CP, còn lại hầu hết đều giảm như TCB điều chỉnh sau 7 phiên tăng liên tiếp với mức giảm 0,7% xuống 28.100 đồng/CP, BID giảm 1,1% xuống 34.900 đồng/CP, CTG giảm 0,4% xuống 28.000 đồng/CP, STB quay đầu sau 4 phiên tăng với giảm 1,2% xuống 12.550 đồng/CP, VPB giảm 1,3% xuống 25.950 đồng/CP.
Trái lại, nhóm cổ phiếu dầu khí tăng khá mạnh như GAS tăng 1,6% lên 117.800 đồng/CP, PLX tăng 3,1% lên 73.000 đồng/CP, PVD tăng 6,5% lên sát trần 18.950 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, bộ 3 nhà Vingroup giao dịch tích cực với VIC tăng 1% lên 99.600 đồng/CP, VRE tăng 4,4% lên mức giá cao nhất ngày 39.500 đồng/CP, VHM tăng 1,4% lên 102.900 đồng/CP.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn chịu áp lực bán chốt lời với hàng loạt mã đứng dưới mốc tham chiếu như ASM, DLG, QCG, ITA, DIG, DXG…
Cổ phiếu YBM tiếp tục bị bán mạnh và có phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp. Với mức giảm 6,9%, YBM chốt phiên tại mức giá sàn 20.100 đồng/CP và đã khớp 566.510 đơn vị, dư bán sàn 15.780 đơn vị.
Cổ phiếu STB dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE với 7,25 triệu đơn vị được khớp lệnh. Tiếp đến là MBB với 6,83 triệu đơn vị; ASM, HSG và IDI có lượng khớp 5,1-5,2 triệu đơn vị…
Trên sàn HNX, top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất có tới 6 mã giảm gồm ACB giảm 0,3% xuống 34.300 đồng/CP, VCS giảm 2,5% xuống 96.300 đồng/CP, VGC giảm 1,1% xuống 18.800 đồng/CP, NTP giảm 1,2% xuống 50.900 đồng/CP, DGC giảm 0,9% xuống 42.300 đồng/CP, PHP giảm 5,6% xuống 10.200 đồng/CP.
Còn lại chỉ có 3 mã tăng nhẹ là VCG tăng 1,1% lên 18.300 đồng/CP, PVI tăng 1,5% lên 33.500 đồng/CP, PVS tăng 1,7% lên 23.600 đồng/CP.
Điểm sáng trên sàn là HUT. Sau diễn biến lình xình giằng co trong phiên sáng, cổ phiếu HUT đã bùng nổ trong nửa cuối phiên chiều và được kéo lên kịch trần 5.800 đồng/CP, với mức tăng 9,4% với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn đạt 10,32 triệu đơn vị, dư mua trần hơn 0,78 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản trên sàn là SHB với 7,77 triệu đơn vị và đóng cửa tại mốc tham chiếu 8.900 đồng/CP.
Trên sàn UPCoM, mặc dù sắc đỏ chiếm đóng trong phần lớn phiên chiều nhưng lực cầu tăng mạnh về cuối phiên đã giúp chỉ số UPCoM-Index đảo chiều hồi phục.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,18 điểm (+0,33%) lên 53,67 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 17 triệu đơn vị, giá trị 265,29 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,52 triệu đơn vị, giá trị 47,72 tỷ đồng.
Các mã họ dầu khí vẫn giao dịch sôi động với BSR dẫn đầu thanh khoản trên sàn đạt 3,44 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 3,1% lên 19.900 đồng/CP; POW đứng giá tham chiếu và khối lượng giao dịch đạt 1,86 triệu đơn vị; OIL tăng 1,23% lên 16.500 đồng/CP và giao dịch 1,28 triệu đơn vị.
Ngoài ra, nhiều mã lớn khác cũng có phiên giao dịch khởi sắc như HVN tăng 4,8% lên 41.300 đồng/CP, VGT tăng 1,6% lên 12.600 đồng/CP, VEA tăng 8,5% lên 34.500 đồng/CP, ACV tăng 2,8% lên 87.900 đồng/CP…