Sau khi tăng mạnh đầu phiên sáng, lên ngưỡng 665 điểm, áp lực chốt lời gia tăng đã đẩy VN-Index thoái lùi về gần mốc tham chiếu.
Trong phiên giao dịch chiều, chỉ số này tiếp tục bị đẩy lùi về sát hơn điểm xuất phát và giao dịch lình xình trong suống phiên trước khi kết thúc phiên giao dịch hôm nay với sắc xanh nhạt.
gần Về diễn biến giao dịch chung, thị trường không có nhiều chuyển biến so với các phiên trước, tiếp tục là diễn biến giằng co, tích lũy quanh vùng 660-665 điểm, hoạt động giao dịch khá thận trọng.
Trong bối cảnh đó, DRH và TTF chính là tâm điểm, với những diễn biến bất ngờ.
Tại phiên giao dịch sáng, DRH là điểm sáng khi lực cầu bất ngờ gia tăng rất mạnh, hấp thụ hết toàn bộ lượng dư bán sàn vài triệu đơn vị đã tồn tại cả chục phiên “đo sàn” trước đó. Kết thúc phiên sáng, DRH khớp được 4,07 triệu đơn vị ở mức giá trần 17.700 đồng/CP (+6,6%) và vẫn còn dư mua trần. Trong phiên chiều, trước lực cầu mạnh, bên bán đã găm lại hàng, nên thanh khoản của DRH không được cải thiện. Nhưng với phiên tăng ấn tượng này, DRH đã chính thức chấm dứt chuỗi giảm sàn ở phiên thứ 12.
DRH thăng hoa có lẽ đến từ thông tin cuộc họp ĐHCĐ bất thường của DRH sẽ được tổ chức vào sáng mai 25/8, nội dung chính là để bầu bổ sung/ thay đổi thành viên HĐQT; bổ sung mục đích sử dụng vốn phát hành; đặc biệt là việc thông qua việc tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu KSB của CTCP Khoáng sản Bình Dương lên 51%.
Ngoài DRH, một mã đáng chú ý khác với chuỗi giảm sàn 24 phiên liên tiếp là TTF cũng tiếp tục duy trì đà phục hồi ấn tượng với phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp. Khác với phiên hôm qua, phiên hôm nay, lực cung đã mạnh hơn và đến chủ yếu từ nhà đầu tư nước ngoài, giống như phiên phục hồi đầu tuần.
Chốt phiên, TTF đóng cửa ở mức giá trần 9.800 đồng/CP (+6,5%) với hơn 2,6 triệu đơn được khớp và còn dư mua trần 1,09 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại bán ra 1,02 triệu đơn vị.
Được biết, Nghị quyết HĐQT TTF cũng vừa thông qua việc triệu tập cuộc họp ĐHCĐ bất thường lần 2 năm 2016, dự kiến tổ chức tại TP. HCM trong khoảng thời gian từ ngày 26/9 đến 25/10. Nội dung họp nhằm thông qua việc bổ nhiệm thành viên HĐQT thay thế và các vấn đề khác theo thẩm quyền.
Trước đó, ngày 15/8, HĐQT TTF đã bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty đối với ông Võ Trường Thành từ ngày 12/8/2016 do không hoàn thành đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của Chủ tịch HĐQT trong tình hình khó khăn khẩn cấp của Công ty. Cùng với đó, HĐQT của TTF cũng đã miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT đối với bà Trần Hoài An, đồng thời miễn nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực đối với ông Tạ Văn Nam và ông Đinh Văn Hóa.
Thay vào đó, bà Vũ Tuyết Hằng, tân Tổng giám đốc của TTF, được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT. Bà Hằng đang là Phó tổng giám đốc của Vingroup (VIC).
Trong một diễn biến khác, cũng vào ngày 15/8, DRH HĐQT đã chấp thuận đơn xin từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT của bà Võ Diệp Cẩm Vân kể từ ngày 15/08/2016. Bà Cẩm Vân là con gái ông Võ Trường Thành.
Trong khi DRH và TTF khởi sắc trở lại, thì HPG lại bị chốt lời khá mạnh, tuy nhiên nhờ lực cầu tốt, HPG chỉ giảm nhẹ 0,61%, xuống 49.000 đồng với 5,81 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu về thanh khoản trên HOSE. Còn lại các mã thép khác đều tăng điểm và cũng có thanh khoản tốt, như NKG giữ vững mức trần 35.600 đồng/CP; HSG tăng 1.700 đồng lên 41.900 đồng/CP.
Hai cổ phiếu thuộc Top thị giá cao nhất thị trường là VNM và MWG cũng đều đạt khớp trên 1 triệu đơn vị, song VNM tăng 2.000 đồng lên 145.000 đồng/CP, còn MWG giảm mạnh 7.000 đồng xuống 146.000 đồng/CP.
Nhờ một số mã bluechips như VNM, VCB, KDC, HSG, REE, FPT… còn tăng điểm, nên VN-Index vẫn duy trì được sắc xanh.
Trên sàn HNX, SCR có sự bứt phá khi tăng 200 đồng lên 9.800 đồng/CP và khớp 4,82 triệu đơn vị, mạnh nhất sàn. Tương tự, VCG và SCR tăng nhẹ 1 bước giá và cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Ngược lại, PVS và HUT vẫn giảm điểm nhẹ, khớp lần lượt 1,77 triệu và 1,23 triệu đơn vị.
Ngoài các mã trên, khớp trên 1 triệu đơn vị còn có HKB, TIG và VGS.
Đóng cửa phiên giao dịch 24/8, với 94 mã tăng và 114 mã giảm, VN-Index tăng 1,61 điểm (+0,24%) lên 660,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 101 triệu đơn vị, giá trị 2.328,6 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,53 triệu đơn vị, giá trị gần 194 tỷ đồng, đáng chú ý có thỏa thuận của 1 triệu cổ phiếu NKG, giá trị 35,6 tỷ đồng và 1,5 triệu cổ phiếu SAM, giá trị 13,5 tỷ đồng.
Tương tự, với 90 mã tăng và 85 mã giảm, HNX-Index tăng 0,02 điểm (+0,02%) lên 83,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 30,85 triệu đơn vị, giá trị 387 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp vẫn là gần 21 tỷ đồng.